Đổi tên: chuyện không đơn giản
Những cái tên là sự kỳ vọng và tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Phải đổi tên, đó không chỉ là khó khăn về luật pháp mà còn là sự dằn vặt lương tâm với người chuyển giới. Nhưng không lẽ cứ phải giữ cái tên đàn ông trong khi họ đã phải trải qua nhiều cuộc hành xác để trở thành giới tính như mong muốn?
Câu chuyện của cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm (39 tuổi) có lẽ không còn xa lạ với bạn đọc. Hành trình đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính, được cấp lại giấy tờ, rồi bị đề nghị thu hồi giấy... là một hành trình đầy cam go và thử thách với Trâm.
Cô giáo Quỳnh Trâm rất sung sướng khi được cấp lại giấy tờ sau khi chuyển giới. |
Trâm vốn là anh Phạm Văn Hiệp (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Sau khi đi Thái Lan phẫu thuật chuyển giới thành nữ, chàng trai Phạm Văn Hiệp lúc này đã trong thân hình một cô gái đến UBND tỉnh Bình Phước xin đổi giấy tờ và xác định lại giới tính.
“Suốt cả năm trời tôi đến UBND tỉnh xin đổi giấy tờ nhưng lần nào cũng bị từ chối. Cứ đến xin hoài riết họ cũng quen mặt. Đúng một năm một tháng sau đó, cán bộ của ủy ban tỉnh hướng dẫn tôi về UBND huyện, họ bảo việc này về huyện giải quyết là được rồi”.
Mừng rỡ, Hiệp về UBND huyện Chơn Thành. UBND huyện hướng dẫn Hiệp đi khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước để chứng minh mình là người liên giới tính.
Sau khi mang kết quả khám về, huyện lại đòi Hiệp phải cung cấp bản dịch có công chứng của giấy chứng nhận chuyển giới ở Thái Lan cung cấp.
Hiệp đi dịch về, ủy ban huyện không chấp nhận bản dịch của các trung tâm bên ngoài mà yêu cầu Hiệp phải dịch ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiệp lại lặn lội lên TP.HCM, đến phòng tư pháp quận Bình Thạnh dịch và công chứng các giấy tờ mới được UBND huyện chấp nhận.
'Chị Cà' và tấm chứng minh nhân dân kỳ lạ. |
Đến lúc đó, Phạm Văn Hiệp mới được xác định lại giới tính từ nam sang nữ và được đổi tên thành Phạm Lê Quỳnh Trâm (giới tính nữ).
“Nhận được giấy xác định lại giới tính, tôi đã òa khóc vì hạnh phúc”, cô giáo Quỳnh Trâm nhớ lại. “Giấy tờ một đằng mà thân xác một nẻo khổ lắm. Hồi Trâm chưa được đổi tên, mỗi lần ra sân bay hay đi đâu cần đến các giấy tờ pháp lý đều phải đứng rất lâu để giải thích, chứng minh rất lâu mình là người chuyển giới”, Quỳnh Trâm kể.
Được cấp lại giấy tờ như cô giáo Quỳnh Trâm là niềm ao ước của tất cả các bạn chuyển giới.
Vật bất ly thân
Giơ tấm chứng minh nhân dân có dán hình phụ nữ nhưng lại mang tên Nguyễn Hữu Toàn, Jessica (tên gọi của Toàn) cho biết: “Sau khi đi phẫu thuật chuyển giới về tôi làm lại chứng minh nhân dân. Khi đi làm chứng minh nhân dân lại, họ hoạnh họe hết cái này đến cái kia, tôi phải giải thích mình mới đi phẫu thuật chuyển giới về họ mới cho làm lại nhưng không cho đổi tên. Thế là chứng minh nhân dân mới hình con gái nhưng tên lại của con trai. Tôi mong một ngày pháp luật VN cho phép làm lại giấy tờ, được đổi tên để chúng tôi được kết hôn và sống đàng hoàng với người mình yêu”.
Với chuyên gia trang điểm Lê Duy (chuyển giới từ nam sang nữ) mỗi lần đi máy bay là một lần khổ sở vì phải thuyết phục và chứng minh mình mới đi chuyển giới về.
Hình là nữ nhưng tên vẫn là nam. |
“Nhiều lần tôi bị hải quan giữ lại, bảo là người chuyển giới xin cho đi họ cũng không giải quyết, phải đứng chờ nhân viên gọi sếp ra. Đến khi sếp ra tôi đưa chứng minh nhân dân, đưa giấy công nhận của bác sĩ bên Thái Lan là mình đã phẫu thuật chuyển giới về, xem xong người cho đi, người lại bắt vào trong để cho nhân viên khám. Khổ đủ đường”, Lê Duy chia sẻ.
Có lần Duy bị bắt xe máy khi tham gia giao thông, Duy đưa bằng lái xe ra. Nhìn bằng lái của một người con trai, vị CSGT tức tối hỏi: “Chị đùa tôi à?”.
Lê Duy giải thích mãi mình là người chuyển giới, vị kia cũng không tin. Cuối cùng chị phải bỏ xe lại đó, về nhà lấy giấy chứng nhận đã phẫu thuật chuyển giới đến, CSGT mới giải quyết cho chị. Từ đó trở đi vật bất ly thân của Lê Duy là giấy chứng nhận chuyển giới do bệnh viện Thái Lan cung cấp cho chị.
Có trường hợp một ca sĩ ở Hà Nội phải lấy giấy tờ của em gái rồi dán hình sau khi chuyển giới để dự thi một cuộc thi hát trong nước. Đa số người chuyển giới ở TP.HCM cũng phải sử dụng cách này để có thể dễ đi xin việc.
Đó là trường hợp của Linh (một người chuyển giới muốn giấu tên) quê ở Nha Trang. Vì ở nhà bị kỳ thị nên sau khi tốt nghiệp ĐH Thủy sản, Linh vào Sài Gòn với nhóm bạn chuyển giới để bắt đầu cuộc sống mới.
Trước đó, dù có chú là giám đốc một công ty lớn nhưng Linh cũng không thể xin vào làm kiểm kho vì giấy tờ không đồng bộ.
Nhiều khi dù có giả giấy tờ được nhưng giọng nói chính là thứ tố cáo người chuyển giới khi giao tiếp. Vì vậy, cách mà họ thường làm để hòa nhập cộng đồng hay đi tìm việc làm có công thức chung là làm giấy tờ giả, lót tay và cố ém giọng bằng cách nói giọng gió để che mắt mọi người.
Thời gian gần đây, Tổ chức ICS TP.HCM (nhóm đại diện cho cộng đồng LGBT - người đồng tính, song tính và chuyển giới) đã có nhiều hội thảo nhằm giúp đỡ cộng đồng về vấn đề này.
Cụ thể là các hội thảo về quyền được kết hôn đồng tính, quyền thừa kế, sử dụng giấy tờ tùy thân trong các mối quan hệ xã hội như người dị tính. Khi chúng tôi tham dự những cuộc hội thảo này, hầu hết những người trong mạng lưới LGBT đều tha thiết gửi đến các đại biểu Quốc hội thông điệp được pháp luật hiện hành thừa nhận “bản gốc” của mình. Cho đến nay ở Việt Nam và một số nước khác, vấn đề hôn nhân đồng tính cũng như thừa nhận người chuyển giới trên giấy tờ hợp pháp vẫn còn nhiều tranh cãi.
Chính vì vậy, để “lách luật”, những người chuyển giới thường phải mưu sinh bằng những nghề đặc thù, tách biệt với cộng đồng. Khi viết loạt bài này, chúng tôi bị ám ảnh bởi câu nói của Jessica: “Liều như pêđê, chết sớm không thành vấn đề!”. Phải chăng những người như Jessica như con diều bay tới ước mơ rồi đành dứt bỏ sợi dây nối với đồng loại của mình?