Nhiều người có sở thích ăn cay dù biết đây là thói quen không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Splash News. |
Tháng 9/2023, một cậu bé 14 tuổi người Mỹ đã qua đời thương tâm sau khi ăn một quả ớt trong thử thách Paqui One Chip.
Người tham gia thử thách sẽ cần ăn một miếng bánh tortilla phủ 2 loại ớt cay nhất thế giới: Carolina Reaper và Naga Viper. Để tăng độ khó, nhà tổ chức yêu cầu người chơi sau đó phải nhịn ăn hoặc uống bất cứ thứ gì càng lâu càng tốt.
Với nhiều người, đồ ăn cay có sức hấp dẫn khó có thể chối từ. Tuy nhiên, từ nhiều trường hợp thương tâm nói trên, loại thức ăn này cũng được cho là nguyên nhân gây hại không nhỏ cho sức khỏe.
Những tác động gây tranh cãi
Theo nhiều nghiên cứu, những loại thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày là đồ muối, thức ăn chế biến sẵn hoặc đồ nướng bằng than.
Cho đến nay, chưa một nghiên cứu nào cho thấy ăn đồ cay có thể gây ung thư dạ dày. Ngược lại, nhiều nghiên cứu lại phát hiện thực phẩm cay có thể mang lại những lợi ích tích cực cho sức khỏe như chống lại bệnh ung thư.
Đồ ăn cay chứa nhiều capsaicin, một hợp chất hóa học tạo ra vị cay có trong ớt. Khi hàm lượng capsaicin tăng lên, cảm giác cay nóng cũng tăng theo. Lúc này, cảm giác cay nóng có thể khiến có thể giải phóng các hormone gây hưng phấn như endorphin và dopamine.
Tuy nhiên, chất này có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và tăng tiết axit dạ dày, dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày. Về lâu dài, hiện tượng này có thể gây ra nguy cơ dạ dày.
Tuy nhiên, tác động của capsaicin vẫn là điều đang gây tranh cãi. Một phân tích trên 500.000 người ở Trung Quốc cho thấy chất này có tác dụng chống lại nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư thực quản.
Các nghiên cứu ở nhiều quốc gia lại cho thấy nguy cơ ung thư dạ dày phụ thuộc vào liều lượng capsaicin. Ở một lượng vừa phải, chất này có thể bảo vệ mọi người khỏi bệnh ung thư.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nguy cơ ung thư dạ dày còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như độ tuổi, giới tính, di truyền và lối sống như hút thuốc, uống rượu...
Có nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày, bao gồm lối sống, mức độ vận động, ăn uống... Ảnh: Unsplash. |
Yếu tố tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Chia sẻ với Conversation, ông Paul D. Terry, Giáo sư Dịch tễ học, Trung tâm Khoa học y tế, Đại học Tennessee (Mỹ), nếu thức ăn cay gây hàng loạt triệu chứng khó chịu như đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, mọi người nên hạn chế tiêu thụ loại đồ ăn này nhiều nhất có thể.
Hiện tại, bằng chứng từ các nghiên cứu lớn cho thấy thức ăn cay không làm tăng nguy cơ nguy hiểm tính mạng do mọi nguyên nhân trong cộng đồng. Mặt khác, loại đồ ăn cay thực sự có thể làm giảm nguy cơ này.
Tuy nhiên, theo giáo sư Terry, các nhà nghiên cứu không thể dễ dàng khẳng định tác động của đồ ăn cay lên sức khỏe.
"Trước khi xem xét kết quả của những nghiên cứu này, mọi người nên xem xét các yếu tố lối sống khác như mức độ vận động, chỉ số BMI, mức độ tiêu thụ thuốc lá, rượu... Đây cũng là những thói quen ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe bên cạnh ăn uống", giáo sư này cho hay.
Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa khám phá hoàn toàn lý do tại sao một số người thích đồ ăn cay trong khi số người khác lại không. Điều này có thể liên quan đến các yếu tố tiến hóa, văn hóa và địa lý, cũng như các yếu tố y tế, sinh học và tâm lý.
Ngoài ra, theo trang Medical News Today, mọi người có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày bằng cách thay đổi lối sống bao gồm:
- Duy trì cân nặng vừa phải thông qua chế độ ăn kiêng và tập thể dục
- Bỏ hút thuốc và tránh khói thuốc thụ động
- Hạn chế uống rượu
- Giảm tiêu thụ thịt đã qua chế biến
- Điều trị virus H.pylori (virus gây ung thư dạ dày) bằng kháng sinh.
Bên cạnh đó, mọi người cũng tăng nạp các loại thực phẩm được chứng minh có thể hạn chế khả năng gây ra ung thư dạ dày như trái cây và rau quả giàu vitamin C, beta carotene; ngũ cốc nguyên hạt; trà xanh; tỏi.
Ngoài ra, khi có các triệu chứng mắc bệnh dạ dày, mọi người nên sớm gặp bác sĩ để phát hiện và điều trị nếu không may mắc bệnh.
Theo thống kê GLOBOCAN mới nhất của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, năm 2022, ung thư dạ dày là bệnh ung thư có số người mắc và ảnh hưởng tính mạng đứng thứ 5 thế giới.
Việc đi khám và tầm soát ung thư dạ dày thường xuyên có thể giúp mọi người phát hiện và điều trị bệnh khi ở giai đoạn sớm, nhờ đó tăng thời gian sống còn cho bệnh nhân.
Bệnh của thời thức ăn tiện lợi
Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm.
Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.