Ám ảnh và lạc lõng với ‘Người tình Sài Gòn’ của Linh Lê
Tác giả của hai cuốn sách “Không khóc ở Kuala Lumpur” (2010), “Mùa mưa ở Singapore” (2011) đã giới thiệu tiểu thuyết thứ ba với nhiều khắc khoải, cô đơn.
Cuốn sách mới của Linh Lê (tên thật là Nguyễn Huyền Linh) có thể mang tới nhiều sự đồng cảm cho “người tứ xứ” trên mảnh đất phương Nam, những con người có thể sẽ tự đặt câu hỏi về sự lựa chọn của mình sau một thời gian lập nghiệp ở TP.HCM. Du - nhân vật chính - có tuổi trẻ, có những khát khao về tự do, đầy cá tính và say tình. Trong cô như có một sa mạc vô tận mà không người đàn ông nào có thể lấp đầy, ngay cả cuộc tình với Tú - một người đàn ông có vợ - cũng vậy. Cũng như những người xung quanh, cô mãi đi tìm một điều gì đó mà có khi càng đi tìm lại càng không thấy, vì tình yêu rốt cuộc không phải cái đích đến, mà là chặng đường mà có đi trên nó chúng ta sẽ thu thập được những cảm giác yêu thương…
Giữa Sài Gòn phồn hoa, tự do nhưng đầy xa lạ và nhung nhớ, những Ní, Hạ Liêu, Đông hay Yama…, giữa những mối quan hệ chồng chéo, đan xen, là tâm hồn Du chơ vơ, đứng cô đơn bên dòng chảy vội vã của cuộc đời.
Linh Lê - cây bút sinh năm 1986. |
Du, Tú, Ní, Hạ Liêu… hay là ai khác, trong câu chuyện này, tất cả đều chỉ là những cái tôi dị biệt - bằng cách này hay cách khác, góc nhìn này hay góc nhìn khác - đều trở thành những mảnh ghép rời rạc cho một Sài Gòn hào nhoáng, nhưng cũng nhiều góc khuất, nơi ẩn náu những nổi loạn ích kỷ đầy cảm xúc. Trong dòng chảy lúc hối hả, lúc cô đặc ở cái Sài Gòn mà họ đang nương níu, họ vướng lấy nhau, hấp dẫn nhau, rồi lại đẩy nhau ra như hai cục nam châm cùng cực. Để rồi lại quay trở về với cái tôi cô đơn lạnh lẽo trong bản thể mỗi người.
Nhận xét về Người tình Sài Gòn, BTV Quang Minh (đài THVN, một người bạn của Linh Lê) nhận định rằng, tác giả đã tạo ra một “khối cô đơn tuyệt đối”. Anh viết: “Người tình Sài Gòn với vô số các cuộc tình ngang trái, liệu có phải là một cuốn truyện tình? Tôi nghĩ, nó viết về sự cô đơn. Cô đơn hiện diện ngay cả trong lúc ái ân. Cô đơn như một cục đá to trước mặt. Người né. Người nhìn nó trừng trừng, ghè nó ra, rồi lại vuốt ve, và cuối cùng, lao thẳng vào nó”.
Còn ca sĩ Mai Khôi kể, cô dự phần vào câu chuyện của Du bằng cách cùng đốt lên những điếu thuốc như nhân vật, để cùng Du “đi qua sa mạc, đi vào những giấc mơ, đi vào khu rừng dạt dào mưa như lúc nào cũng chực mưa”.
Cô chia sẻ: “Đôi khi tôi hơi giật mình vì những triết lý ngang tàng, những câu nói lạnh, bao bọc sự bức bối tức tưởi của những khát khao không được thỏa mãn của cô gái đang cố thỏa hiệp với nỗi đau và sự cô đơn trong chính tình yêu của mình, như Sự đau khổ là không có thật, con người tạo ra một thứ bi kịch trong lòng mình, đặt tên cho nó là "đau khổ" hoặc là: Tôi không tin có định nghĩa gọi là hạnh phúc ở đời. Tôi chỉ tin có một thứ cảm xúc gọi sự thỏa mãn tạm bợ. Người ta vẫn gọi nó là hạnh phúc. Tôi không mong được gặp chính mình trong những thân phận này, tôi cũng không mong có sự đồng điệu nơi tâm hồn hay thể xác với Người tình Sài Gòn phù phiếm, hay một kết thúc có hậu... Nhưng điều tôi mong đợi đã đến: sự bất khả của tình yêu”.
Người tình Sài Gòn dày 204 trang, đã phát hành giữa tháng 3.
Mỹ An
Theo Infonet