Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ẩn họa khi học sinh, sinh viên dùng 'thuốc thông minh' để ôn thi

Các chuyên gia cho rằng học sinh, sinh viên lạm dụng Modafinil - hay còn được thổi phồng trên mạng xã hội là "thuốc thông minh" - mà không có chỉ định của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm.

Modafinil đang được bán rộng rãi trên mạng xã hội. Ảnh: Freedom and Fulfilment.

Khi biết thông tin nhiều sinh viên, học sinh đã và đang lạm dụng Modafinil để giúp tăng cường sự tập trung, tỉnh táo trong quá trình ôn tập thi cử, thạc sĩ (ThS) dược lý - dược lâm sàng, DS Đào Vân Thy, giảng viên khoa Dược - ĐH Công nghệ TP.HCM, đã rất bất ngờ vì loại thuốc này mang nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

"Tác động cải thiện sự tỉnh táo của Modafinil đã được báo cáo nhưng chưa rõ, chưa được khẳng định với nhiều nguy cơ tác động phụ, đặc biệt khi sử dụng với rượu, bia, chất kích thích; do vậy, tôi khuyến cáo sinh viên không nên tìm kiếm và sử dụng", ThS.DS Thy nói.

Không phải "thuốc thông minh" như lời đồn

Chia sẻ với Zing, ThS.DS Đào Vân Thy thông tin Modafinil là thuốc đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận với các chỉ định như buồn ngủ quá mức - ngủ rũ, rối loạn giấc ngủ ca làm việc và ngưng thở khi ngủ do bệnh phổi tắc nghẽn theo cơ chế tác động trong các thử nghiệm in-vitro là ức chế sự tái hấp thu dopamine làm tăng dopamin ngoại bào.

Loại thuốc này được khuyến cáo không sử dụng cho người dưới 18 tuổi, cẩn trọng ở người tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim mới, phì đại thất trái và giảm liều cho người suy gan.

Mặc dù thuốc có chỉ định phù hợp cho người cần cải thiện tỉnh táo, giảm mệt mỏi để tập trung ôn tập thi cử; ThS.DS Thy nhấn mạnh Modafinil còn gây ra các phản ứng có hại nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong như: Nổi mẩn, dị ứng, quá mẫn đa cơ quan, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì…

Ngoài ra, thuốc cũng có các tác động phụ không đơn giản như nhức đầu, viêm mũi, đau bụng, buồn nôn, lo lắng, hồi hộp, chóng mặt hoặc khó ngủ, mất ngủ; giảm thèm ăn; mờ mắt, khô mắt; căng thẳng, ngất, mất trí nhớ; nhịp tim nhanh/đập thình thịch/không đều, thay đổi tâm thần/tâm trạng (như kích động, lú lẫn, mất phương hướng, trầm cảm, ảo giác, hiếm khi có ý định tự tử).

Đối với những trường hợp học sinh, sinh viên ngưng sử dụng Modafinil đột ngột, theo ThS.DS Đào Vân Thy, các em có thể gặp phải các triệu chứng cai thuốc như run, đổ mồ hôi, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, lú lẫn.

"Thuốc cho thấy khả năng nghiện ở những người đã dùng các chất kích thích gây nghiện và xếp vào nhóm IV thuốc có kiểm soát kê đơn tại Mỹ", ThS.DS Thy nói.

Thuoc thong minh Modafinil anh 1

Sinh viên, học sinh thường lạm dụng Modafinil khi ôn thi. Ảnh: IJEST.

Đừng để "nước rút" mới ôn thi

Mặc dù Modafinil có nhiều tác động phụ nguy hiểm, nhiều học sinh, sinh viên vẫn "rỉ tai" nhau mua bán, lưu trữ, sử dụng không hợp pháp loại thuốc này trong giai đoạn ôn tập thi cử căng thẳng.

ThS.DS Đào Vân Thy nhận định nhu cầu sử dụng Modafinil của học sinh, sinh viên để ôn thi có thể xuất phát từ những thói quen sinh hoạt không tốt trước đó của các em như thức khuya, làm việc với máy tính suốt đêm, sử dụng điện thoại thông minh trước khi đi ngủ dẫn đến khó ngủ hoặc học hành thi cử chưa đúng cách.

"Nhiều học sinh, sinh viên có thói quen là đến gần ngày thi mới bắt đầu tăng tốc học bài. Thậm chí, các bạn còn thức khuya liên tục vài ngày đêm để ôn tập mà không cân bằng với việc nghỉ ngơi. Điều này dẫn đến tình trạng các em bị mất tập trung, mệt mỏi, không thể tỉnh táo tiếp nhận thêm nhiều kiến thức nên mua thuốc để hỗ trợ ôn tập", ThS.DS Thy nói.

Theo ThS.DS Đào Vân Thy, sinh viên muốn tăng sự tập trung không nên sử dụng thuốc. Các em cần ăn uống điều độ, bổ sung vitamin và dinh dưỡng từ thức ăn kết hợp việc học tập và thư giãn, nghỉ ngơi phù hợp.

Cùng quan điểm, ThS.DS Nguyễn Thị Phương Trang - giảng viên khoa Dược (ĐH Công nghệ TP.HCM) - cho biết thêm học sinh, sinh viên không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc ngoài chỉ định, thuốc cần được kê đơn khi không có đơn bác sĩ.

Để ôn thi hiệu quả, tập trung, các em cần áp dụng phương pháp học tập phù hợp, xem bài trước khi đến lớp, ghi chú hệ thống bài giảng, sử dụng kỹ thuật bản đồ trí nhớ liên kết cho các kiến thức, tránh mắc bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần trong giai đoạn học tập thi cử và cả lâu dài sau này.

Cụ thể, theo ThS.DS Trang, khi ôn thi, người học phải duy trì chế độ tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp não bộ thu nhận thông tin, chuyển đổi thông tin trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.

"Học sinh, sinh viên nên ngủ khoảng 6-8 giờ/ngày tùy vào sinh hoạt của mỗi cá nhân. Nếu được, các em có thể chia ra ngủ trưa khoảng 15-30 phút để giúp cơ thể tái tạo năng lượng học tập vào buổi chiều", ThS.DS Nguyễn Thị Phương Trang nói.

Bên cạnh việc ngủ đủ giấc, ThS.DS Trang cho biết học sinh, sinh viên nên dành đủ thời gian cần thiết để học và ôn thi. Các em phải đặt mục tiêu cụ thể và lập kế hoạch rõ ràng và cố gắng bám sát kế hoạch, tránh "nước rút" mới bắt đầu ôn thi.

Khi ôn thi, ThS.DS Nguyễn Thị Phương Trang cũng khuyên người học cần giữ không gian xung quanh đủ sáng, yên tĩnh, phù hợp với bản thân. Không nên ngồi học trên giường hay sofa êm vì sẽ tăng cảm giác buồn ngủ khi học. Người học cũng cần tránh các yếu tố gây giảm tập trung, mất chú ý như để các thiết bị điện tử không phục vụ cho việc học ra khỏi tầm mắt của mình.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên cũng cần kết hợp tập thể dục nhẹ giữa các lần giải lao sau giờ học hoặc duy trì chế độ tập luyện vừa phải, không quá nặng.

Ngoài Modafinil, nhiều loại thuốc khác cũng đang được thổi phồng công dụng

Theo ThS.DS Nguyễn Thị Phương Trang, thị trường hiện có khá nhiều quảng cáo về các loại thuốc và chất có tác dụng "thần kỳ", "hiệu quả" giúp tăng sự tập trung, minh mẫn. Tuy nhiên, thực chất, các thuốc/chất này có thể thuộc 2 nhóm chính như sau:

Thứ nhất là nhóm vitamin, khoáng chất và acid amin thiết yếu, có thể có thêm caffein. Nhóm thuốc/chất này được bán và sử dụng không cần đơn. Khi đang sử dụng các thuốc điều trị khác hoặc có tiền sử các bệnh rối loạn về tâm thần kinh, tim mạch, chuyển hóa, người dùng cần tránh lạm dụng nhóm thuốc/chất này và nên có tư vấn của dược sĩ, bác sĩ.

Đồng thời, người dùng cũng cần hạn chế sử dụng các thuốc có thành phần caffein, nhất là buổi chiều tối vì thuốc có thể gây rối loạn giấc ngủ. Học sinh, sinh viên có thể uống cà phê, nhưng cũng không nên uống cà phê hoặc sử dụng các thức uống có chứa caffein (VD nước tăng lực) đậm đặc, hàm lượng cao.

Nhóm thuốc/chất thứ hai là các loại thuốc/chất tác động lên thần kinh trung ương thường được chỉ định cho tình trạng bệnh lý, điều trị chứng ngủ rũ hoặc hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) như Modafinil, Armodafinil, Methylphenidate, Dextroamphetamine, Dextroamphetamine/Amphetamine… Các loại thuốc này cần được kê và bán theo đơn của bác sĩ. Học sinh, sinh viên tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng vì có nhiều tác dụng phụ, gây tác hại lâu dài khi dùng không theo chỉ định, đồng thời mua và bán thuốc không có đơn là vi phạm quy định của pháp luật.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Nhiều trường đại học bắt đầu lì xì, tặng quà Tết, vé xe cho sinh viên

Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều trường đại học đã quyết định lì xì, trao quà, vé xe khách để sinh viên về quê đón Tết cùng gia đình.

Minh Uyên

Bạn có thể quan tâm