Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ám ảnh của bác sĩ khi phá thai cho những bé gái 'chưa kịp lớn'

Phá thai, dù sử dụng cách nào, bà bầu nhí cũng bị ảnh hưởng lớn về tâm lý và thể chất. Với bác sĩ thực hiện thủ thuật, họ cũng cảm thấy đau lòng và có lỗi với thai nhi xấu số.

Việc mang thai ở độ tuổi vị thành niên đẩy các bé gái và gia đình em vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Ảnh: Unicef.

Bé gái mới 12 tuổi, mang thai đủ ngày, đủ tháng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng chuyển dạ. Sau sinh, bé gái đi học trở lại. Mẹ bé bất đắc dĩ trở thành bà ngoại khi con gái chỉ vừa bước vào tuổi dậy thì.

Chia sẻ với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết không phải trường hợp nào cũng sinh con như vậy. Trước nguyện vọng của gia đình, đôi khi họ bất đắc dĩ trở thành "đao phủ" để kết thúc sự sống những sinh linh mà những thai phụ nhí đang mang.

Những thai phụ “nhí”

Theo vị chuyên gia, trước đây, giai đoạn dậy thì của các bé gái diễn ra lúc 10-12 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, tuổi bắt đầu hành kinh xảy ra ngày càng sớm hơn, có khi chỉ mới 8-9 tuổi.

Từ thời điểm này, cơ quan sinh sản của bé gái bắt đầu hoạt động. Bé có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.

Bác sĩ Nhi nhấn mạnh việc có thai ở tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng. Hiện nay, mọi vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục, sống thử, tránh thai… đều dễ dàng tiếp cận. Ở độ tuổi vị thành niên, trẻ vốn tò mò, thích khám phá về tình dục nhưng lại chưa trang bị tốt kiến thức cho bản thân. Ngoài ra, bị lạm dụng, hiếp dâm cũng là một trong những nguyên nhân khiến các bé gái bất đắc dĩ trở thành thai phụ.

Bác sĩ Nhi cho hay đối với trường hợp của bé gái 12 tuổi trên, vì quan hệ tình dục khi còn quá nhỏ, em thậm chí không biết mình mang thai hay có thể nhận ra biểu hiện khác lạ của cơ thể.

Cho đến một ngày, gia đình thấy bụng em to bất thường, có dấu hiệu đau và ra máu âm đạo nên được mẹ đưa đi khám. Lúc này, em mới biết mình sắp sinh.

"Đây là ca mang thai sớm nhưng may mắn, cả đứa trẻ và người mẹ vẫn bình an”, bác sĩ Nhi chia sẻ.

Nhưng không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy. Bác sĩ Nhi từng tiếp nhận trường hợp bé gái 13 tuổi mang thai trứng, bắt buộc phải đưa ra quyết định đau lòng nhất là chấm dứt thai kỳ. Phần lớn thai trứng đều lành tính. Tuy nhiên, ở người có tiền sử mang thai trứng, tình trạng này có thể diễn tiến thành tế bào nuôi ác tính, dẫn đến ung thư nguyên bào nuôi, dù tỷ lệ không cao.

Việc mang thai ở độ tuổi vị thành niên đẩy các bé gái và gia đình em vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Nếu bỏ thai, tâm lý và sức khỏe của bé gái sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sau. Trái lại, nếu sinh con, em có thể phải đối mặt với lời dị nghị và gián đoạn việc học.

mang thai som anh 1

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ các bé ở độ tuổi vị thành niên vốn tò mò, thích khám phá về tình dục nhưng lại chưa trang bị tốt kiến thức cho bản thân. Ảnh: BSCC.

Ám ảnh

Bác sĩ Nhi cho hay có nhiều phương pháp chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, sử dụng cách nào, thai phụ "nhí" cũng bị ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý và thể chất.

"Trong phòng làm thủ thuật phá thai, với trường hợp thai lớn, đôi khi, bác sĩ không khác gì 'đao phủ'. Chúng tôi cảm thấy đau lòng và có lỗi với đứa bé xấu số", bác sĩ Nhi chia sẻ.

Chính vì thế, khoa kế hoạch hóa gia đình của các bệnh viện thường có những ngày được dành riêng thờ cúng cho những thai nhi xấu số.

Theo bác sĩ này, khi tiếp nhận những trường hợp mang thai sớm, nếu gia đình vẫn kiên quyết muốn chấm dứt thai kỳ, bệnh viện sẽ đưa ra quyết định dựa trên nguyện vọng của người mẹ và gia đình cũng như tuổi thai nhi.

Đối với thai dưới 12 tuần, người mẹ có thể uống thuốc phá thai nhưng không phải trường hợp nào uống thuốc cũng có thể giải quyết triệt để. Đôi khi, bệnh nhân phải hút lòng tử cung do nhau thai còn sót lại. Việc này gây tổn thương nội mạc tử cung, thậm chí không mang thai được sau này do dính nội mạc tử cung hoặc nhiễm trùng cơ quan này.

Đối với thai khoảng 20 tuần, các bác sĩ sẽ cho sảy thai to bằng việc uống thuốc hoặc dùng kỹ thuật. Theo lý thuyết, sảy thai to là gây sảy thai dưới 24 tuần. Trường hợp này em bé không có khả năng sống ngoài đời do hoang thai, tức người mẹ bị cưỡng hiếp, có lý do riêng không muốn giữ thai hoặc người mẹ lẫn gia đình đều không chấp nhận giữ thai.

Tuy nhiên, khi thai đã lớn hơn 24-25 tuần và có khả năng nuôi sống, về mặt đạo đức, các bác sĩ không thể thể chấm dứt thai kỳ. Thay vào đó, họ sẽ động viên, khuyến khích gia đình để đảm bảo em bé có thể mạnh khỏe chào đời. Vì nếu phá thai ở giai đoạn này, người mẹ có nguy cơ cao băng huyết, dẫn đến cắt tử cung hoặc giữ được tử cung nhưng khả năng mang thai sau này không cao.

"Khi biết con mang thai sớm, gia đình nào cũng rất sốc và đau đớn. Nhưng họ phải bình tĩnh để đối mặt với vấn đề. Dù giữ hay chấm dứt thai kỳ, con của họ cuối cùng cũng sẽ đi học trở lại. Nếu thai đã quá tuổi và gia đình có thể nuôi em bé, hãy động viên con mình để em bé có thể chào đời", bác sĩ Nhi cho biết.

Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng

Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.

Khuyến cáo chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế

Sáng 14/4, Bộ Y tế đã phát đi khuyến cáo mới về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc gia tăng những ngày gần đây.

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm