Chiều 5/5, HĐXX TAND TP Hà Nội xét hỏi các bị cáo liên quan vụ buôn lậu hơn 255.000 điện thoại, máy tính bảng và sản phẩm công nghệ trị giá trên 2.900 tỷ đồng, xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.
Trả lời chủ tọa, bị cáo Bùi Quốc Việt (51 tuổi, anh trai của Tổng giám đốc Bùi Quang Huy) khai từ nhiều năm nay, ông ta và em trai không liên lạc gì với nhau.
Anh trai của ông chủ Nhật Cường từng sống ở Đức
"Bị cáo cũng không biết Huy đang ở đâu, làm gì", Việt nói và cho biết không rõ Bùi Quang Huy có liên lạc với gia đình, người thân hay không.
Theo lời khai, từ năm 19 tuổi, bị cáo đi xuất khẩu lao động ở Đức. Năm 2005, ông ta về nước. Bốn năm sau, Việt đến làm nhân viên trông xe ngoài vỉa hè cho Công ty Nhật Cường với mức lương hơn một triệu đồng mỗi tháng.
Bị cáo không được giao công việc cụ thể, khi nào nhân viên Nhật Cường nhờ giúp đỡ thì Việt hỗ trợ.
Bùi Quốc Việt bị cáo buộc đồng phạm với Tổng giám đốc Nhật Cường. Ảnh: Hoàng Linh. |
Năm 2012, Bùi Quốc Việt được em trai Bùi Quang Huy giao hàng ngày đi lấy tiền bán hàng ở các cửa hàng của Nhật Cường khắp Hà Nội, về giao cho thủ quỹ hoặc nộp vào tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, Việt nhiều lần còn thay Nông Văn Lư (lái xe của Nhật Cường) đi gặp các đường dây vận chuyển hàng lậu để lấy hàng đưa về kho của công ty trên phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm.
"Bị cáo có 4 lần thay Nông Văn Lư đi lấy hàng, khi giao nhận không có hóa đơn hay chứng từ", Việt thừa nhận song khai không biết giá trị và nguồn gốc của các sản phẩm liên quan Công ty Nhật Cường.
Theo cáo buộc, từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2019, Bùi Quốc Việt đã giao dịch số hàng lậu gồm gần 1.500 điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad các loại.
VKS xác định Bùi Quốc Việt là đồng phạm, giúp sức cho Bùi Quang Huy nên phải chịu trách nhiệm hình sự do buôn lậu hàng hóa trị giá gần 7,5 tỷ đồng.
Sếp Nhật Cường không biết công ty nhập hàng lậu
Bị HĐXX chất vấn chiều nay, Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) khai giai đoạn 2011-2012, doanh nghiệp này phát triển hệ thống bán lẻ. Nguồn hàng chủ yếu lấy từ các nhà cung cấp trong nước của các hãng Nokia, Samsung và nhập từ nước ngoài.
Trước tháng 7/2015, mọi hoạt động kinh doanh do Bùi Quang Huy phụ trách. Sau khi Huy mở rộng thêm mảng phần mềm, Ánh được giao phụ trách liên hệ với các nhà cung cấp.
"Tìm kiếm, móc nối với các nhà cung cấp đều do Bùi Quang Huy thực hiên. Huy cũng lập các nhóm chát thông qua ứng dụng Whatsapp, Wechat để trao đổi với các nhà cung cấp", Ánh thừa nhận Công ty Nhật Cường đã buôn lậu hơn 2.500 sản phẩm như cáo trạng quy kết.
14 bị cáo có mặt hầu tòa. Riêng Mai Tiến Dũng chết trước ngày xét xử nên HĐXX đình chỉ vụ án đối với bị cáo này. Ảnh: N.H. |
Còn Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) khai được tổng giám đốc phân công làm đầu mối chuyển tiền cho các nhà cung cấp hàng lậu.
Quá trình giao dịch, bị cáo đã đưa trực tiếp cho Ngô Xuân Sửu, nhà cung cấp Công ty Miền Tây, hơn 200 tỷ đồng. Đối với các nhà cung cấp khác, Ngọc thanh toán thông qua trung gian hoặc qua tiệm vàng Lộc Phát (ở phố Hà Trung, Hà Nội) để chuyển 1.729 tỷ và tiệm vàng Thuận Phát (trên phố Hàng Dầu) số tiền 795 tỷ.
"Bị cáo làm theo chỉ đạo của cấp trên là Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh. Bị cáo không biết việc công ty nhập hàng lậu", Nguyễn Bảo Ngọc trình bày.
Trả lời thẩm vấn, nữ giám đốc tài chính của Công ty Nhật Cường thừa nhận cáo buộc buôn lậu. Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận việc vi phạm quy định về kế toán do bà ta không được giao quản lý, phụ trách phần mềm kế toán.
Ngày mai (6/5), HĐXX và đại diện VKS tiếp tục xét hỏi các bị cáo.
VKS xác định từ năm 2014, Bùi Quang Huy chi hơn 72 tỷ để thuê 9 đường dây buôn lậu xuyên quốc gia vận chuyển hàng lậu từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không, đường bộ và đường biển.
Sau khi đưa hàng lậu trót lọt vào nội địa, Huy chỉ đạo tập kết hàng hóa tại trụ sở Công ty Nhật Cường ở quận Hoàn Kiếm. Giai đoạn 2014-2019, các bị can thông qua hệ thống cửa hàng của công ty, tiêu thụ hơn 253.000 sản phẩm lậu, hưởng lợi bất chính trên 220 tỷ.
Huy còn chỉ đạo cấp dưới lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi các hoạt động kinh doanh của công ty. Trong đó, số liệu về vốn, doanh thu và lợi nhuận được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ. Còn phần mềm MISA dùng để lưu trữ số liệu về báo cáo thuế, báo cáo tài chính để kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước.
VKS đánh giá các bị can dùng 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu doanh thu thật. Hành vi trốn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng.