Đằng sau dòng người xếp hàng chờ mua đôi Yeezy 350 Cloud White là những tay buôn đứng chờ sẵn bên ngoài và thu mua lại ngay lập tức.
Sáng 21/9, nhiều bạn trẻ có mặt từ 6h sáng trước cửa hàng adidas ở Bitexco (TP.HCM) điểm danh lần cuối và chờ mở bán sản phẩm. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản là bạn "đến trước mua trước" và sẽ nhận được giày theo cách thông thường. Thực tế, những người đầu tiên sở hữu đôi Yeezy 350 V2 Cloud White phải xuất hiện tại chỗ hẹn trước 14 ngày với trưởng nhóm để có một suất cố định trong bảng danh sách.
Ngoài những người thực sự mua giày để "lấp đầy" bộ sưu tập của mình, đa số đều bán lại cho một nguồn thu đứng chờ sẵn bên ngoài. Đó là quy luật ngầm được các bạn trẻ gọi là "thuận mua vừa bán" trong giới sneakers, khi công sức xếp hàng hơn 10 ngày đều được quy đổi bằng tiền mặt.
Nhiều tay buôn giày chuẩn bị sẵn tiền mặt, phân theo thành từng xấp để chia đều cho các bạn một cách dễ dàng. Theo ghi nhận của Zing.vn, tổng số "đầu buôn" có mặt trước cửa Bitexco khoảng 6-7 người với số lượng giày thu được tầm 25-30 đôi.
Giao dịch này hoạt động khoảng 30 phút trước giờ bán cho đến khi số lượng giày tại cửa hàng không đủ để phục vụ nhu cầu người mua. Sau khi nhận tiền từ các tay chuyên gom giày, những bạn trẻ bắt đầu đứng vào line xếp hàng theo quy định của adidas.
Mỗi người chỉ sở hữu một đôi Yeezy với mức giá khoảng 5,6 triệu đồng, được lựa chọn kích cỡ phù hợp và kiểm tra sản phẩm ngay tại store. Tuy nhiên, mẫu phụ kiện này sau khi ra khỏi cửa hàng đều được thu mua lại với giá thành cao hơn, thậm chí gấp đôi, tùy thuộc vào size giày.
Mức giá chênh lệch khi bán lại thường phụ thuộc vào kích cỡ của nam và nữ. Size 36-38 thường hết rất nhanh vì đa số các dân buôn sẽ dễ dàng thanh lý cho khách hàng với mức giá khoảng 8-11 triệu đồng.
Sau khi nhận được giày từ cửa hàng adidas, các bạn trẻ sẽ tập trung ở một nơi cố định được các tay buôn đứng chờ sẵn. Theo chia sẻ từ nguồn tin, nhiều người được thuê để xếp hàng và trả tiền công khoảng 1,5-2 triệu đồng tùy vào độ hot của mỗi đôi giày.
Dân buôn sẽ đứng chờ sẵn bên ngoài để thu lại giày của các bạn vừa mua trong cửa hàng. Thông thường, họ sẽ có một nguồn khách ổn định đặt hàng từ nhiều tuần trước khi mở bán. Càng nhiều người chốt đơn sớm, họ sẽ dễ dàng điều động và bố trí thành viên camp thuê để nhận một suất mua trong danh sách xếp hàng của trưởng nhóm từ 10 ngày trước.
Nếu bạn không có trong đội hình camp thuê nhưng muốn bán lại sản phẩm, họ sẵn sàng mua với mức giá hơn 2- 3 triệu đồng tuỳ vào kích cỡ. Các tay chuyên gom giày sẽ kiểm tra cẩn thận từng sản phẩm và đặc biệt giữ lại tất cả hoá đơn được đóng mộc kỹ lưỡng từ cửa hàng adidas ở Bitexco, TP.HCM.
Sau đó, "đầu mối" sẽ sắp xếp và chia theo từng kích cỡ để việc phân loại cho khách hàng dễ dàng hơn khi có người đến nhận, hoặc lựa chọn hình thức giao hàng tận nơi tùy vào nhu cầu của người mua.
Theo chia sẻ của giới sneakers, hóa đơn giày ở Bitexco chính là quyết định giá trị của sản phẩm và độ tin tưởng của khách về vấn đề hàng thật trước những sản phẩm nhái tràn lan trên thị trường.
Trước đó, dân chuyên gom giày sắp xếp gọn gàng và sử dụng những phương tiện vận chuyển để giao hàng tận tay đến người mua.
Một quy trình ngầm diễn ra chưa đến 30 phút với số tiền lãi lên đến vài triệu đồng, nhưng các bạn xếp hàng thuê phải bỏ thời gian hơn 10 ngày để có mặt điểm danh đúng giờ. Nhiều người cho rằng đây không phải sở thích, chỉ là cách kinh doanh kiếm tiền của giới trẻ. Tuy nhiên, một số bạn chia sẻ: "Ai dám nói việc kiếm tiền, kinh doanh không phải là đam mê. Nếu thế thì chắc cũng không ai bỏ thời gian để kiếm tiền làm gì. Hơn nữa, hành động xếp hàng hơn 10 ngày chờ mua giày hoàn toàn không làm trái pháp luật hay ảnh hưởng cuộc sống của người khác".
Không uổng công 4 ngày ăn chực nằm chờ ở cửa hàng adidas, Trung Hiếu đã mua được đôi Yeezy 350 Cloud White size 38 và bán lại cho khách đặt trước với giá 12 triệu đồng.