Cái tên Arshavin đã không còn xuất hiện tại các trang tin truyền thông trong khoảng vài năm trở lại đây. Ít ai biết rằng ở tuổi xế chiều, cầu thủ từng được coi là niềm hy vọng số 1 của bóng đá quốc gia rộng lớn nhất thế giới lại phải chơi bóng cho FC Kairat vô danh tại Kazakhstan xa xôi.
Điều gì đã xảy đến với Arshavin? Kể lại câu chuyện đời anh, có lẽ nhiều người phải thở dài tiếc nuối cho một tài năng hiếm có bị hoài phí bởi sự lười biếng và thiếu quyết tâm.
Tiền vệ Andrey Arshavin. Ảnh: Sky Sports. |
Ngôi sao nở muộn
Ở quê nhà, Arshavin từng được ưu ái gọi với cái tên “phù thủy nước Nga” bởi ai cũng biết sự diệu kỳ được tạo ra bởi cái chân phải của anh là lớn như thế nào.
Andrey Arshavin sinh ngày 29/5/1981 tại Leningrad (nay đổi thành Saint Petersburg). Anh bắt đầu chơi bóng cho đội trẻ của đội bóng quê hương Zenit từ năm lên 7.
Năm 2000, Arshavin được đôn lên đội 1 và từ đây, tài năng của anh không ngừng nở rộ. Vào thời điểm ấy, Zenit khác xa với hiện tại, tình trạng tài chính nghèo nàn khiến những cầu thủ “cây nhà lá vườn” như Arshavin có suất đá chính từ rất sớm.
Arshavin thời trẻ. Ảnh: Arsenal.com. |
Với tình hình thiếu hụt đủ điều, tất nhiên, dù rất cố gắng, Zenit thi đấu chẳng hề khởi sắc và theo lẽ thông thường, cái tên Arshavin cũng mất cơ hội lọt vào con mắt của đội ngũ săn đầu người tại những ông lớn hàng đầu châu Âu.
Mọi thứ đổi thay khi tập đoàn dầu khí giàu có Gazprom nắm quyền đội bóng vào năm 2005. Những cái tên đẳng cấp được đưa về, một sân vận động mới được nâng cấp và thành tích của đội bóng được cải thiện đáng kể.
Năm 2007, Arshavin đưa Zenit vô địch nước Nga sau 23 năm chờ đợi với 11 bàn thắng và 11 đường kiến tạo. Một năm sau, Zenit tạo tiếng vang lớn khi vô địch UEFA Cup (tiền thân của Europa League sau này) và Arshavin được bầu chọn là cầu thủ hay nhất trận chung kết.
Thế nhưng, khoảng thời gian rực sáng và thành công nhất của tiền vệ 36 tuổi nằm tại kỳ Euro 2008 ở Áo và Thụy Sĩ. Đó là giải đấu lớn ở cấp độ quốc gia đầu tiên mà Arshavin được góp mặt. Trước đó, World Cup 2002 Arshavin bị loại vì còn quá trẻ và hai giải đấu lớn năm 2004, 2006, Nga đều không vượt qua được vòng loại.
Vắng mặt 2 trận đầu vì án treo giò, trong ngày trở lại, Arshavin lập tức ghi dấu ấn bằng một bàn trong chiến thắng 2-0 trước Thụy Điển. Tiếp đó là đường kiến tạo ở bàn thắng thứ 2 và trực tiếp ghi bàn quyết định giúp đội bóng Đông Âu vượt qua Hà Lan 3-1 sau 120 phút căng thẳng tại trận tứ kết.
Arshavin sau đó lọt vào đội hình tiêu biểu của Euro 2008 và danh sách 30 cầu thủ được đề cử Quả bóng vàng cũng trong năm ấy. Arshavin đã cho cả thế giới biết đến tài năng của mình theo cách như thế ở cái tuổi 27 không còn trẻ trung.
Arshavin tỏa sáng trong màu áo tuyển Nga tại Euro 2008. Ảnh: Getty Images. |
Lụi tàn bởi sự nhác lười
Sau màn chào hàng thành công, nhiều tên tuổi của bóng đá châu Âu như Barca, Tottenham hay Newcastle sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lên tới 20 triệu euro để có Arshavin.
Arshavin từng bày tỏ tình cảm với đội chủ sân Nou Camp: "Barca là đội bóng xuất sắc nhất thế giới. Tôi rất ưa thích phong cách chơi bóng của họ. Chỉ cần thi đấu một mùa cho Barca cũng là một dấu mốc trong sự nghiệp của tôi".
Thế nhưng, cuối cùng, tiền vệ người Nga lại gật đầu chuyển sang Pháo thủ theo một bản kỷ lục của đội bóng vào thời điểm đó. Không ít lời khen tấm tắc dành cho Arshavin bởi ai cũng hiểu phong cách chơi bóng của anh phù hợp với Arsenal đến thế nào.
Nhưng không, 4 năm ở Emirates, Arshavin chỉ tỏa sáng trong nửa mùa giải đầu tiên mà đáng nhớ nhất là màn trình diễn “thần thánh” ghi 4 bàn trong trận gặp Liverpool vào ngày 21/4/2009. Thời gian sau đó, Arshavin bị đẩy lên băng ghế dự bị bởi phong độ xuống dốc thảm hại.
Thời điểm ấy, HLV Wenger nhiều lần chỉ trích Arshavin bởi sự lười biếng trong tập luyện và tình trạng thừa cân kéo dài. Ở giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới, Arshavin chẳng thể thành công nếu vẫn duy trì cá tính đỏng đảnh như hồi còn ở Nga. Sau này, người ta nhận ra vấn đề lớn nhất của Arshavin chính là động lực để thi đấu.
Nhà báo người Nga Artur Petrosyan viết về Arshavin trên tờ Sky Sports: "Cậu ta là một cầu thủ lười biếng ngay cả khi đang ở đỉnh cao phong độ. Arshavin không thích phải di chuyển nhiều".
Cũng như Arshavin thừa nhận: “Đối với tôi, việc ghi bàn như một thú vui. Tôi thích nhìn gương mặt tức tối của đối thủ khi mình sút tung lưới họ”. Chơi bóng như một nghệ sĩ, Arshavin làm việc theo cảm hứng mà thiếu đi tính chuyên nghiệp và kỷ luật.
Đó không là vấn đề của riêng Arshavin mà của cả nền bóng đá nước này. Rất nhiều cầu thủ thiếu đi sự đam mê thực sự và chỉ coi bóng đá là công cụ để kiếm tiền. Sau vòng loại World Cup 2010 tệ hại, chính giới truyền thông của Nga cũng đã lên tiếng thừa nhận thực trạng này.
Trong một đoạn phim tư liệu được công bố sau đó cho thấy một vài cầu thủ Nga đã vào các quán bar sử dụng đồ có cồn ngay trước khi các trận đấu được diễn ra tại vòng loại. Arshavin là đội trưởng và ngôi sao sáng nhất tất nhiên là tâm điểm bị chỉ trích.
Không bằng lòng, Arshavin phàn nàn trên tờ Sport Express: "Chiến thắng là công sức của cả tập thể. Nhưng khi thất bại, lỗi lúc nào cũng thuộc về Arshavin. Tôi đã quen với điều đó".
Tồi tệ hơn, 2 năm sau đó, khi những chú gấu Nga không thể đi sâu tại Euro 2012, cựu cầu thủ Zenit có những phát ngôn gây sốc dành cho các cổ động viên: "Chúng tôi không thực hiện được kỳ vọng của họ (người hâm mộ), đó là vấn đề của họ thôi".
Phát biểu thiếu trách nhiệm của Arshavin gây ra làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ từ trong nước. Hãng sản xuất đồ ăn nhanh Lays vội lấy sự thừa cân và thiếu kỷ luật của cầu thủ người Nga ra làm đề tài châm biếm trong một đoạn quảng cáo.
Từ đó, Arshavin không còn khoác áo tuyển Nga một lần nào nữa. Danh tiếng tiêu tan còn phong độ thì anh đã đánh mất từ rất lâu rồi.
Một năm sau đó, Arshavin rời Emirates tìm về đội bóng khởi nghiệp Zenit. Tuy nhiên, vị thế "phù thủy nước Nga" lúc này đã hoàn toàn khác. Các ông chủ của Gazprom mang người con Arshavin trở lại nhằm lôi kéo thêm cổ động viên đến sân hơn là vì khả năng đóng góp của anh.
Trong mùa giải cuối cùng tại đội chủ sân Krestovsky, Arshavin thậm chí chỉ được đá chính 4 lần tại giải quốc nội và ghi duy nhất một bàn thắng.
Cầu thủ 36 tuổi có thêm một năm đầu quân tại Kuban Krasnoda trước khi chuyển đến FC Kairat vào cuối năm ngoái. Trong quãng thời gian này, Arshavin chưa một lần tìm lại được phong độ chói sáng ngày nào.
Arshavin gia nhập Fc Kairat vào mùa hè 2016. |
Đến nay, khi mọi thứ đã qua, nhiều người tại xứ bạch dương vẫn nuối tiếc cho Arshavin. Nếu tài năng ấy được song hành cùng với niềm quyết tâm, sự nghiệp của cầu thủ người Nga có lẽ đã không kết thúc theo một cách lãng quên đến thế.
Arshavin có một tuổi thơ khó khăn
Hồi nhỏ, Arshavin phải ngủ với mẹ trên sàn trong một căn hộ chật hẹp tại Saint Petersburg do bố mẹ cậu đã ly hôn. Bố Arshavin, một cầu thủ nghiệp dư, người luôn ủng hộ ước mơ chơi bóng của cậu, qua đời ở tuổi 40 vì một cơn đau tim.