Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Morning Post, đề cập đến vấn đề hiện nay nhiều người Trung Quốc áp dụng những biện pháp cực đoan để bảo vệ mình khỏi nguy cơ nhiễm virus corona.
Mong muốn tự bảo vệ mình khỏi dịch viêm phổi cấp do virus corona - căn bệnh đã lan rộng đến hơn 60.000 người và giết chết hơn 1.000 cư dân ở Trung Quốc - ngày càng nhiều người dân của nước này tìm đến những phương pháp phòng chống lập dị và thậm chí là nguy hiểm để tự bảo vệ mình.
Nhiều trường hợp người dân bị tác động bởi những tin đồn tiêu cực, không chính thống trên mạng để rồi áp dụng những cách thức phản khoa học, với niềm tin sẽ đẩy lùi được nguy cơ lây nhiễm đến bản thân và gia đình.
Gần đây, một người phụ nữ ở tỉnh Chiết Giang đã đọc được trên mạng rằng tỏi sống có thể giúp giảm khả năng bị nhiễm virus Covid-19. Bà đã ăn quá nhiều tỏi sống, đến nỗi cuối cùng phải điều trị tại bệnh viện vì viêm họng đến mức không thể nói được.
Tin đồn trên mạng nói rằng tỏi sống có thể giúp giảm khả năng bị nhiễm virus Covid-19. Ảnh: Pinterest. |
Chương trình Qianjiang Evening News (tạm dịch: Tin tức buổi tối Qianjiang) đưa tin một phụ nữ khác sống ở quận Tiantai cũng đã ăn khoảng 16 củ tỏi sống trong vòng hơn 2 tuần. Và vì hoang mang quá mức, cô còn đến bệnh viện, yêu cầu bác sĩ thực hiện quét CAT trên phổi mình trong khi cô không có bất kỳ triệu chứng nào như sốt, ho trước đó.
Kết quả sau đó cho thấy không có khả năng người phụ nữ nói trên đã bị nhiễm virus corona, nhưng bác sĩ chẩn đoán cô bị chứng nóng trong vì ăn quá nhiều tỏi.
Theo Guangzhou Daily, một phụ nữ ở Hợp Phì, thuộc tỉnh An Huy, đã xịt rất nhiều cồn vào quần áo khi cô vào bếp để nấu nướng. Cô đã vô tình gây ra một vụ nổ khiến bản thân bị bỏng nghiêm trọng trên mặt và tay.
Nhiều người đội chai nước bằng nhựa lên đầu để tránh nhiễm virus Covid-19. Ảnh: Yahoo News Australia. |
Nhiều tòa nhà dân cư cao tầng ở Trung Quốc đã cung cấp khăn giấy hoặc thậm chí là tăm cho mọi người sử dụng khi họ cần nhấn nút trong thang máy, nhưng một số người còn bảo vệ bản thân một cách tương đối cực đoan. Nhiều bức ảnh chụp những người đội chai nước bằng nhựa lên đầu để tránh nhiễm virus được lan truyền trên mạng là một ví dụ điển hình.
Gao Xiaodong, một chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng từ Bệnh viện Trung Sơn Thượng Hải, cho biết những biện pháp này không thực sự hiệu quả vì “những chai nhựa thông thường không thể ngăn chặn virus như khẩu trang”.
Ông Gao cho biết một số người tin rằng họ có thể bị nhiễm bệnh do hít phải virus bay lơ lửng trong không khí. Ông khẳng định hiện nay không có đủ bằng chứng cho lý thuyết này và virus corona chỉ lây qua các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, chạm tay vào bề mặt hay từ giọt bắn khi giao tiếp ở cự ly gần.
Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là những biện pháp hiệu quả hơn hết. Ảnh: Pinterest. |
“Vì quá hoảng loạn, nhiều người đã tự thử nhiều cách để bảo vệ mình. Nhưng mọi người nên biết rằng những câu chuyện được thêu dệt về virus corona còn lây lan nhanh hơn những gì người ta từng nói về SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hoặc MERS (hội chứng hô hấp từ Trung Đông), nhưng thực tế bệnh này lại ít gây tử vong hơn”, ông Gao nói thêm.
Ông cũng nhấn mạnh tin đồn trên mạng xã hội chỉ có mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng và quá tin vào chúng sẽ khiến bạn thêm hoang mang. Nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp như tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là những biện pháp hiệu quả hơn hết.