Vùng đất của suối và thác
Chuyển đến Cao Bằng sinh sống và làm việc, Trần Thu Quỳnh (26 tuổi, quê ở Hà Nội) rung động trước khung cảnh mộc mạc của mùa đông, sau khi lúa đã gặt hết. Nằm tại huyện Trùng Khánh, Bản Giốc là thác nước tự nhiên nằm trên đường biên giới Việt - Trung, chia thành nhiều tầng với dòng chảy ồ ạt. Trên mặt hồ, hơi nước bốc lên thành một khoảng sương mù và dần tan khi nắng chiếu vào. Điểm nhấn của Cao Bằng là dòng suối Lê Nin (huyện Hà Quảng) được bao phủ bởi rừng nguyên sinh. Ở nhiều đoạn, nước loang màu kì ảo từ xanh nhạt đến xanh ngọc bích đậm, dễ dàng nhìn thấy nhiều đàn cá bơi lội giữa hốc đá. "Cụm từ 'non xanh nước biếc' sinh ra chắc chắn dành cho Cao Bằng", nữ du khách bày tỏ.
Đồi cỏ cháy đẹp như phim
Đi qua mùa thu, khi thời tiết hanh khô, cỏ úa ở đồi Ba Quáng (xã Vinh Quý) bắt đầu chuyển màu. Theo Thu Quỳnh, để ngắm bao quát không gian, du khách phải leo bộ khoảng 15 phút từ chân đến đỉnh đồi. Đứng tại vị trí cao nhất, thu vào tầm mắt là những ngọn đồi màu vàng cam và con đường mòn uốn lượn. Thời gian chụp ảnh đẹp tại đây khoảng 6-8h hoặc 16-17h, khi ánh nắng chiếu rọi làm màu cỏ thêm rực rỡ. Mỗi mùa cỏ cháy kéo dài khá lâu, nhưng ngọn đồi này thường được người dân chăn nuôi gia súc đốt cỏ sớm, du khách nên đến trước Tết Nguyên đán để có những bức ảnh đẹp nhất.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.