Con hẻm 121 Lê Thanh Nghị (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 20 năm nay vẫn được mọi người gọi với cái tên quen thuộc “xóm chạy thận”. Nơi đây là mái nhà của hơn 100 bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh suy thận.
Khu xóm hiện có khoảng 50 phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Mỗi người là một hoàn cảnh, một số phận khác nhau.
Cô gái khát khao được đi vệ sinh như bình thường
Nguyễn Thị Oanh, 27 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội đã từ lâu không còn khái niệm được ở nhà. Với cô, phòng trọ chưa đầy 10 m2 chính là nhà của mình. Cô ở đây để tiện cho việc chạy thận mỗi tuần 3 buổi.
9 tuổi, Oanh đã bị mắc phải bệnh viêm cầu thận, gắn bó với việc chữa trị, thường xuyên ốm yếu suốt quãng thời gian thơ ấu. Đến năm 17 tuổi, Oanh phải cắt ruột thừa. Sau lần phẫu thuật, thận bị suy và cô chính thức bắt đầu gắn cuộc đời mình với chiếc máy lọc thận.
Cô gái 27 tuổi phải chạy thận nhân tạo thường xuyên để duy trì sự sống. Ảnh: Hoàng Như. |
Kể từ đó, mỗi tuần 3 lần, Oanh phải vào viện chạy thận nhân tạo. Thay vì có thể thải hết chất độc của cơ thể ra ngoài một cách tự nhiên như bao người, cô phải trông cậy vào chiếc máy vô tri. Những ngày chờ đến lịch chạy tiếp theo, người Oanh sưng nề, khó chịu, ứ nước, không thể làm gì. Mỗi lần chạy xong, cô gần như mới có thể sống tiếp.
Cô nói trong chua xót: “10 năm nay nhiều khi đi chơi cùng với các chị khỏe mạnh, nhìn mọi người đi vào nhà vệ sinh như bình thường mà phát thèm. Tôi chỉ thầm ước mình cũng được như vậy. Căn bệnh này như một án tù chung thân, suốt đời này không thể tách rời khỏi bệnh viện. Đã mắc căn bệnh này khi nào chết mới được về quê hương. Muốn còn sống là còn phải chạy thận”.
Định kỳ mỗi tuần 3 buổi, vào ngày lẻ, bà Hoài phải vào Bệnh viện Bưu điện chạy thận nhân tạo. Ảnh: Hoàng Như. |
"Phải chạy thận thì xác định bệnh viện là nhà"
Bà Dương Thị Hoài (sinh năm 1955, quê Vụ Bản, Nam Định) cũng bắt đầu chạy thận từ năm 2009.
Tròn 8 năm, cũng định kỳ mỗi tuần 3 buổi, vào ngày lẻ, bà phải vào Bệnh viện Bưu Điện chạy thận nhân tạo. Nhà trọ trở thành ngôi nhà thứ hai của hai vợ chồng bà. Bà tâm sự: “Đã phải chạy thận thì xác định cuộc đời này, bệnh viện là nhà. Không còn cách nào khác”.
Ngày Tết, ngày lễ muốn về cũng không thể. Phần vì sức khỏe, phần vì sự nghèo túng. Tháng 4 vừa rồi là ngày giỗ của mẹ nhưng bà Hoài cũng không về được.
“Khi các em gọi điện giỗ mẹ chị có về được không. Tôi chỉ biết bảo các em thắp giúp cho nén nhang. Cúp máy xong tôi ngồi khóc. Thương, nhớ mẹ lắm mà không thể về thắp cho mẹ nén nhang. Ở lại, số tiền đi lại còn giúp vợ chồng tôi sống thêm được một tuần. Về rồi không biết xoay sở ra sao”, bác Hoài nói trong nước mắt.
Đối với những bệnh nhân như Oanh, bác Hoài, nghèo khó, bệnh tật bao vây họ. Ở xóm chạy thận - nơi hai người đang sống - mỗi người một hoàn cảnh, nhưng nỗi buồn, sự cam chịu trong bất lực, chật vật kiếm sống đều có thể nhìn thấy ở bất cứ ai.
Dù được bảo hiểm thanh toán chi phí chạy thận nhưng họ còn phải lo hàng trăm chi phí. Bác Hoài cho biết chỉ riêng tiền trọ hàng tháng cũng đã mất của bác gần 2 triệu. Bên cạnh đó là tiền ăn uống - dù chỉ là những bữa cơm đạm bạc.
Với bệnh nhân chạy thận, tiền mua thêm thuốc men (ngoài danh mục bảo hiểm) cũng là một gánh nặng. “Muốn truyền thêm chai đạm để đỡ nôn nao, mệt mỏi cũng phải có tiền, nhưng đâu phải muốn là được đâu chị”, Oanh nói.
Ở xóm chạy thận ở phố Lê Văn Nghị, bệnh nhân phải sống cuộc sống hết sức khó khăn. Ảnh: Hoàng Như. |
Dù tằn tiện, mỗi bệnh nhân ít nhất một tháng phải chi phí 3-4 triệu, bệnh nhân nặng thì 6-7 triệu hoặc hơn. Trong khi đó, sức khỏe với họ đang là một điều xa xỉ.
Với Oanh, việc chạy thận lâu năm khiến sức khỏe cô suy yếu theo từng ngày. Trí nhớ giảm sút khiến mỗi lần đi đâu hay mua gì, Oanh đều phải ghi ra giấy. “Xương khớp đau nhức, đêm ngủ như có kiến bò trong xương, mắt mờ cũng đi trông thấy, dạ dày đau do uống nhiều thuốc. Rồi buồn nôn, chóng mặt… Rất nhiều cảm giác khó chịu”, cô nói.
Để duy trì cuộc sống, Oanh phải lặn lội bán nước chui trong bệnh viện để kiếm tiền, hàng ngày bị đuổi bắt. Bà Hoài phải tằn tiện chi tiêu, không dám bước ra khỏi phòng trọ…
“Em thấy tuyệt vọng khi mắc căn bệnh này. Nhiều lúc thấy mệt mỏi lắm khi phải bươn chải và cầm cự cuộc sống nhưng rồi cũng phải cố gắng để sống với gia đình và người thân”, Oanh nói. Và cô cũng tin rằng những bệnh nhân khác như cô đều đang phải dặn lòng mình như thế.