Sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả mẹ và thai nhi. Ảnh: Theasianparent. |
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus sốt xuất huyết lây truyền qua vết đốt của muỗi Aedes bị nhiễm bệnh. Mắc sốt xuất huyết khi mang thai rất nguy hiểm vì có thể lây sang con, điều này có khả năng gây tử vong.
Triệu chứng sốt xuất huyết khi mang thai
Theo tạp chí Baby Center, phụ nữ mang thai dễ bị sốt xuất huyết nặng hơn do số lượng tiểu cầu trong máu giảm nghiêm trọng. Căn bệnh này có thể cản trở việc sinh nở tự nhiên, nguy cơ cần sinh mổ tăng. Sốt xuất huyết cũng liên quan đến tiền sản giật (huyết áp cao), xuất huyết cho phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, những ảnh hưởng có thể xảy ra của bệnh sốt xuất huyết đối với thai nhi bao gồm: Trẻ có thể bị sốt xuất huyết bẩm sinh, sinh non, sinh nhẹ cân, nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu. Nếu bạn bị sốt xuất huyết khi đang mang thai, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt với chế độ ăn uống của mình và làm theo bất cứ điều gì bác sĩ khuyên bạn.
Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc nặng. Các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ bao gồm: Sốt cao; buồn nôn và ói mửa; phát ban (thường ở lòng bàn tay và lòng bàn chân kèm theo ngứa, sưng); đau mắt, cơ và khớp; viêm tuyến; đau đầu.
Các triệu chứng nhẹ sẽ hết trong vòng 2-7 ngày, nhưng các trường hợp sốt xuất huyết nặng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến sốc (giảm huyết áp đột ngột), chảy máu trong và tử vong. Các triệu chứng sốt xuất huyết nghiêm trọng thường bắt đầu từ 24 đến 48 giờ sau khi hết sốt. Một số dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết nặng là:
- Đau bụng dữ dội và đau người.
- Nôn ít nhất ba lần trong vòng 24 giờ.
- Chảy máu từ nướu răng hoặc mũi.
- Khó thở.
- Có máu trong chất nôn, nước tiểu hoặc phân.
- Mệt mỏi, bồn chồn và khó chịu.
Nếu bạn đang mang thai và nghĩ rằng mình có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết hoặc nghiêm trọng, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng.
Sốt xuất huyết có thể khiến phụ nữ mang thai gặp nhiều nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Ảnh: Mamaclubhk. |
Điều trị sốt xuất huyết
Không có thuốc đặc hiệu để điều trị các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ khi mang thai. Bạn có thể dùng acetaminophen (hay paracetamol) để giúp hạ sốt. Người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng chảy máu.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần uống nhiều nước để ngừa mất nước. Nếu bạn cảm thấy tồi tệ hơn sau khi hết sốt - ví dụ, bắt đầu nôn mửa hoặc đau bụng dữ dội - hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu biến chứng nặng, bạn có thể phải nhập viện để được theo dõi huyết áp và cần truyền tĩnh mạch để bù chất lỏng, chất điện giải cũng như truyền máu khi mất máu.
Ngoài dịch truyền tĩnh mạch, một số phụ nữ mang thai có số lượng tiểu cầu thấp được dùng thuốc giảm co, nhằm ngăn chặn các cơn co thắt cho đến khi truyền tiểu cầu ở mức an toàn để sinh con. Khi được chẩn đoán sớm, bệnh sốt xuất huyết nặng có thể được điều trị hiệu quả theo cách này.
Cách tránh sốt xuất huyết khi mang thai
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đặc biệt là nguy hiểm tăng gấp đôi, cho cả mẹ và bé. Dưới đây là một số lời khuyên để bảo vệ phụ nữ mang thai khỏi bệnh sốt xuất huyết:
- Luôn mặc quần áo dài tay, bảo vệ đặc biệt khi bạn ở ngoài trời.
- Tránh ở lâu nơi ẩm thấp, đây là nơi muỗi sốt xuất huyết sinh sản ở đó.
- Sử dụng thuốc chống muỗi thân thiện với bà bầu cũng như mắc màn, đặc biệt là khi ngủ.
- Giữ môi trường trong nhà sạch sẽ, trong lành, không để đọng nước.
- Ở trong những nơi có điều hòa hoặc không gian trong nhà mát mẻ, đặc biệt là vào thời gian muỗi hoạt động mạnh như bình minh, hoàng hôn.
- Uống đủ nước và ăn uống tốt để tăng cường hệ thống miễn dịch.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.