![]() |
Rừng Amazon phải chịu mức nước thấp kỷ lục do hạn hán nghiêm trọng, tình hình càng nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. |
Trong bức ảnh nổi bật, 3 người ngư dân đang đi bộ về nhà ở khu Vila de Pesqueiro. Họ trở về từ Manacapuru, cách Manaus - thủ phủ bang Amazonas - khoảng 100 km. Đáng chú ý là họ không đi trên bờ sông, mà đi giữa lòng sông đã khô cạn, phủ đầy cát. Trời nóng 40 độ C. Khung cảnh như một sa mạc, dù nơi này vốn phải là sông nước.
Tấm ảnh được chụp vào tháng 10/2024, khi con sông Solimões - đoạn sông Amazon chảy qua Brazil, Colombia và Peru - đã cạn trơ đáy. Trước đây, con sông từng chảy sát nhà dân, nhưng vì mưa ít, nước sông đã rút xa đến 2 km.
“Họ phải đi bộ 45 phút mới tới nhà, trong điều kiện khắc nghiệt”, Nolte kể qua điện thoại với tờ El País. Tại thời điểm đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Brazil ghi nhận mực nước sông hạ trung bình 19 cm mỗi ngày.
Cảnh tượng gây sốc
Bức ảnh chụp từ trên cao, ghi lại cảnh 3 ngư dân đi bộ giữa lòng sông cạn, là tấm yêu thích nhất của Nolte trong loạt ảnh đạt giải. “Đối với tôi, nó rất quan trọng vì cho thấy các khía cạnh của quy mô con người, những gì con người đại diện trong một lãnh thổ rộng lớn như vậy”, anh nói.
Musuk Nolte, 37 tuổi, đã làm nhiếp ảnh tài liệu suốt 18 năm, tập trung vào ký ức lịch sử, biến đổi khí hậu và cộng đồng bản địa. Trong 5 năm qua, anh theo đuổi dự án mang tên Địa lý của nước, ghi lại mối quan hệ giữa con người và nước ở nhiều vùng khác nhau.
Ban đầu, anh đến Iquitos (Peru) để ghi lại tình trạng hạn hán. Nhưng khi nói về Amazon, theo anh, ranh giới quốc gia không còn quan trọng vì thiên nhiên vượt xa những giới hạn đó. Anh và một người bạn nhiếp ảnh cùng đến Manaus, nơi tình hình sông cạn nghiêm trọng nhất.
![]() |
Một người đàn ông kéo thuyền qua vùng nước nông ở giữa một con sông gần cộng đồng São Francisco de Marina khi mực nước ở các con sông địa phương xuống thấp. |
Trước khi đến, anh đã xem nhiều ảnh và theo dõi dữ liệu. Nhưng khi đặt chân đến nơi, anh sốc: “Trông như một sa mạc. Nhưng khi bạn biết đây là Amazon, thì cảm giác rất lạ, rất sai. Mọi thứ thật u ám, như thể tôi đang chứng kiến một khoảnh khắc Trái Đất thay đổi mạnh mẽ”.
Musuk Nolte đã dành gần một tháng để ghi lại những bức ảnh tại khu vực này, nhờ hỗ trợ từ Quỹ Bertha. Thời điểm đó, Manaus đang trải qua đợt mực nước thấp nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 1902. Hơn 480.000 người bị ảnh hưởng bởi hạn hán, theo cơ quan phòng vệ dân sự bang Amazonas.
Riêng sông Solimões rơi vào tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất, khiến nhiều ngôi làng lân cận không còn lương thực, nước uống hay phương tiện di chuyển. Mực nước sông khi đó chỉ còn khoảng 3 m.
Người dân sống ở đây vốn quen với việc sông ngòi thay đổi theo mùa, nhưng đợt hạn hán này vượt ngoài dự đoán.
Nolte giải thích: “Ở đây, con sông giống như một xa lộ khổng lồ. Đây là nơi mọi người đi chợ, đi làm, đến bệnh viện hoặc đến trường. Khi không còn nước, người ta bắt đầu tự hỏi: Liệu có nên rời bỏ nơi ở của mình hay không?”.
Khi những nhánh sông nhỏ bị cạn, người lái thuyền từ chối hoạt động, mọi người không thể đến bệnh viện.
Sẽ còn tiếp diễn
Theo báo cáo của UNICEF công bố tháng 11/2024, đợt hạn hán đã khiến 420.000 trẻ em tại Peru, Brazil và Colombia không có đủ nước, thực phẩm và bị gián đoạn việc học.
Lưu vực sông Amazon - khu vực trải dài qua Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Peru và Venezuela - ghi nhận mực nước thấp kỷ lục, ảnh hưởng đến vận tải đường sông, tiếp cận lương thực, dịch vụ và thuốc men của hơn 47 triệu người, theo Bản tin Hạn hán Nam Mỹ do Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Hiện tượng El Niño (CIIFEN) công bố.
![]() |
Cordeiro Freitas giúp mẹ mang thức ăn từ bến thuyền đến cộng đồng ngư dân ở Maracapuru. |
Tất cả những điều đó được phản ánh trong bức ảnh đầu tiên thuộc loạt ảnh giúp Nolte giành giải World Press Photo (Ảnh Báo chí Thế giới) khu vực Nam Mỹ. Bức ảnh cho thấy một chàng trai trẻ mang đồ ăn đến cho mẹ mình ở Manacapuru. Để làm điều đó, anh phải đi bộ 2 km trên con đường mà trước kia mình từng chèo thuyền.
Một bức ảnh chụp từ trên cao khác ghi lại dấu vết các con thuyền cố di chuyển, để lại những vệt dài như “vết sẹo trên mặt đất”. Cũng có thể thấy nhiều căn nhà từng là nhà thuyền nay bị mắc cạn.
Sau khi Nolte chụp xong loạt ảnh, mưa trở lại và mực nước sông dâng cao. “Giờ thậm chí đã vào giai đoạn ngập lụt”, anh chia sẻ.
Nhưng điều khiến anh trân trọng giải thưởng không chỉ là danh hiệu, mà là cơ hội để kể một câu chuyện lớn về biến đổi khí hậu. “Tôi muốn tìm đến những điểm cực đoan - nơi chúng ta có thể nhìn rõ điều gì sắp xảy ra. Thực ra nó đã xảy ra rồi, và sẽ còn tiếp diễn”, anh cho hay.
Trong dự án Địa lý của nước, Nolte cũng đã ghi lại nhiều khủng hoảng khác liên quan: khan hiếm nước ở Lima trong đại dịch; hạn hán tại hồ Titicaca ở vùng cao Puno (cao 3.812 m); lũ lụt ở vùng Amazon thuộc Ucayali; và một vụ tràn dầu ở biển Peru - dự án đã mang về cho anh một giải World Press Photo khác vào năm 2023.
Nước là thứ kết nối mọi miền. Ở trường, chúng ta học về vòng tuần hoàn nước: nước bốc hơi ở biển, thành băng trên núi, rồi tan ra chảy về sông suối và quay lại biển. Nhưng khi mở vòi và có nước chảy, mấy ai lại thực sự nghĩ đến điều đó.
Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.