Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết chiều 1/6, đơn vị đã tiếp nhận nhóm bệnh nhân trên trong tình trạng bị tê và yếu liệt chân tay, khó thở và không thể nói được.
Khi được đưa vào bệnh viện các bệnh nhân được các bác sĩ đã tích cực theo dõi truyền nước, kích nôn, thở máy và điều trị triệu chứng. Sau 24h theo dõi, đến sáng 3/6, sức khỏe của cả 4 người đã dần hồi phục. Một nạn nhân cho biết vì nghĩ con so biển là con sam nên đã vô tư luộc ăn mà không biết loại hải sản này có độc.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân ăn so biển bị ngộ độc. Ảnh: Khánh Trung. |
Theo các bác sĩ, sam và so là hai loại động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Trên thế giới họ sam nói chung có tên khoa học là Xiphosuridae, có 4 loài, riêng Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda).
Con so có thân hình nhỏ hơn sam. Đuôi sam có tiết diện hình tam giác, với 3 cạnh kéo dài đến tận cuối phần đuôi. Ở đỉnh tam giác có gai nhọn giống như lưỡi cưa. Đuôi con so thì ngược lại, có tiết diện hình tròn hoặc hình bầu dục và không hề có gai nhọn như sam biển.
Sam thường sống theo từng cặp còn so chỉ sống riêng lẻ. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc khi ăn sam mà chỉ tiếp nhận ca ngộ độc do ăn so biển. Một số người thậm chí tử vong do ăn nhiều và nhập viện muộn.
Độc tố tetrodotoxins trong so biển là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh.
Người nhà bệnh nhân cho biết chỉ gần một giờ sau khi ăn con so biển có cả trứng uống với rượu, người đầu tiên trong nhóm đã có biểu hiện tê chân tay, chóng mặt, đi không vững, mắt mờ dần.
"Khoảng 2 giờ sau đó, cả 4 người đều có chung biểu hiện. Gia đình lo lắng nên đưa đến bệnh viện ở địa phương. Tuy nhiên do tình trạng ngộ độc quá nặng nên bác sĩ chuyển lên tuyến trên", một người nhà bệnh nhân cho biết.