Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Amser lên tiếng về đề xuất đóng cửa trường chuyên

Cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khẳng định trường tạo ra môi trường, học sinh tự phát triển, chứ không phải nơi đào tạo “gà nòi”.

Trong cuộc tranh luận liên quan trường chuyên ở Việt Nam, không ít người cho rằng những trường như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (trường Ams) cho phép học sinh học lệch, chú trọng luyện “gà nòi”, chỉ biết giải đề và là nơi dành cho con nhà có điều kiện, con ông cháu cha.

Thậm chí, có ý kiến thẳng thắn nên đóng cửa trường Ams nói riêng và hệ thống trường chuyên nói chung vì gây bất bình đẳng trong giáo dục, tốn ngân sách, thậm chí tiêu cực.

Các Amser (cộng đồng học sinh đang hoặc từng học Hà Nội - Amsterdam) nói gì về những "cáo buộc" trên?

Tranh luan dong cua truong Ams anh 1

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Người Lao Động.

"Học sinh Ams không chỉ biết cày đề"

Đó là lời khẳng định của ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia tại Việt Nam, cựu học sinh khóa 94-97 THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Trao đổi với Zing, ông Long cho biết trường hướng tới phát triển toàn diện. Môi trường học tập, bạn bè, thầy cô, danh tiếng của trường tạo động lực để học sinh phấn đấu, không phải để “cày”, giải đề.

Ở góc nhìn ngược lại, chị Nguyễn Thu Hiền (cựu học sinh trường Ams khoá 1991-1994, nói với VTC News rằng ngoài việc tuyển sinh đầu vào gắt gao, tỷ lệ học sinh tham gia các cuộc thi khoa học quốc tế rất nhỏ so với tổng số học sinh toàn trường.

“Phần lớn mục tiêu của các em là làm đẹp hồ sơ để có nhiều lựa chọn xét học bổng du học. Trước đây, các trường chuyên đào tạo học sinh xuất sắc để cống hiến cho đất nước. Còn bây giờ, các trường chuyên có còn đúng nghĩa như vậy không, hay chỉ là nơi 'luyện gà nòi' để chọi nhau, lấy thành tích du học. Điều này có đang làm lãng phí ngân sách?”, chị bày tỏ quan điểm.

Cả hai vợ chồng đều là học sinh trường chuyên Amsterdam những năm đầu thập kỷ 90, tuy nhiên, chị Hiền thừa nhận không muốn con vào học tại ngôi trường này vì tiêu chuẩn tuyển sinh hiện nay quá cao, gây áp lực về điểm số.

Ông Long đánh giá môi trường ở Ams mở, khuyến khích học sinh tự học, giáo viên đóng vai trò định hướng, không dạy kiểu “luyện gà”.

“Từ những năm 90, Ams đi đầu về các phong trào ngoại khoá ở Hà Nội rồi, từ dạ hội, âm nhạc, các môn thể thao… Học sinh có môi trường để tự sáng tạo và tự làm. Sau này, các trường khác cũng dần học mô hình đó”, ông Thành Long nói thêm.

Đây cũng là cái nhìn của bà N.H.L. (đề nghị giấu tên, học sinh khóa 03-06) khi nhớ lại quãng thời gian học tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Bà L. chia sẻ học sinh trường Ams học khá đều. Những bạn học giỏi thiên hướng một môn thường tham gia học đội tuyển nhưng vẫn không bỏ các môn khác.

“So với các trường chuyên khác như Tổng hợp, việc học tại Ams nhẹ hơn. Học sinh không chỉ tập trung học trên lớp mà còn tham gia các hoạt động khác”, bà H.L. cho biết.

Theo Amser này, hồi đó, hoạt động ngoại khóa hạn chế hơn bây giờ. Dù vậy, học sinh vẫn có các chương trình ca nhạc tự tổ chức, văn nghệ sáng thứ hai mỗi tuần.

Những hoạt động khác như Ngày hội Anh tài cuối năm, cuộc thi Mr and Miss Ams cùng hoạt động thể thao để giảm stress, theo đuổi sở thích và phát triển các kỹ năng mềm.

Hoạt động ngoại khóa đa dạng cũng là điều mà các Amser tự hào khi nhớ về nơi mình học.

Hoa khôi Nét đẹp Tràng An 2013 và Duyên dáng Hà thành 2013 - Đỗ Hà Anh - gắn bó với ngôi trường này từ lớp 6, học chuyên Văn khóa 12-15. Cô cho biết học sinh có thời gian để tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.

Nhờ đó, ngoài kiến thức, hoa khôi cùng các bạn học kỹ năng mềm vì phải làm power point, thuyết trình, phản biện, đóng kịch trong một số môn học. Các câu lạc bộ tạo điều kiện giao lưu, rèn kỹ năng giao tiếp.

Đặng Khánh Vy, chuyên Anh khóa 17-20, cũng đánh giá tương tự. Học sinh thiên về ứng dụng hơn chỉ tập trung giải đề. Lịch học tương tự các trường công lập khác.

Điểm khác biệt nằm ở trường có hơn 50 câu lạc bộ. Hầu hết học sinh tham gia ít nhất 1-2 câu lạc bộ. Vì thế, Khánh Vy tự thấy các Amser đều rất năng động.

Hồ Thị Mai Trang, sinh viên năm thứ tư ĐH Purdue (Mỹ), cho rằng câu lạc bộ và hoạt động là đặc trưng của trường THPT chuyên Amsterdam. Mai Trang cho rằng tại Ams, giáo viên cho phép học sinh phát triển theo hướng mình muốn.

Tranh luan dong cua truong Ams anh 2

Hoa khôi Đỗ Hà Anh nhớ về trường với hình ảnh là nơi học sinh năng động, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Lê Hiếu.

Trường Ams chỉ dành cho con nhà giàu?

Mai Trang cho rằng trường Ams là nơi mỗi học sinh có thể tìm được góc dành cho mình, hiểu giá trị và khả năng của bản thân ở một mức độ nhất định nào đó.

Nữ du học sinh phủ nhận ý kiến trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là nơi dành cho con nhà có điều kiện.

Ams cũng có những người giàu, con ông cháu cha, nhưng ở đâu mà không thế? Mọi người hoàn toàn có thể vào nhà gửi xe để thấy vẫn rất nhiều xe đạp hay xe 50 phân khối cũ của bố mẹ học sinh. Mọi người vẫn có thể thấy rất nhiều học sinh đứng đợi xe buýt ở cổng trường.

Cựu Amser Mai Trang

Lớp của Mai Trang đa phần là con em từ gia đình công nhân viên bình thường, thậm chí một số người rất khó khăn. Đến giờ, Trang vẫn nhớ bạn ở nhờ nhà họ hàng để theo học trường Ams, đạp xe 40 phút đến trường khi mới 12 tuổi.

Trong số bạn bè, có người sống trong căn nhà cấp 4 với gia đình 4 người, từ lớp 6 đến lớp 12, đi học bằng chiếc xe đạp cũ của bố.

“Ams cũng có những người giàu, con ông cháu cha, nhưng ở đâu mà không thế? Mọi người hoàn toàn có thể vào nhà gửi xe để thấy vẫn rất nhiều xe đạp hay xe 50 phân khối cũ của bố mẹ học sinh. Mọi người vẫn có thể thấy rất nhiều học sinh đứng đợi xe buýt ở cổng trường”, Mai Trang nói.

Nữ sinh trường Purdue thừa nhận các chương trình của trường rất hoành tráng, nhưng chủ yếu từ kinh phí tài trợ. Lớp Trang đóng quỹ khối 150.000 đồng/người/năm. Mọi người tự làm đạo cụ, sơn, vẽ để tiết kiệm chi phí.

Bà N.H.L. cũng nhấn mạnh bản thân bà lớn lên trong gia đình bình thường. Các hoạt động ngoại khóa lấy kinh phí từ nguồn tài trợ, học sinh tổ chức bán vé để cân đối thu - chi.

Ông Phan Lê Thành Long đánh giá mức học phí tại trường không cao, học sinh gia đình bình thường vẫn có thể trang trải.

Ngoài ra, theo ông, việc nhìn vào bảng điểm toàn 10 của các em thi vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam để suy luận ngược việc phụ huynh “chạy điểm, tiêu cực” để con vào đây là ngụy biện.

“Những người có năng lực, đạo đức, được xã hội trả công xứng đáng, có điều kiện cho con học tập tốt hơn, thi vào Ams là bình thường. Không phải ai cũng chạy điểm cho con để vào trường vì họ hiểu làm thế là hại con”, ông Long cho hay.

Có nên cho con học trường Ams?

Bạn Mai Linh Nguyễn - một Amser viết: Tiếc là mình không giữ lại hoá đơn hồi còn học chuyên Ams. Một tháng trung bình nhà mình tốn 4 triệu cho con học.

Một triệu bao gồm cả học trên lớp, học phụ đạo môn chuyên buổi chiều ở trường, những khoản khác (đóng góp xây dựng nhà trường, đóng góp văn nghệ cho nhà trường), phụ huynh tự nguyện đóng. Nhưng ở lớp mình, trưởng ban phụ huynh và thầy giáo chủ nhiệm bắt cả lớp đóng.

Theo người này, học sinh muốn lấy điểm cao du học, phải "quan hệ" để có hồ sơ đẹp. "Đừng cho là học chuyên thì giỏi hơn trường thường; giỏi hơn lúc thi vào cấp 3 và còn học cấp 3 thôi", người này nêu quan điểm.

Tài khoản Phan Xuân Trường cho biết: Con anh sang năm học lớp 8, muốn thi vào Ams. Học phí của trung tâm luyện thi có chất lượng tốt là 500.000 đồng/buổi. Với mức học phí này, rất nhiều gia đình không kham nổi, trừ 1 số trường hợp xuất sắc, không cần luyện ở trung tâm.

Như mọi người đều biết, nếu không luyện thi ở trung tâm, gần như không có cơ hội thi đỗ. Đấy là chưa biết khi thi đỗ rồi còn có phải học thêm không, chi phí là bao nhiêu? - tài khoản Phan Xuân Trường bình luận.

Phụ huynh lo vòng hồ sơ tuyển sinh lớp 6 chuyên Hà Nội Amsterdam

Nhiều phụ huynh nóng lòng chờ phương án tuyển sinh của các trường chất lượng cao, ngoài công lập, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm