“Pirlo” cũng là tên một loại đồ uống dùng để khai vị có nguồn gốc từ Brescia, được pha chế với thành phần chủ yếu là rượu vang trắng và campari (một loại vang đỏ để pha chế cocktail). Andrea Pirlo xuất thân từ một gia đình trồng nho làm rượu.
Bản thân anh từng thổ lộ niềm đam mê với những chùm nho và muốn toàn tâm toàn ý kinh doanh rượu sau khi giải nghệ. Rượu vang chính là một phần tất yếu trong cuộc sống của Pirlo ngoài bóng đá. Anh yêu rượu và sành rượu. Ngay từ trong họ tên của mình (Andrea “Pirlo”), anh đã gắn bó với rượu như một lẽ tự nhiên.
Không ai có thể phủ nhận Pirlo chính là loại rượu vang hảo hạng của cả đất nước Italy. Loại rượu ấy để càng lâu càng ngon, như những phẩm chất đang dần đạt đến đẳng cấp hiếm người vươn tới của chàng tiền vệ có mái tóc bồng bềnh lãng tử.
Pirlo là kiểu mẫu quý ông điển hình ở Italy. |
Bóng đá Italy đã sản sinh ra rất nhiều tiền vệ xuất chúng, từ Valentino, Sandro Mazzola, Gianni Rivera, Giancarlo Antognoni, Marco Tardelli, Rino Gattuso…Danh sách này rất dài, nhưng không ai sánh được với Andrea Pirlo.
Bóng đá hiện đại có một thực tế: Cầu thủ nào càng được yêu mến thì càng có nhiều người ghét. Ronaldo và Messi là hai gương mặt điển hình. Nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ, như Pirlo.
Rất hiếm những cầu thủ được cả CĐV đội nhà và đối thủ yêu quý. Nhưng Pirlo thuộc vào thiểu số những người như thế. Bóng đá ở Italy là tập hợp của những nhóm người cực đoan, và có rất ít những cầu thủ được ngưỡng mộ ở mọi câu lạc bộ. Pirlo luôn được yêu mến dù anh đã khoác trên mình màu áo của cả ba đội bóng lớn nhất Italy, bao gồm Juventus, Inter Mian và AC Milan.
Trên bình diện quốc tế, Pirlo được các CĐV Anh rất mực kính nể và tôn trọng. Nhiều người không ngần ngại bày tỏ ước nguyện rằng giá như Pirlo mang quốc tịch Anh, dù không ít lần anh đã khiến đội tuyển xứ sương mù ôm hận.
Thiện cảm mà Pirlo có được rất dễ hiểu. Anh được ngưỡng mộ vì mang trong mình kỹ thuật chơi bóng của một thiên tài, tư duy của một nhà thông thái và phong cách của một lãng tử. Với những người luôn hướng về sự cổ điển của bóng đá, Pirlo chính là vị thánh của họ. Pirlo như bước ra từ những trận đấu ở thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, khi bóng đá còn chậm và đòi hỏi nhiều kỹ thuật, trong khi lối đá pressing, những cầu thủ lực điền chạy hùng hổ chưa xuất hiện.
“Tôi tư duy nghĩa là tôi chơi bóng”, đó là nhan đề cuốn tự truyện được đánh giá rất cao của Pirlo. Anh chạy chậm, đánh đầu dở tệ, chưa bao giờ dốc bóng hay bứt tốc độ, nhưng sự khác biệt mà Pirlo tạo ra đến từ bộ não.
Pirlo luôn là nỗi ám ảnh của mọi hàng thủ khi anh đứng trước quả đá phạt trực tiếp. |
Pirlo cũng rất được yêu mến ở Brazil – đất nước tôn thờ những con người chơi bóng với tinh thần tự do phóng khoáng như Rivelino, Tostao, Socrates hay Zico. Người Brazil yêu mến Garrincha với đôi chân dị dạng hơn Pele cũng bởi vì “huyền thoại chân thọt” là con người giản dị và chơi thứ bóng đá của niềm vui. Pirlo chính là hình ảnh lý tưởng của jogo bonito (bóng đá đẹp) khiến người Brazil nhớ về năm tháng huy hoàng trong quá khứ.
HLV Carlos Dunga từng chia sẻ: “Andrea Pirlo là cầu thủ đậm chất Brazil nhất ở châu Âu. Nếu được lựa chọn một đội hình lý tưởng, chắc chắn tôi sẽ chọn anh ấy”. Những lời ngưỡng mộ nhưng cũng hàm chứa cả than trách khi nghĩ về tình cảnh của bóng đá Brazil hiện nay.
Hôm thứ hai vừa qua, trang web của CLB Juventus thông báo rằng Pirlo sẽ chuyển sang chơi bóng ở CLB New York City FC thuộc Giải nhà nghề Mỹ (MLS). Khoảng trống mà Pirlo để lại không chỉ là của Juventus mà còn là của bóng đá Italy và châu Âu.
Người ta cần Pirlo để gìn giữ sự lãng mạn cho bóng đá. Môn thể thao vua ngày càng giống môn thể thao nữ hoàng (điền kinh), nơi các cầu thủ kiêm lực sĩ có thể chạy bứt tốc 100 mét trong khoảng thời gian chẳng kém bao nhiêu so với vận động nước rút hàng đầu.
Pirlo là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Đôi mắt xa xăm, cái nhìn hơi lơ đãng, bộ râu rậm rạp đặc trưng, mái tóc dài lãng tử, dáng vẻ uể oải của một người đang ngái ngủ cùng tác phong thi đấu lừ đừ nhưng Pirlo đã tung hoành trên khắp các sân cỏ châu Âu ngót 20 năm nay bằng những đường chuyền đầy chất thông thái của đại kiện tướng cờ vua, bằng phong cách chơi bóng nhẹ nhàng, thư thái của một quý ông Italy đặc trưng nhưng hiệu quả luôn đặt lên hàng đầu.
Thay đổi về luật lệ, tiến bộ về y tế, dinh dưỡng và khoa học thể thao, áp lực thành tích đã khiến mẫu cầu thủ như Pirlo ngày càng hiếm hoi. Anh trở thành kẻ dị biệt của bóng đá hiện đại.
Chính sự khắc nghiệt của sân cỏ thời hiện đại nhiều lần khiến sự nghiệp của Pirlo suýt rẽ sang hướng khác. Do vị trí số 10 cổ điển của Pirlo đã lỗi thời nên anh không có vị trí ổn định, để rồi bật bãi khỏi Inter Milan. Thật may, đầu tiên là HLV Carlo Mazzone ở Brescia, sau đó đến HLV Carlo Ancelotti ở AC Milan đã nhận ra phẩm chất thiên tài trong con người Pirlo và bố trí anh ở vai trò hoàn toàn mới: tiền vệ kiến thiết lùi sâu (regista).
Ở vị trí ấy, anh có thể phát huy tối đa những kỹ năng trời phú của mình, sắm vai nhạc trưởng và tung ra những đường chọc khe hảo hạng, thi triển kỹ năng sút phạt thần sầu. Từng pha nhận và trả bóng, điều phối bóng và dâng cao, những bước chạy với trọng tâm thấp và xoay người giải vây đều là chuẩn mực của cầu thủ bóng đá.
Có lẽ hiếm cầu thủ nào trên thế giới kể từ sau Micheal Platini tung ra được những cú lốp bóng tinh tế và chính xác như Pirlo, cũng không ai mang tới sự trầm tĩnh và vững tin như Pirlo. Không quan trọng đối thủ là ai, to lớn và hùng hổ như thế nào, tính chất trận đấu ra sao, bạn không hề thấy áp lực khi chơi bóng bên cạnh Pirlo.
“Tôi chẳng thấy run sợ chút nào. Buổi chiều trước trận chung kết World Cup 2006, tôi ngủ rất ngon rồi dành thời gian để chơi Play Station. Sau đó, tôi ra sân và đoạt cúp”, Pirlo tỉnh bơ.
Trong vai trò tiền vệ kiến thiết lùi sâu, Pirlo là trái tim và khối óc của tập thể các ngôi sao từng giành chức vô địch World Cup và Champions League. Sát cánh cùng Gattuso, Seedorf và Kaka, Pirlo đưa AC Milan góp mặt ở 3 trận chung kết Champions League và giành vinh quang 2 lần.
Pirlo từng nhiều lần rơi lệ sau thất bại. Sự nghiệp đầy vinh quang nhưng cũng nhiều thất bại đắng cay. |
Pirlo đối với đội tuyển quốc gia không chỉ là nghĩa vụ mà còn hàm chứa một tình yêu cao cả. Anh từng nói: “Theo tôi, không một cầu thủ nào nên chia tay đội tuyển. Hãy để HLV làm việc ấy”. Pirlo gọi màu áo của Italy là “làn da thứ 2”. Anh làm một phép so sánh thú vị giữa khoái cảm khi được khoác chiếc áo màu thiên thanh, hát bài quốc ca Italy “Fratelli D’Italia” hùng tráng với khoái cảm khi “lên đỉnh”.
Anh từng viết: “Khoái cảm khi lên đỉnh qua đi rất nhanh, nhưng cảm giác sướng khi chơi cho đội tuyển thì âm ỉ hơn, dai dẳng hơn”. Niềm vui khi chơi bóng cho Azzuri vẫn nguyên vẹn như thời niên thiếu ở đội U15 Italy. Tinh thần tận hiện của Pirlo là điều đáng quý vô cùng.
Trong số 19 danh hiệu lớn nhỏ đã giành được, đáng kể nhất là 6 chức vô địch Italy, 2 Champions League, 1 World Cup. Sự nghiệp của Pirlo có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, trong đó phải kể đến cú sút phạt đền kiểu panelka vào lưới đội tuyển Anh ở EURO 2012, đường kiến tạo cho Fabio Grosso cứa lòng cháy lưới chủ nhà Đức ở World Cup 2006 hay đường lốp bóng đỉnh cao để Roberto Baggio hạ gục Edwin van der Sar năm 2001.
Những sân chơi đỉnh cao ở châu Âu từ nay sẽ không còn được chứng kiến nghệ sĩ Pirlo hào hoa, từ tốn, nhẹ nhàng và lãng mạn đầy chất thơ nữa. Tương lai của anh nằm ở nước Mỹ, nơi anh sẽ tận hưởng những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp lẫy lừng trước khi nghĩ về những kế hoạch của tương lai. Ở Việt Nam – một nơi rất xa nước Mỹ, các tifosi (người hâm mộ bóng đá Italy) vẫn trìu mến gọi anh bằng cái tên Pirlo da Vinci đầy gợi cảm, phỏng theo tên của đại danh họa Leonardo da Vinci.