Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ăn ở thế nào mà mắc bệnh phụ khoa?'

Chả hiểu con bé kia ăn ở thế nào mà còn non choẹt đã phải đi khám phụ khoa, chắc là chơi bời, quan hệ bừa bãi lắm đây!, Có phải cô lăng nhăng với thằng nào nên mới mắc bệnh?

Đó chỉ là hai trong số những lời bàn tán, chỉ trích có thể dễ dàng bắt gặp tại các phòng khám sản phụ khoa hiện nay. Tuy nhiên, đây đều là những định kiến vô căn cứ cần xóa bỏ.

Mắc bệnh phụ khoa do chơi bời, phóng túng?

Đây là một quan niệm sai lầm nhưng rất phổ biến mà xã hội áp đặt lên những cô gái trẻ. Hiện nay, các phòng khám thường kết hợp Sản khoa và Phụ khoa, do đó cứ thấy những thiếu nữ đi khám là rất nhiều các mẹ, các chị lại rỉ tai nhau: chắc nó quan hệ bừa bãi nên mới viêm nhiễm hoặc phải đi “giải quyết”. Chính định kiến này đã tạo thành rào cản khiến các bạn gái e ngại, không dám đi khám phụ khoa vì sợ gặp người quen sẽ bị hiểu nhầm và mang tiếng xấu.

Nhiều người vẫn có định kiến rằng mắc bệnh phụ khoa là do chơi bời phóng túng.

Nhiều người vẫn có định kiến rằng mắc bệnh phụ khoa là do chơi bời phóng túng.

Thực tế, ngay cả những cô gái chưa hề quan hệ tình dục cũng vẫn có nguy cơ mắc bệnh phụ khoa. Nguyên nhân là do cơ quan sinh dục nữ có cấu tạo mở, diện tích bề mặt âm hộ lớn nên dễ tiếp xúc với môi trường bên ngoài và mầm bệnh, lỗ niệu đạo, âm đạo và hậu môn lại gần nhau, có nhiều nếp da gấp nên dễ lắng đọng các chất bài tiết, thuận lợi cho vi khuẩn ẩn nấp và gây bệnh. Ngoài ra, nếu vệ sinh kinh nguyệt không đảm bảo, hoặc phụ nữ ở các vùng nông thôn thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn thì nguy cơ viêm nhiễm càng cao. Đôi khi, sau 1 trận ốm, phải điều trị kháng sinh và sức đề kháng suy giảm cũng là điều kiện tốt để hình thành viêm nhiễm phụ khoa.

Do đó, chị em phụ nữ cần xóa bỏ tư duy sai lầm rằng bệnh phụ khoa đi liền với lối sống buông thả, vì đó chỉ là một trong những hành vi gây nguy cơ cao nhưng không phải là tất cả. Đừng để sự kì thị thiếu căn cứ của mình làm cản trở quyền được chăm sóc sức khỏe phụ khoa hết sức chính đáng của người khác.

Mắc bệnh phụ khoa do ngoại tình?

Hiện nay, không hiếm trường hợp các đôi nam nữ hoặc cặp vợ chồng đưa nhau đi khám phụ khoa, sau đó đổ lỗi và nghi ngờ lẫn nhau vì cho rằng mình chung thủy, chắc do người kia ngoại tình nên mới mắc bệnh, từ đó dẫn đến xung đột, ghen tuông, có trường hợp “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” ngay tại phòng khám.

Thực tế, đúng là có một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa lây truyền do quan hệ với người mắc bệnh như Chlamydia, lậu, giang mai… Tuy nhiên, còn rất nhiều nguyên nhân khác như virus Herpes có thể xâm nhập với bất cứ ai, đặc biệt ở những người có sức đề kháng kém; hay một số loại bệnh lý dễ gây nhiễm nấm âm đạo là tiểu đường, lao, ung thư và các bệnh gây rối loạn miễn dịch toàn thân.

Do đó, các cặp đôi cần tự trang bị cho mình kiến thức khoa học về sức khỏe phụ khoa để xóa bỏ định kiến này. Các bác sĩ khuyến cáo: khi phụ nữ đã có quan hệ tình dục thì cần đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm, khối u... Đồng thời, mỗi năm một lần cần làm xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung nếu chưa tiêm phòng HPV.

Mắc bệnh phụ khoa do “ở bẩn”?

Đây là định kiến phổ biến nhất hiện nay về bệnh phụ khoa. Không chỉ nam giới đổ lỗi cho vợ hay bạn tình của mình mắc bệnh do giữ vệ sinh kém, mà rất nhiều chị em phụ nữ cũng có chung suy nghĩ này. Chính vì sợ mang tiếng “ở bẩn” nên rất nhiều người thà chịu đựng các cơn đau rát, ngứa ngáy, chứ nhất định không chịu đi khám hay thừa nhận là mình đang mắc bệnh phụ khoa.

Thực tế, vấn đề vệ sinh chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân gây bệnh phụ khoa như: Mất cân bằng PH âm đạo, mất cân bằng hệ vi sinh vật âm đạo (do dùng kháng sinh kéo dài, dùng liều cao hoặc kéo dài bằng corticoid, điều trị tia xạ, thụt rửa âm đạo, polyp, khối u trong âm đạo, đặt dụng cụ tử cung, nạo hút thai, sử dụng thuốc tránh thai, màng ngăn tránh thai, thuốc diệt tinh trùng…), hoặc do sức đề kháng của cơ thể kém.

Do đó, không phải cứ mắc bệnh phụ khoa là do lười vệ sinh thân thể. Đôi khi, chính vì sạch sẽ quá nhưng vệ sinh không đúng cách (như thụt rửa quá sâu hay dùng chất tẩy rửa quá mạnh) cũng có thể gây viêm nhiễm âm hộ, âm đạo. Đây là vùng rất nhạy cảm nên cần dùng dung dịch vệ sinh phù hợp, chú trọng vệ sinh khi quan hệ tình dục và tình dục an toàn để phòng tránh các nguy cơ nhiễm bệnh. Đối với việc vệ sinh kinh nguyệt hàng tháng: không nên để băng vệ sinh quá 4 giờ, rửa sạch vùng kín mỗi khi thay băng vệ sinh và không quan hệ vợ chồng khi đang có kinh.

Định kiến với nam bác sĩ sản phụ khoa

Tâm lý nhiều phụ nữ, đặc biệt là các cô gái trẻ luôn e ngại, xấu hổ nếu phải “trút bỏ xiêm y” để các bác sĩ nam thăm khám. Có trường hợp người vợ đang khám phụ khoa thì chồng xồng xộc lao vào phòng, đòi “tính sổ” với bác sĩ nam vì dám “động chạm”, “dòm ngó” vợ mình!

Thực tế, khi thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ đã trút bỏ cái nhìn giới tính để chuyên tâm vào trách nhiệm của người thầy thuốc. Không ít phụ nữ sau phút đầu e ngại đã thực sự thấy được cái tâm của bác sĩ, thậm chí còn tín nhiệm đến mức thường xuyên lui tới khám và tha thiết mong bác sĩ đó đỡ đẻ cho đứa con của mình.

Cần xóa bỏ định kiến với nam bác sĩ sản phụ khoa.

Cần xóa bỏ định kiến với nam bác sĩ sản phụ khoa.

Và còn muôn vàn định kiến thiếu căn cứ khác như:

Sợ ảnh hưởng đến màng trinh, sợ bị lây bệnh do dùng chung dụng cụ thăm khám: Đây đều là những nỗi sợ hãi đã lỗi thời. Thực tế hiện nay trình độ khoa học phát triển, nếu lựa chọn những phòng khám có uy tín, trình độ tay nghề bác sĩ cao và đảm bảo quy trình thăm khám thì người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm. Các bác sĩ luôn hỏi bệnh nhân đã có QHTD chưa, nếu chưa thì sẽ không bao giờ thâm nhập sâu bằng mỏ vịt. Các dụng cụ cũng luôn được tiệt trùng, chỉ dùng 1 lần để đảm bảo vệ sinh và tránh lây nhiễm chéo.

Sợ thuốc điều trị phụ khoa ảnh hưởng đến sữa, gây hại cho em bé: Tùy loại bệnh và mức độ tổn thương, người bệnh có thể được kê đơn và áp dụng các phương pháp như đốt điện, đốt laser… kết hợp uống đồng thời các thực phẩm chức năng. Nếu tổn thương ít và đang có chiều hướng tái tạo, chỉ cần dùng các thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị và phòng ngừa. Những sản phẩm có nguồn gốc thảo dược thì sẽ an toàn và không ảnh hưởng đến sữa mẹ hay gây hại cho em bé.

Sợ bị “chặt chém”, tốn kém không cần thiết: Các phòng khám uy tín đều công khai bảng giá dịch vụ, các loại thuốc được kê đơn theo khung giá chuẩn nên không có tình trạng khách hàng bị làm giá, nâng giá. Việc điều trị phải tuân theo phác đồ với từng tình trạng bệnh, nên nếu thấy chi phí lớn thì khách hàng nên hỏi kỹ thông tin, hơn là im lặng rồi đổ lỗi cho bác sĩ “chặt chém”. Hơn nữa trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể không phải dùng thuốc mà chỉ cần sử dụng các loại thảo dược như đã nói ở trên, với chi phí hoàn toàn hợp lý.

Xã hội cần xóa bỏ những định kiến đã lỗi thời, và người phụ nữ thông minh của thời đại mới cần chủ động chăm sóc sức khỏe phụ khoa để luôn khỏe đẹp và hạnh phúc!

http://giadinh.net.vn/song-khoe/an-o-the-nao-ma-mac-benh-phu-khoa-20150209081841763.htm

Theo Báo Gia Đình & Xã Hội

Bạn có thể quan tâm