Nhiều ngày sau cái chết của em N.V.H.D. (học sinh lớp 8 trường THCS Hồng Hà bị Q.K., học sinh lớp 9 cùng trường, sát hại), hiệu trưởng Đinh Thị Anh Đào cho biết ban giám hiệu, thầy cô vẫn chưa hết bàng hoàng. Sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của khoảng 10 học sinh khác.
Chuyên gia cảnh báo, hiện tượng bạo lực học đường gia tăng. |
Ngoài sức tưởng tượng
“Đối với 10 học sinh chứng kiến sự việc, có thể các em bị sốc, ám ảnh nên ngay ngày hôm sau đến trường, hiệu trưởng đã đến lớp động viên các em bình tĩnh, ổn định để tiếp tục học tập”, bà Đào nói.
Theo bà Đào, học sinh bị nạn chưa từng vi phạm nội quy ở trường, còn Q.K. chưa chăm chỉ học tập, có vi phạm nội quy như không mặc đồng phục, nhưng cũng chưa từng gây gổ, đánh nhau với bạn. Do đó, việc Q.K. giấu hung khí đến trường hành hung bạn đến chết là ngoài sức tưởng tượng, là nỗi đau xót của cả gia đình, nhà trường.
Điều bà Đào đau lòng nhất là trước đó, không có manh mối nào để phát hiện mâu thuẫn giữa hai học sinh để giáo viên, ban giám hiệu can thiệp sớm. Hai học sinh học 2 khối, vốn dĩ lớp học không cạnh nhau, không biểu hiện có mâu thuẫn.
Trước đó, nhà trường đã triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn bằng cách yêu cầu học sinh ký cam kết thực hiện nội quy, thỉnh thoảng kiểm tra hành chính để ngăn chặn hành vi đưa vật cấm vào trường học. Đối với những học sinh ngỗ ngược, vi phạm nội quy, nhà trường mời công an đến nói chuyện, phổ biến kiến thức pháp luật để răn đe.
Thời gian qua, những vụ việc học sinh xúm lại đánh bạn, ẩu đả quay clip tung lên mạng xã hội… không còn hiếm. Gần đây xuất hiện clip hai nữ sinh lớp 8 và lớp 10 (ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đấm đá nhau túi bụi trước sự cổ vũ của nhiều người. Do mâu thuẫn trên mạng xã hội, học sinh lớp 9 trường THCS Phan Ngọc Hiển (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đánh nhau với nhiều học sinh trường khác.
Khó quản lý
Nhận định sự việc đau lòng với học sinh trường THCS Hồng Hà là hy hữu, bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, cho biết phòng đã triệu tập cuộc họp với tất cả hiệu trưởng các trường để rút kinh nghiệm.
Các trường được yêu cầu rà soát mọi vấn đề liên quan an ninh, an toàn trường học, siết quản lý, thậm chí kiểm tra cặp sách để phát hiện sớm những vật dụng học sinh không được phép đưa vào trường. Các trường cũng được yêu cầu tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học. Các giáo viên được giao nhiệm vụ nắm bắt tâm lý học sinh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nữ sinh lớp 8 bị đánh hội đồng. Ảnh cắt từ clip. |
Đánh để “dằn mặt”
Ngày 6/4, ông Hoàng Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, cho biết đang phối hợp trường THPT Tân Kỳ 3, Trung tâm GDTX huyện làm báo cáo gửi sở GD&ĐT liên quan đoạn clip học sinh đánh nhau. Trước đó, ngày 5/4, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip dài hơn 30 giây ghi lại cảnh một nhóm nữ học sinh đánh hội đồng một học sinh khác. Đoạn clip cho thấy, sau vài câu nói, nữ sinh mặc áo khoác màu đỏ dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào một nữ sinh khác. Sau đó, 2 nữ sinh mặc áo đồng phục tiếp tục lao vào đánh “hội đồng”. Có nhiều học sinh xung quanh nhưng không ai can ngăn, thậm chí còn hô hào, kích động.
Người bị đánh trong đoạn clip là nữ sinh học lớp 8, trường THCS Nghĩa Phúc, còn các học sinh tham gia đánh bạn là học sinh trường THPT Tân Kỳ 3 và một học sinh của Trung tâm GDTX. Nguyên nhân ban đầu được xác định là các em học sinh cùng cấp ở xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ có mâu thuẫn với nữ sinh lớp 8 trường THCS Nghĩa Phúc. Sau đó, những em này nhờ “đàn chị” học cấp 3 đánh nữ sinh để “dằn mặt”.
Thu Hiền
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên một trường THPT tại Hà Nội, nói rằng việc giáo dục, quản lý học sinh hiện nay gặp nhiều khó khăn. Đa số học sinh được trang bị điện thoại thông minh quá sớm. Những em chăm chỉ dùng điện thoại cho mục đích học tập, còn những em lười học, chưa ngoan thường chơi trò chơi điện tử, dần dần nghiện và chịu ảnh hưởng từ những trò chơi bạo lực trên mạng. Để quản lý học sinh, trong vai trò chủ nhiệm, cô từng lập nhóm học sinh lớp để giám sát.
“20h, thấy học sinh vẫn “sáng đèn” trên mạng, cô sẽ nhắn tin nhắc nhở và nhắn thông báo gia đình để quản lý con. Tuy nhiên, sau khi “bắt bài” cô, nhiều em lập tài khoản khác để tương tác hoặc chơi game”, cô Nga nói.
Mới đây, trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) gửi thông báo tới phụ huynh học sinh về việc có tình trạng sau giờ học, học sinh chơi điện tử tại quán Internet có biểu hiện không tự chủ được hành vi (ngáo đá).
Trả lời phóng viên Tiền Phong, bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ, cho biết nhà trường đã báo cơ quan công an về hiện tượng đó. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc thiết lập nhiều kênh thông tin để phát hiện sớm học sinh có biểu hiện, hành vi không đúng mực. Sau sự việc kể trên, nhà trường cũng thông báo để cảnh báo phụ huynh đưa đón con đúng giờ, quản lý để tránh việc trẻ la cà vào quán điện tử, quán trà đá…