Bác sĩ Nguyễn Khắc Huy làm việc tại khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ngày 9/7, anh xung phong đến Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Cần Giờ và làm việc tại đây trong 5 tuần.
Tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, tôi và đồng nghiệp sẽ làm việc theo ca, 7h đến 16h hoặc 16h đến 7h hôm sau. Trong một tuần, cứ hai ca sáng, tôi sẽ làm một ca tối.
Đối với tôi, ca làm việc nào cũng như nhau, có những thời điểm vất vả nhất định. Điều quan trọng là tôi cần đảm bảo việc theo dõi sát sao bệnh nhân và kịp thời có mặt khi họ cần.
Sáng
Nếu trực ca ban ngày, tôi thường có mặt ở bệnh viện vào khoảng 6h30. Các nhân viên y tế như chúng tôi được sắp xếp nghỉ ở khu vực riêng gần bệnh viện, có thể đi bộ tới.
Chuẩn bị xong xuôi, xỏ bộ đồ bảo hộ kín bưng, nóng bức, tôi bắt đầu một ngày làm việc.
Thông thường, sau khi lấy danh sách bệnh nhân, kiểm tra hồ sơ, tôi sẽ đi một vòng kiểm tra, thăm khám người bệnh. Tình trạng các bệnh nhân vào buổi sáng thường khá ổn định, hiếm khi xảy ra tình huống bất ngờ.
Bác sĩ Khắc Huy xung phong đến Bệnh viện dã chiến Cần Giờ làm việc. |
Cứ như vậy, đến khoảng 11h, 12h, chúng tôi thay nhau đi ăn trưa, luôn đảm bảo có người ở lại túc trực, nắm tình hình người bệnh nặng qua camera theo dõi. Tôi thường cố gắng ăn nhanh để trở lại công việc hoặc nếu thừa chút thời gian sẽ tranh thủ nhắn tin tư vấn online cho người bệnh.
Đối với tôi, việc ăn trễ thậm chí bỏ bữa diễn ra thường xuyên. Một phần vì công việc, một phần do quá mệt mỏi, tôi không muốn ăn, cũng không ăn nổi.
Có lúc, vì các phần ăn được vận chuyển từ xa tới bệnh viện, dưới thời tiết nóng, khi các bác sĩ có thời gian ăn, mở ra thì cơm đã hỏng, canh đã thiu, đành úp vội gói mì rồi trở lại làm tiếp.
Chiều
Khoảng 13h, công việc lại tiếp diễn dưới cái nóng ngột ngạt của bộ đồ bảo hộ. Buổi chiều cũng là lúc tôi thấy "oải" nhất trong ngày vì là thời điểm tiếp nhận người nhập viện.
Việc ăn trễ thậm chí bỏ luôn bữa diễn ra thường xuyên đối với bác sĩ Huy. |
Khi một bệnh nhân tới, tôi sẽ phải kiểm tra, đánh giá các triệu chứng, phân loại họ vào khu bệnh thường hay nặng rồi kê thuốc sử dụng trong ngày hôm đó. Tất nhiên, mỗi lần có bệnh nhân chuyển tới đều theo từng đoàn 20-30 người chứ không riêng lẻ.
Một ngày cuối tháng 7, tôi vừa vào ca trực đêm được 30 phút, một chiếc xe chở bệnh nhân mới đỗ xịch trước cổng bệnh viện. 50 người trên xe tràn xuống.
Thú thật, lúc đó tôi hơi ngợp. Hít một hơi sâu, tôi cùng hai điều dưỡng, một người lấy máu, một người đo huyết áp, một người hỏi bệnh, phân loại, kê thuốc, lặp đi lặp lại quy trình đó 50 lần.
Đến khoảng 22h, mọi thứ mới hoàn tất.
Tối ấy, tôi cũng chẳng nhớ mình có ăn cơm không hay đã lót bụng được thứ gì. Có lẽ điều tôi cần nhất khi đó là một giấc ngủ và cởi bỏ đồ bảo hộ để thở được thoải mái.
Tối
Trước khi đến bệnh viện dã chiến, tôi cũng xác định sẽ phải đảm nhận lượng công việc nhiều hơn, nguy hiểm hơn bình thường. Song khi thực sự vào cuộc, đôi lúc tôi vẫn bối rối trước những gì bản thân đối mặt.
Khu vực tôi xử lý công việc và theo dõi bệnh nhân ở tầng 2 bệnh viện. Mỗi khi có bệnh nhân trở nặng, tôi phải chạy bộ xuống tầng 1 để xử lý. Bệnh viện có thang máy song vì đó là không gian kín, dễ lây lan virus, hầu hết nhân viên đều không lựa chọn cách di chuyển này mà chủ yếu để chuyển người bệnh.
Khi có thời gian, bác sĩ Huy tranh thủ tư vấn online cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà. |
Bệnh nhân nặng có thể diễn tiến xấu nhanh lắm, có lúc vừa ổn định, lát sau các chỉ số đã tụt mạnh. Cứ chạy đi chạy lại như vậy trong bộ đồ bảo hộ, tôi nhanh bị mệt, đôi lúc choáng, thao tác cũng không nhạy được như bình thường.
Có những hôm camera gặp vấn đề, không theo dõi được từ xa, tôi phải túc trực liên tục bên người bệnh cả buổi trời để kịp phản ứng nếu có gì bất thường.
Một đêm ở bệnh viên dã chiến, người bệnh cảm thấy khó khăn khi bị các triệu chứng bệnh hành hạ, đối với các y bác sĩ như chúng tôi cũng không dễ dàng gì.
Tinh thần rất quan trọng
5 tuần ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, âm thanh tôi nghe nhiều nhất là những tiếng "bíp, bíp" phát ra từ máy monitor theo dõi bệnh nhân, tiếng chuông điện thoại liên tục và câu hỏi mong ngóng từ người bệnh: "Kết quả của tôi sao rồi bác sĩ?".
Không ít người đến bệnh viện với tâm trạng lo lắng, hoảng sợ, thậm chí nghĩ mình mắc virus thì chắc chắn sẽ chết. Vì vậy, ngoài điều trị, tôi làm công tác trấn an tinh thần, giải thích cho họ hiểu, bởi tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc hồi phục của bệnh nhân Covid-19.
"Cái này như bệnh cúm thông thường nhưng lây lan nhanh thôi, giữ được hệ miễn dịch tốt, tinh thần lạc quan thì sẽ chóng khỏi, mọi người đừng quá lo", tôi hay nói như vậy khi đi thăm khám.
Ở mặt trận nơi kẻ địch không nhìn thấy được bằng mắt thường này, tôi hiểu nhân viên y tế cần là những người vững vàng, kiên cường hơn hết để giúp đỡ người bệnh. Đây cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm của chúng tôi.