Nghiên cứu mới cho thấy ăn sớm hơn trong ngày và ăn tất cả bữa trong vòng 10 tiếng có thể tốt cho sức khỏe hơn. Ảnh: Langham. |
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism cho thấy thời gian ăn trong ngày ảnh hưởng đến cảm giác đói và thèm ăn, mức năng lượng và cách cơ thể tích trữ chất béo.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi ‘Thời gian chúng ta ăn có quan trọng khi mọi thứ khác được giữ ổn định không?’”, Nina Vujovic, nhà nghiên cứu sự rối loạn giấc ngủ, tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 16 người thừa cân ăn các bữa giống nhau theo 2 lịch trình khác nhau: Nhóm thứ nhất ăn các bữa sớm hơn và nhóm thứ hai ăn muộn hơn khoảng 4 tiếng. Ví dụ: Người của nhóm thứ nhất có thể dùng bữa lúc 9h, 13h và 17h trong khi người ở nhóm sau sẽ ăn lúc 13h, 17h và 21h.
Những người tham gia tự báo cáo cảm giác đói và thèm ăn của họ. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thu thập mẫu máu, nhiệt độ cơ thể và mức tiêu hao năng lượng.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng lấy sinh thiết mô mỡ để so sánh mức ảnh hưởng của 2 kiểu ăn uống và kiểu biểu hiện gen đến sự hình thành mỡ hoặc cách cơ thể tích trữ chất béo.
“Chúng tôi muốn kiểm tra tại sao ăn khuya lại làm tăng nguy cơ béo phì”, giáo sư y khoa Frank Scheer, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
“Những nghiên cứu trước đây chỉ ra ăn khuya có liên quan đến tăng nguy cơ béo phì, tăng mỡ trong cơ thể và làm giảm khả năng giảm cân thành công. Chúng tôi muốn tìm hiểu lý do", ông nói thêm.
Trong 2-3 tuần trước khi nghiên cứu diễn ra, những người tham gia phải duy trì lịch trình ngủ và thức dậy nghiêm ngặt. Và trong 3 ngày cuối cùng trước nghiên cứu, họ tuân theo chế độ ăn và lịch trình ăn uống giống hệt nhau.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism cho thấy thời gian chúng ta ăn trong ngày ảnh hưởng đến cảm giác đói và thèm ăn, mức năng lượng và cách cơ thể tích trữ chất béo. Ảnh: Freepik. |
Kết quả cho thấy ăn khuya làm tăng cảm giác đói, giảm tiêu hao năng lượng, đốt cháy calo chậm hơn và thúc đẩy tình trạng tích tụ chất béo. Tất cả thay đổi này kết hợp lại có thể làm tăng nguy cơ béo phì. Dùng bữa muộn hơn khiến cảm giác đói tăng gấp đôi.
Nina Vujovic, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi phát hiện ăn muộn hơn 4 tiếng tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với mức độ đói cũng như cách cơ thể đốt cháy calo sau khi ăn và cách cơ thể tích trữ chất béo”.
Bà Vujovic giải thích những kết quả này nhất quán với nhiều nghiên cứu khác, nhưng nó chỉ ra cách thức và lý do việc ăn uống trễ hơn có thể làm tăng nguy cơ béo phì.
“Nghiên cứu này cho thấy tác động của việc ăn muộn và ăn sớm. Ở đây, chúng tôi đã tách biệt những tác động này bằng cách kiểm soát các biến gây nhiễu như lượng calo, hoạt động thể chất, giấc ngủ và tiếp xúc với ánh sáng. Nhưng trên thực tế, các yếu tố này có thể bị ảnh hưởng bởi thời gian dùng bữa”, ông Scheer nói.