“Em yêu, anh nhớ em rất nhiều”.
”Em cũng nhớ anh”.
“Anh muốn trông thấy gương mặt của em. Giờ đã đỡ hơn chưa?”.
“Ổn hơn rồi. Chỉ có một vết thương nhỏ”.
“Anh muốn ôm em vào lòng”.
“Em cũng vậy”...
Đó là ngày 4/2, 11 hôm kể từ khi Chen Ying - y tá tại Bệnh viện liên kết thứ tư của Đại học Y khoa Chiết Giang, Trung Quốc - dấn thân vào khu vực cách ly để chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus corona.
Đứng cách nhau lớp kính cách ly, Chen Ying và bạn trai nhìn nhau dịu dàng, hỏi thăm sức khỏe và bày tỏ nỗi nhớ nhung qua điện thoại. 11 hôm Chen nhận nhiệm vụ nguy hiểm cũng là chừng đó ngày đôi trẻ xa cách.
Chàng trai cầm trên tay món súp cá trê và nhiều món ăn nhẹ khoái khẩu của bạn gái. Giọng anh vẫn chưa hết lo lắng: “Mắt em có quầng thâm kìa, người cũng ốm đi nữa. Không phải em chỉ còn 40 kg thôi đấy chứ?”.
Nụ hôn qua tấm kính cách ly sau đó khiến đôi mắt cả hai nhòe đi, cay đỏ.
Nụ hôn qua tấm kính cách ly của đôi trẻ Trung Quốc khiến dân mạng xúc động mạnh. Ảnh: China News. |
Chen Ying và nửa kia dự định tổ chức hôn lễ vào ngày 14/2. Tuy nhiên, dịch virus corona bùng phát khiến mọi kế hoạch phải tạm hoãn.
Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, Chen nhận được thông báo khẩn cấp từ bệnh viện. Nữ y tá không có đủ thời gian để giải thích với từng thành viên trong gia đình và chào tạm biệt người yêu. Cô lập tức trở lại bệnh viện để chuẩn bị bước vào tiền tuyến chống dịch.
Chen và bạn trai đã giao ước ngay khi dịch bệnh kết thúc, việc đầu tiên họ làm là đi đăng ký kết hôn.
Câu chuyện của Chen Ying chỉ là một trong hàng chục câu chuyện tình yêu được chia sẻ trong mùa dịch viêm phổi cấp, tất cả đều có điểm chung là lấy đi nước mắt của nhiều người và được gọi là những “tình yêu đẹp đẽ” khi hạnh phúc cá nhân được đặt sau việc cứu người, chống dịch.
Trao lời thề trăm năm qua video call
“Chúng ta kết hôn đi. Anh muốn xây dựng gia đình với em”, cảnh sát cứu hỏa Qin Dushan (28 tuổi) nói lớn với bạn gái Wang Lingling là một y tá qua màn hình điện thoại.
“Em đồng ý”, Wang xúc động đáp lại.
Đám cưới đơn giản của Qin Dushan và Wang Lingling qua video call. Ảnh: Surging News. |
“Tôi tuyên bố Wang Lingling và Qin Dushan chính thức là vợ chồng. Hy vọng hai bạn sẽ dành trách nhiệm và nhiệt huyết của mình vào công việc gian khó phía trước. Chúc các bạn hạnh phúc”, “chủ hôn” là một đồng nghiệp của hai người phát biểu.
Đó là đám cưới qua cuộc gọi video của đôi trẻ cùng nhận nhiệm vụ chống dịch ở Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 1/2 - thời điểm họ ấn định về chung một nhà từ trước.
Không muốn bỏ lỡ ngày đẹp đã chọn vì dịch corona, hôn lễ đơn giản diễn ra trong 5 phút. Không hoa, không nhẫn cưới, cô dâu - chú rể trao lời thề ước qua màn hình điện thoại trước sự chứng kiến của 10 đồng nghiệp.
“Sau khi hết dịch, chúng tôi vẫn sẽ tổ chức một đám cưới chính thức để mời bạn bè, họ hàng tới chung vui”, chú rể Qin Dushan cho biết.
Đều bận rộn với nhiệm vụ chống dịch ở thành phố Thẩm Dương, Yang Lu - sĩ quan công tác tại đồn công an ở quận Đại Đông - và bạn gái Lu Meng - y tá của đơn vị chăm sóc đặc biệt thuộc Bệnh viện Nhân dân số 10 Thẩm Dương - không thể tổ chức hôn lễ vào tháng 1 như đã định từ trước.
Biết tin hôn thê chuẩn bị vào khu cách ly của bệnh viện làm nhiệm vụ, tối 5/2, Yang Lu lặng lẽ đến nơi làm việc của Lu Meng, mang theo bó hoa và bất ngờ lớn.
Trước sự xúc động của nửa kia, Yang Lu dịu dàng đeo nhẫn cưới vào ngón áp út của cô. Sau đó, hai người ôm nhau thật chặt. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, đôi trẻ tạm biệt nhau để trở lại với nhiệm vụ.
Mỗi ngày Yang kiểm tra, giám sát tình hình của mọi người trong khu dân cư, đồng thời tham gia nhóm tuyên truyền kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng.
Anh cũng thường ghé thăm và mang nước, thức ăn cho một ông cụ nhiều năm sống neo đơn, không ai chăm sóc trong thành phố. Sĩ quan trẻ cũng thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể và khử trùng chỗ ở để đảm bảo an toàn cho cụ.
Bên cạnh đó, Yang cũng chủ động tìm mua các vật dụng bảo hộ và trực tiếp kiểm tra chất lượng trước khi cung cấp cho đơn vị để giảm bớt gánh nặng thiếu trang thiết bị phòng dịch.
Cũng xông pha làm nhiệm vụ ở tiền tuyến chống dịch như hôn phu, Lu Meng chưa từng rời xa nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus corona kể từ cuối tháng 1.
Chàng cảnh sát trao nhẫn cưới cho hôn thê trước khi cô vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Ảnh: Shenyang Daily News. |
“Sau này hết dịch, tôi chắc chắn sẽ bù đắp cho cô ấy”
Giữa tình hình phức tạp của dịch virus corona, chủ trương hoãn đám cưới, đơn giản hóa lễ tang để tránh tụ tập đông người được chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc vận động người dân.
Người Trung Quốc quan niệm hoãn cưới là điều xui, bởi vậy, nhiều hôn lễ vẫn diễn ra theo khuyến cáo của chính quyền địa phương - đơn giản, nhanh chóng, không mời khách và luôn sử dụng khẩu trang.
Đó là ngày vui của Li Zhiqiang - bác sĩ tại Bệnh viện Thứ hai Đại học Sơn Đông (Tế Nam, Trung Quốc) - cùng cô dâu Yu Hongyan hôm 30/1. Thay vì tổ chức đình đám với hàng trăm khách mời, hôn lễ chỉ diễn ra trong vòng 10 phút với sự có mặt của 3 người gồm cha mẹ chú rể và chủ hôn.
Vì dịch bệnh, gia đình nhà gái không có ai đại diện góp mặt. Sau nghi thức cưới gọn lẹ, chú rể vội vã trở lại Tế Nam làm việc, thậm chí không kịp ăn bữa cơm trưa với vợ mới cưới.
Tuy nhiên, cô dâu mới cưới không thế mà chạnh lòng.
“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất bây giờ là trở thành hậu phương vững chắc để chồng tôi có thể trở lại tiền tuyến làm việc với sự an tâm”, chị Yu Hongyan nói.
Hai cặp đôi Li Zhiqiang - Yu Hongyan (trái) và Zhang Long - Chen Xiao có hôn lễ đặc biệt trong mùa dịch viêm phổi cấp. Ảnh: Weibo. |
Cũng không muốn bỏ lỡ ngày đẹp, đôi Zhang Long và Chen Xiao (sống tại tỉnh Sơn Đông) có đám cưới đặc biệt vào hôm 6/2. Zhang đeo khẩu trang và lái xe đến nhà hôn thê ở thành phố Thanh Đảo.
Hôn lễ được tổ chức tại sân nhà cô dâu, lược bỏ đi khá nhiều thủ tục (50 bàn tiệc, 20 chiếc xe cưới và 4 cặp phù dâu, phù rể) và chỉ gồm 6 người, trong đó bố cô dâu làm chủ hôn còn mẹ cô là người chụp ảnh.
"Vì đeo khẩu trang suốt buổi lễ, tôi thậm chí còn không biết màu son của cô ấy", chú rể nhớ lại.
Hôn lễ kéo dài không quá 2 phút. Chủ hôn nói rất nhanh. Tân lang - tân nương cúi đầu bái trời đất, bố mẹ và chào nhau. Cả hai thậm chí không có cơ hội đọc lời thề ước.
"Mọi thứ đã bị hủy bỏ. Anh ấy chỉ chi khoảng vài trăm nhân dân tệ để cưới tôi. Nhưng không sao, miễn anh ấy là người đàn ông phù hợp", cô dâu Chen Xiao nói.
Trên đường rước dâu, cô dâu chú rể đã được đo thân nhiệt tại 3 trạm kiểm dịch.
Ngày 27/1, đám cưới tương tự của cặp Sun Wenlong - Liu Miaomiao cũng diễn ra ở Thanh Đảo. "Khi dịch bệnh kết thúc, tôi chắc chắn sẽ bù đắp cho cô ấy", chú rể nói.
Mai mối online lên ngôi
Với những ông bố bà mẹ Trung Quốc có con ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - lúc nhiều thanh niên độc thân trở về quê đoàn tụ với gia đình - vốn được coi là thời điểm vàng để giúp con cái tìm kiếm, gặp gỡ một người phù hợp để kết hôn.
Trong mùa dịch bệnh, một số phụ huynh tìm kiếm sự trợ giúp từ các phương tiện trực tuyến vì lo sợ sự lây lan của virus. Nhiều người trẻ được sắp xếp "xem mắt" bằng cách gọi video dưới sự giám sát của cha mẹ.
"Thật là khó xử. Nó chẳng khác gì một cuộc phỏng vấn xin việc trực tuyến hoặc tham dự hội họp video của công ty tôi", Jessie (30 tuổi, ở tỉnh Hồ Nam) nhớ lại cuộc gặp gỡ trước chiếc laptop với đối tượng được cha mẹ sắp đặt.
Dù không hề hứng thú, Yan - chàng trai đã thất bại sau hàng loạt cuộc gặp trực tiếp - vẫn nghe lời phụ huynh với kế hoạch xem mắt online để đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh mà vẫn không lỡ dở chuyện trăm năm.
Với anh, tham dự một buổi xem mắt chỉ là việc nhỏ, điều quan trọng là không làm phiền lòng đấng sinh thành trong những ngày đoàn tụ gia đình ngắn ngủi.
Theo báo cáo của trang web mai mối Zhenai vào năm 2018, dù đối mặt với nhiều áp lực vì những cuộc hẹn xem mắt đầu năm, hơn 80% người được khảo sát cho biết họ có thể hiểu cha mẹ mình nhưng chỉ 44% chịu đến các buổi gặp mặt này. Ảnh: Sixth Tone. |