Những ca sĩ nổi tiếng nhất tại Triều Tiên đều là sĩ quan cấp cao trong quân đội. Ngoài ra, Chủ tịch Kim Jong Un thích nhạc trot của Hàn Quốc.
Triều Tiên là đất nước gây nhiều sự tò mò từ kinh tế, chính trị đến đời sống văn hóa của người dân vì chính sách đóng cửa khá khắc nghiệt. Trong đó, âm nhạc của Triều Tiên có nhiều đặc điểm riêng biệt, không chỉ là phương tiện để giải trí mà còn đóng góp vai trò quan trọng trong chính trị.
Với tư tưởng tiến bộ của chủ tịch Kim Jong Un, cộng thêm sự xâm nhập của Internet, hiện nay âm nhạc Triều Tiên dần có sự thay đổi.
Triều Tiên: Đất nước có ngành công nghiệp âm nhạc kỳ lạ nhất trên thế giới
Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, âm nhạc tại Triều Tiên bị kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có các ca khúc giúp ích cho việc xây dựng nhà nước, xây dựng ý thức hệ của người dân mới được biểu diễn.
Dưới thời Kim Jong Il, âm nhạc cởi mở hơn. Những thể loại nhạc trước đó bị cấm đoán cũng đã được phép hoạt động và khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, ông Kim Jong Il yêu thích điện ảnh hơn âm nhạc.
Ngược lại với cha mình, Chủ tịch Kim Jong Un yêu thích âm nhạc. Dưới thời của ông, âm nhạc Triều Tiên đa dạng hơn, cũng chịu ảnh hưởng từ nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc.
|
Chủ tịch Kim Jong Un quan tâm đến âm nhạc và thích đi xem biểu diễn. |
Tại Bình Nhưỡng, bài hát đánh thức mọi người vào lúc 6 giờ sáng hàng ngày mang tên Where Are You, Dear General. Đây là ca khúc do nhóm nhạc The Pochonbo Electronic Ensemble thể hiện.
Ban nhạc này được cố Chủ tịch Kim Jong Il thành lập từ những năm 1980 và là ban nhạc đầu tiên của Triều Tiên sử dụng các thiết bị điện tử. Tên của họ cũng xuất phát từ một sự kiện lịch sử có sự tham gia của cố chủ tịch. Các ca khúc của nhóm chủ yếu cũng được sáng tác từ các câu chuyện xảy ra trong cuộc đời Chủ tịch Kim Jong Il.
Một điều đặc biệt nữa ở Triều Tiên là việc hình ảnh ca sĩ opera Hong Yong Hee được in lên tờ tiền trị giá 1 won.
Nhân vật này là ngôi sao thủ vai nữ chính của Cô gái hoa - bộ phim được chuyển thể từ vở kịch được sáng tác năm 1972, có chủ đề cách mạng, nội dung bi thảm về sự áp bức của Nhật Bản ở Triều Tiên. Cô gái hoa được coi là một phần quan trọng trong văn hóa của Triều Tiên.
|
Hong Yong Hee trong vở Cô gái hoa.
|
Âm nhạc tại Triều Tiên cũng được xem là một công cụ tuyên truyền quan trọng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Il từng phát biểu: "Âm nhạc nên phục vụ chính trị. Âm nhạc không có chính trị giống như những bông hoa không có mùi hương. Chính trị không có âm nhạc là chính trị không có trái tim".
Trẻ em Triều Tiên được dạy hát các ca khúc ca ngợi quê hương tổ quốc ngay từ khi còn nhỏ, các loa phát thanh được lắp đặt ở mọi nơi và người dân không có quyền từ chối các chương trình mà nhà nước phát.
Âm nhạc tại đất nước này cũng chủ yếu tuyên truyền các chính sách của Đảng, nhạc trữ tình, nhạc cách mạng và nhạc dân gian truyền thống. Trong đó những ca khúc ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong Il chiếm tỷ lệ không hề nhỏ.
Sự thay đổi của âm nhạc dưới thời Kim Jong Un
Ngay từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cho thành lập ban nhạc Moranbong bao gồm những nữ nghệ sĩ với phong cách hiện đại. Dù là quân nhân Triều Tiên nhưng những nữ nghệ sĩ này lại mặc váy ngắn cũng như cắt tóc kiểu cách, đi giày cao gót. Đây vốn là điều kiêng kỵ tại Triều Tiên, đặc biệt là trong quân đội.
Điều này cho thấy sự thay đổi trong tư tưởng của Kim Jong Un so với cha ông. Đồng thời cũng cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và Kpop tới Triều Tiên. Mặc dù xem phim và nghe nhạc Hàn Quốc là bất hợp pháp ở Triều Tiên nhưng chúng vẫn tìm được đường để xâm nhập vào đây.
|
Ban nhạc nữ Moranbong được coi là "nữ hoàng nhạc pop" tại Triều Tiên. Họ gồm 5 nữ ca sĩ và 11 nhạc công. |
Thông tấn xã Trung ương Hàn Quốc bình luận: "Kim Jong Un tổ chức ban nhạc Moranbong theo yêu cầu của thế kỷ mới. Đây cũng là một bước thúc đẩy trong kế hoạch tạo bước ngoặt lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật".
Tờ tin tức chính thống của Triều Tiên - Rodong Sinmun - cũng từng ví tầm quan trọng của Moranbong đối với đời sống tinh thần của người dân Triều Tiên giống như lúa gạo trong đời sống vật chất.
Ngoài Moranbong, một nữ nghệ sĩ nổi danh khác tại Triều Tiên là nữ ca sĩ nhạc nhẹ Hyon Song Won - một quan chức cao cấp trong Ủy ban trung ương của Đảng Lao động cầm quyền tại Bắc Triều Tiên.
Cô từng đại diện cho Triều Tiên tham gia biểu diễn trong Olympic Mùa đông Pyeongchang 2018 tổ chức tại Hàn Quốc. Từ đó, Hyon Song Won được xem như một minh họa rõ ràng về việc âm nhạc có mối liên hệ chặt chẽ với chính trị tại Triều Tiên, là công cụ để tuyên truyền các chính sách và ca ngợi chế độ.
|
Hyon Song Won được coi là nghệ sĩ lớn tại Triều Tiên.
|
Sau lần đoàn nghệ thuật Hàn Quốc sang biểu diễn tại Bình Nhưỡng vào tháng 4/2018, công chúng Hàn Quốc cho rằng sở thích âm nhạc của ông Kim Jong Un đã hiện lên rõ ràng hơn. Cụ thể, nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là yêu thích những bản nhạc trot buồn và thể loại nhạc nhẹ đại chúng của Hàn Quốc.
Ông đặc biệt để ý đến nữ ca sĩ Baek Ji Young, một ca sĩ nhạc nhẹ thực lực, nữ hoàng nhạc phim của xứ Kim Chi. Trong buổi biểu diễn, Baek Ji Young thể hiện 2 ca khúc là Like being hit by a bullet và Please Don't Forget. Sau đó, ông Kim còn hỏi: "Cô ấy có nổi tiếng ở Hàn Quốc không?", "Đây đều là các bài hát mới à?".
|
Các nghệ sĩ Hàn Quốc sang Triều Tiên biểu diễn. Baek Ji Young mặc váy đỏ đứng hàng cuối. |
Cũng giống như kinh tế, văn hóa và các mảng khác, âm nhạc Triều Tiên bị quản lý nghiêm ngặt.
Dù đã có bước phát triển dưới thời của Kim Jong Un, sau cùng, những bài ca về tổ quốc, ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong Un và những ca sĩ trong bộ quân phục hay trang phục truyền thống của Triều Tiên vẫn là xương sống của nền nghệ thuật giải trí nước này.