Ra đường ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh học sinh, sinh viên vừa đạp xe đạp, “phi” xe máy, ngồi xe buýt vừa nghe nhạc, học tiếng Anh bằng những chiếc tai nghe (headphone) . Tuy nhiên, ít ai biết các bác sĩ khuyến cáo tai các bạn bị “tra tấn” bởi âm thanh khủng sẽ điếc sớm.
Về nhà, những chiếc tai nghe này cũng luôn gắn chặt trên tai các cô cậu học trò, sinh viên ngay cả khi ăn, lúc làm bài tập và khi đã lên giường ngủ. Việc đeo tai nghe để tránh làm phiền người khác nhưng không đúng cách lại có hại cho chính người đeo headphone về sau.
Việc suy giảm thính lực, điếc sớm không xuất hiện ngay mà thường sau nhiều năm mới xảy ra. Vì vậy, thay vì khi ngoài 40 tuổi mới bắt đầu giảm nghe thì những người “tra tấn” tai bởi âm thanh khủng từ nhỏ chỉ mới hơn 30 tuổi đã bắt đầu lãng tai và đến 40-50 tuổi đã bị điếc
Thạc sĩ, bác sĩ ĐỖ HỒNG GIANG
Tại hội nghị tai thính học do Hội Tai mũi họng TP.HCM và các tỉnh phía Nam tổ chức mới đây, các bác sĩ chuyên khoa tai - thính học cho biết hiện nay còn nhiều người chưa biết và chưa được cảnh báo nguy cơ suy giảm thính lực, điếc sớm liên quan đến thói quen sinh hoạt, lối sống hằng ngày.
Hiện nay, đến các điểm chơi game điện tử sẽ thấy không ít học sinh, thanh niên trẻ miệt mài chơi game và trên tai họ cũng là những chiếc tai nghe (dạng chụp ngoài vành tai) được mở âm thanh hết cỡ để nghe cho “đã” những tiếng động chát chúa từ súng bắn, gươm, đao...
Ngoài các thanh niên trẻ nói trên, các bác sĩ còn cảnh báo nguy cơ suy giảm thính lực, điếc sớm ở những người làm nghề chỉnh nhạc (DJ), người thường xuyên đến vũ trường khiêu vũ trong môi trường có âm thanh được mở lớn hết cỡ. Ngay cả những người thường xuyên đi tập gym (thể hình) với những dụng cụ được làm bằng kim loại phát ra âm thanh lớn cũng có nguy cơ bị suy giảm thính lực. Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Hồng Giang - trưởng khoa thính học Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - cho biết cấu trúc của tai người có tai ngoài, tai giữa và tai trong.
Thanh thiếu niên đeo tai nghe ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính là hình ảnh thường thấy ở các tiệm game . |
Tai trong là cơ quan chính tiếp nhận âm thanh, còn tai ngoài và tai giữa chủ yếu để dẫn truyền âm thanh. Tai trong bao gồm ốc tai và thần kinh sau ốc tai dẫn đến thân não và vỏ não thính giác. Cấu trúc ốc tai có hệ thống tế bào lông để nhận âm thanh và chuyển tín hiệu âm thanh thành tín hiệu điện, sau đó tín hiệu điện này sẽ truyền vào dây thần kinh thính giác để đi vào thân não và vỏ não thính giác. Đây là bộ phận quan trọng nhất để nhận âm thanh.
Tế bào lông rất nhạy cảm với âm thanh của môi trường. Ở trẻ nhỏ mới sinh, tế bào lông còn nguyên vẹn và tai trẻ rất nhạy với âm thanh.
Theo thời gian và tuổi tác, tai chúng ta bị tác động bởi âm thanh môi trường, thực phẩm, thuốc men, hóa chất, các bệnh lý, viêm nhiễm, quá trình lão hóa... làm cho tế bào lông bị hư hại từ từ khiến ta không còn nghe thính như trẻ nhỏ. Khi đo thính lực, trẻ nhỏ có thể nghe được âm thanh ở mức -5 hoặc -10 decibel (viết tắt là dB, đơn vị đo cường độ của âm thanh) so với sức nghe bình thường là từ -10dB đến 25dB.
Theo sinh lý bình thường đến trên 40 tuổi chúng ta giảm nghe từ từ, trên 60 tuổi giảm nghe nhiều hơn và tai bắt đầu hơi lãng lãng. Đến 80 tuổi gần như bị điếc rất nhiều.
Theo bác sĩ Giang, tế bào lông rất dễ bị tổn thương nếu như có tác động âm thanh kéo dài với cường độ quá lớn. Ở những người thường xuyên nghe nhạc, nghe tiếng Anh, chơi game điện tử, người chỉnh nhạc, người hay đến vũ trường nghe âm thanh lớn... rất dễ bị điếc sớm do tế bào lông bị tổn thương bởi các âm thanh dồn dập, liên tục nhiều giờ.
Nhiều tác hại khác
Theo bác sĩ Giang, ngoài việc suy giảm thính lực, việc nghe âm thanh lớn thường xuyên cũng làm cho não bị mệt mỏi. Não là cơ quan thần kinh trung ương, khi phải xử lý quá nhiều thông tin kéo dài sẽ bị mệt mỏi và có thể dẫn đến những rối loạn về thần kinh như suy nhược, trầm cảm, mất ngủ, hay quên.
Vì vậy, phải sử dụng tai nghe và tiếp xúc các âm thanh ở mức độ vừa phải để cho tai và não được nghỉ ngơi, tái hoạt động một cách tốt nhất.
Để tránh điếc sớm, các bác sĩ khuyên khi nghe headphone chỉ nên nghe khoảng một tiếng mỗi ngày. Âm lượng khi nghe cũng chỉ nên nhỏ hơn 2/3 mức âm lượng mà nhà sản xuất cho phép, tức khoảng 60-70dB (tương đương âm thanh giọng nói bình thường).
Nếu nghe âm thanh lớn hơn (90-100dB, mức của tiếng hét) sẽ làm tổn thương ốc tai. Lưu ý không nên đeo tai nghe nhạc khi ngủ vì khi ngủ dù não chúng ta không còn nhận thức được nhưng tác động của âm thanh vẫn còn lên tai khiến cơ quan này có thể bị tổn thương lâu dài về sau.