Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Âm thanh: Vũ khí của No country

Tôi cảm thấy tiếc cho giải Âm thanh xuất sắc nhất của Oscar 2008 đã không thuộc về No country for old men.

Âm thanh: Vũ khí của No country

(Zing) - Tôi cảm thấy tiếc cho giải Âm thanh xuất sắc nhất của Oscar 2008 đã không thuộc về No country for old men.

Bài viết tiết lộ nội dung phim

Đoạt giải Dàn diễn viên xuất sắc nhất tại giải thưởng của Hội diễn viên Mỹ, giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải thưởng của Hội Đạo diễn Mỹ, giải kịch bản xuất sắc nhất tại giải thưởng của Hội Biên Kịch, No country for old men hoàn toàn xứng đáng với bốn giải Oscar: Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất.

Âm thanh: Vũ khí của No country
Cảnh phim No country for old men

Thế nhưng, tôi cảm thấy tiếc cho giải Âm thanh xuất sắc nhất đã không thuộc về No country for old men. Nhất là khi tôi đang học về âm thanh cho phim và hiểu rõ hơn về công việc thiết kế âm thanh cho phim. Phần thiết kế âm thanh của No country for old men của anh em nhà Coen đã tạo nên một không khí ấn tượng mạnh mẽ độc đáo riêng biệt cho bộ phim, mà bất kỳ khán giả mê phim ảnh nào khi rời khỏi rạp chiếu phim cũng phải bàn tán về điều này.

Trong suốt bộ phim hình sự căng thẳng này, thể loại phim mà Hollywood thường xuyên sử dụng âm nhạc để đem đến cảm giác hồi hộp, rùng rợn cho khán giả, người xem hầu như không nghe thấy âm nhạc. Trên thực tế, âm thanh của No country for old men được thiết kế đến từng chi tiết nhỏ nhặt khiến người xem buộc phải lắng nghe kỹ hơn, và chìm đắm trong đó.

Trên thực tế, anh em nhà Coen trong quá trình dựng phim đã thử sử dụng một vài phong cách âm nhạc, thế nhưng họ nhận ra rằng âm nhạc không đem đến hiệu quả căng thẳng mà họ mong chờ.

Họ nhận ra rằng, ‘giai điệu’ của phim phải xuất phát từ những âm thanh trong phim, là giai điệu của tiếng gió buồn tênh, tiếng gió lạnh gáy, tiếng gió rít ai oán thổi qua những cánh đồng bạt ngàn, những mảnh đất vắng người thênh thang, những cát bụi và cỏ khô, những hành lang, khe cửa nhỏ hẹp, là giai điệu của tiếng xe cô độc trên những con đường dài đăng đẳng, tiếng xe chạy ngang qua những nơi tội ác diễn ra mà không một ai biết chuyện gì đã xảy ra nơi ấy.

Âm thanh: Vũ khí của No country
Anh em nhà Coens

Có rất nhiều người hoàn toàn nghĩ sai về âm thanh trong phim, rằng phim quay thế nào thì thu âm trực tiếp tại hiện trường có âm thanh thế ấy. Trên thực tế, mục đích của thu tiếng trực tiếp chủ yếu là thu âm về diễn xuất của diễn viên hơn là âm thanh không khí của đoạn phim. Những âm thanh như tiếng động, tiếng nền đều được thiết kế sau đó.

Cũng như hầu hết phần thiết kế hiệu ứng âm thanh trong các phim ở Hollywood, hiệu ứng âm thanh của No country for old men được chia làm 2 mục chính: hard effect (như tiếng súng, tiếng beep của máy dò đặt trong vali tiền) và tiếng nền (tiếng gió, tiếng xe cộ). Các hiệu ứng âm thanh trên đều có tính cách riêng. Những nhà thiết kế âm thanh đã tìm tòi, sáng tạo ra những âm thanh mang cá tính riêng cho phim. Họ đi thu đủ mọi tiếng gió, tiếng xe chạy, tiếng động cơ xe, tiếng vũ khí để đem đến cho bộ phim một không khí căng thẳng bao trùm.

Âm thanh: Vũ khí của No country
Jarvier Bardem

No country for old men xoay quanh tam giác ‘mèo vờn chuột’ giữa một người đàn ông bình thường lượm được một vali tiền (Josh Brolin thủ vai), một tay sát thủ máu lạnh lần theo dấu vết của vali tiền nhờ một thiết bị dò tìm đặt trong vali (do Jarvier Bardem đóng) và một viên cảnh sát già mệt mỏi (do Tommy Lee Jones đóng). Tên sát thủ Anton Chigurh sử dụng khẩu súng hơi bắn gia súc để hạ sát các nạn nhân của mình.

Âm thanh: Vũ khí của No country
Tommy Lee Jones

Âm thanh khô khốc lạnh lùng đầy ám ảnh ấy, trên thực tế không phải là âm thanh của khẩu súng bắn hơi thật mà là tiếng… súng bắn đinh. Không hề có tiếng nổ lớn như tiếng súng thông thường, nhưng chính sự lạnh lùng khô khốc của súng bắn đinh đã tạo nên dấu ấn không thể quên cho khẩu súng bắn hơi trong phim, và khiến người xem rợn tóc gáy mỗi khi nghe, hoặc chờ đợi nghe tiếng súng hơi ấy vang lên. Cũng như tiếng beep của máy dò tín hiệu, một âm thanh đơn giản nhưng lại có sức nặng khiến nhịp tim người xem cũng đập mạnh theo từng hồi.

Âm thanh: Vũ khí của No country

Với No country for old men, chính sự im lặng mới thực sự đáng sợ. Một trong những đoạn hồi hộp và đáng sợ nhất trong phim chính là khi Llewellyn Moss (Josh Brolin) ngồi trong phòng trọ, nghe thấy tiếng bước chân của Anton (Jarvier Bardem) ngoài hành lang, và cả hai chơi trò ‘trốn tìm’ khi tắt hết đèn và cố gắng chuyển động thật khẽ. Càng khẽ, càng im lặng, mọi cử động càng trở nên khô khốc và lớn hơn bất thường. Từ tiếng công tắc đèn đến tiếng lên cò súng đều khiến người xem có thể giật mình.

Sự căng thẳng hồi hộp trong sự im lặng, không một tiếng nhạc, còn ở cả những đoạn trò chuyện được anh em nhà Coen viết thêm vào cho kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết của Cormac McCarthy. Chẳng hạn cuộc trò chuyện của Anton với người đàn ông ở trạm xăng, khi mà Anton đề nghị người đàn ông hãy chọn một mặt của đồng xu để quyết định số mệnh của ông ta, để xem liệu hắn sẽ để ông sống hay thủ tiêu.

Kỳ 2: No country: Số mệnh và tội ác

PHAN XI NÊ

Bạn có thể quan tâm