Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ám ảnh lớp 1

Không ít trẻ sau những ngày đầu vào lớp 1 thay vì háo hức, vui mừng, hứng khởi thì các em bị ám ảnh, cảm xúc sợ hãi bao trùm đời sống tinh thần của trẻ.

Dấu ấn ngày đầu tiên đi học lớp 1 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển đời sống sức khỏe tâm lý, tinh thần, mà trực tiếp nhất có thể làm biến đổi trong hoạt động chủ đạo của trẻ khi bước vào lớp 1.

Cô cùng trò tập viết những nét chữ đầu tiên. Trong ảnh: một tiết học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng.
Cô cùng trò tập viết những nét chữ đầu tiên. Trong ảnh là một tiết học của học sinh lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM.

“Phủ đầu” trẻ

Bé L.H., 6 tuổi (Biên Hòa, Đồng Nai) mấy ngày nay không đoái hoài gì tới chuyện học hành, nói đến cô giáo là cháu “sợ”, mỗi buổi sáng cháu không chịu dậy sớm mà cứ nằm lì ở giường để trốn đi học.

Có hôm cháu còn nói dối với mẹ là bị đau đầu, hôm thì bảo chóng mặt, hôm lại đau bụng... Cháu ít nói chuyện hơn, lầm lì mặc dù trước đây là đứa trẻ rất vui vẻ, hiếu động, lúc nào cũng đòi được đi học. 

Qua tâm sự với mẹ của bé, chúng tôi biết được ngày đầu tiên đi học lớp 1, vì hay nghịch ngợm, phá phách nên cháu H. đã bị cô giáo phạt phải đứng úp mặt vào tường trước cả lớp. Không chỉ riêng cháu H. mà một số bạn trai hiếu động khác cũng bị cô giáo dùng hình phạt này.

Một hôm sau khi tan học, vì nghe dặn là nếu mẹ chưa đến đón được thì nhất định phải ngồi trong lớp, do kẹt xe nên mẹ H. đến muộn mấy phút, vậy là bé H. cứ ngồi hoài trong lớp, vì tủi thân, sợ sệt nên bé cứ khóc thút thút cho đến khi mẹ H. vào lớp đón về.

Rồi trường hợp của bé H.L., 6 tuổi (Bình Dương) cũng tương tự. Mấy ngày đầu đến trường, cô giáo ra mệnh lệnh: trong lớp phải thực hiện các quy định như vệ sinh phòng học, ngồi im lặng, không được nói leo... nếu em nào vi phạm sẽ bị cô phạt.

Vậy là bé H.L. cứ phải im lặng và thực hiện theo yêu cầu của cô, về nhà cháu chẳng nói chẳng rằng, nói đến đi học là cháu chỉ sợ cô giáo phạt vì luôn bị ám ảnh bởi lời “nhắc nhở” mang tính cảnh báo của cô.

“Hiệu ứng”

Đối với trẻ vào lớp 1 từ yêu cầu thay đổi hoạt động chủ đạo vui chơi ở tuổi mẫu giáo sang hoạt động chủ đạo học tập là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. 

Những cảm xúc mới và cũ đan xen, những thói quen chơi và học chưa trở thành hoạt động chủ yếu, đặc biệt là những cảm xúc còn yếu ớt, dễ vỡ, nếu bị tác động mạnh ở môi trường mới không tốt thì trẻ ngay lập tức sẽ bị “ngợp”, có thể dẫn đến những sang chấn tâm lý tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển trong những năm tháng đầu đời.

Cụ thể:

- Về nhận thức: trẻ không có nhu cầu học tập, nếu ép buộc trẻ dễ dẫn đến rối loạn trí nhớ, thậm chí dẫn đến hoang tưởng.

- Về cảm xúc: sự tác động mạnh dễ dẫn đến sợ hãi, khép mình, có thể dẫn đến trơ lì tâm lý.

- Về hành vi: thông thường trẻ thực hiện các hành động một cách gượng ép, các hành động không mang tính tự giác, một số trẻ còn tìm cách trốn tránh hoặc ngấm ngầm thực hiện các hành vi theo sở thích của trẻ.

Làm điểm tựa tinh thần

Ngày vào lớp 1, các thầy cô hãy làm cho trẻ thích hơn là “bắt buộc”, hoặc biến những cái “bắt buộc” đó trở thành niềm vui cho trẻ. Tôn trọng và yêu cầu cao; yêu thương, nghiêm khắc nhưng không được dọa nạt, cấm đoán.

Trẻ quậy phá, nghịch ngợm chỉ là để muốn thỏa mãn, muốn được sự quan tâm, chú ý của người lớn.

Do vậy, thầy cô phải dựa trên cơ sở hứng thú thì mới khơi dậy được niềm vui cho trẻ. Để lại ấn tượng tốt đẹp sẽ là hình ảnh quan trọng nhất của trẻ khi đến trường, hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền” sẽ tạo cho trẻ một cảm giác an toàn, một ấn tượng tốt về sau.

Đồng thời, các bậc phụ huynh cần chú ý trong những ngày đầu tốt nhất hãy cùng trẻ đến trường, hãy nói nhiều những điều tốt đẹp về thầy cô, về ý nghĩa của việc đi học, hơn nữa cũng cần đặt ra yêu cầu cao cho trẻ đối với quy định mới ở trường.

Người lớn hãy cho các em những niềm vui bất ngờ thay bằng sự đe dọa và trách phạt.

Thầy cô giáo hãy gạt bỏ hết những cảm xúc tiêu cực để đối xử với các em nhỏ như là những người bạn. Hãy ân cần, chia sẻ để nâng đỡ những tâm hồn còn non nớt, ngây thơ mà dễ bị đổ vỡ.

Nhà trường thật sự “thân thiện” thì học sinh mới tích cực.

Không nên bao bọc con quá kỹ

Vào học một thời gian rồi nhưng rất nhiều học sinh lớp 1 vẫn chưa quen với nội quy trường lớp. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến chính bản thân các em mà còn gây phiền hà đến cả lớp học đó.

Nguyên nhân chủ yếu là sự bao bọc con quá kỹ của các bậc cha mẹ. Họ thường làm thay con mọi việc, dẫn đến các em mất dần tính độc lập, tự chủ và thiếu hụt một số kỹ năng cơ bản của bản thân.

Phần lớn trẻ lớp 1 thường bỡ ngỡ với trường, với thầy cô và bạn bè mới, vì thế những ngày đầu đến lớp các bé thường có mẹ theo cùng. Nhiều em không rời mẹ nên thời gian đầu mẹ thường được cô cho vào lớp ngồi cùng với bé.

Khi vào học chính thức, các bé đã quen dần với việc không có mẹ bên cạnh. Nhưng vẫn còn rất nhiều em, mẹ phải đứng suốt buổi bên cửa sổ, vắng một chút là khóc lóc, cô không tài nào dỗ được. 

Ở các trường tiểu học, các em thường vào lớp 6g50, nhưng nhiều hôm hơn 7g mới thấy mẹ tất tả chở con tới.

Khi được hỏi vì sao cho bé đi học muộn, “Gọi hoài mà nó không chịu dậy”, phụ huynh vừa lôi con xềnh xệch, vừa đánh bé.

Nhiều phụ huynh mỗi lần đưa con tới trường chạy xe gắn máy vào tận cửa lớp mặc dù được nhắc nhở vì “nó còn quá nhỏ nên thấy tội”... 

Mỗi buổi sáng, trên sân trường hình ảnh thấy nhiều nhất là các mẹ cầm hộp đồ ăn chạy theo con, đút từng muỗng như trẻ lên 3. Ăn uống vội vã, khi trống vào học mẹ cất đồ ăn đem về và giờ ra chơi lại chạy vào cho con ăn tiếp vì sợ bé đói.

Chuyện ăn đã khổ, chuyện đi vệ sinh còn khổ hơn nhiều. Phần lớn bé được cha mẹ cưng chiều, ở nhà cha mẹ thường làm giúp mọi việc cho con, nên nhiều bé chưa biết mở khuy quần, chưa biết vệ sinh sạch sẽ sau khi đi ngoài...

Đã rất nhiều chuyện buồn cười xảy ra. Có em xin ra ngoài đi vệ sinh, dạy gần nửa tiết học chưa thấy vào, cô phải đi tìm thấy em đang khóc vì không biết kéo quần lên; có bé chạy thẳng về nhà “để mẹ con giúp”; có em ngang nhiên tè ngay trong lớp học hay trên sân trường...

Nhiều phụ huynh con đi học rồi mà đứng ngồi không yên vì sợ con ở trường “không biết nó sẽ đi vệ sinh thế nào?”. 

Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng thương không có nghĩa là làm thay chúng mọi việc.

Hãy tập cho trẻ tính tự lập ngay từ nhỏ, đặc biệt là tạo cho các em một số kỹ năng cơ bản tự phục vụ bản thân, để khi không có mẹ bên cạnh các em vẫn tự tin, không bị lạc lõng giữa một tập thể.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140926/am-anh-lop-1/650449.html

Theo Ths Nguyễn Văn Công/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm