Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Anh Tây shipper' phát cơm từ thiện cho người nghèo ở TP.HCM

Hơn 3 tháng nay, Percy Smith cùng nhóm bạn chạy xe máy khắp các tuyến đường ở trung tâm thành phố để phát hàng trăm phần ăn miễn phí cho người vô gia cư, bán vé số, xe ôm.

Tấp sát chiếc xe máy vào lề đường, Percy Smith đánh thức người đàn ông bán vé số đang nằm dài trên băng ghế trạm xe bus bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình: “Chú ơi, cơm ạ”.

Người đàn ông thoáng giật mình khi thấy chàng trai ngoại quốc đưa hộp cơm về phía mình nhưng vẫn kịp nói lời cảm ơn rồi nhận lấy.

Hơn 3 tháng qua, cứ tầm 10h30 đến 12h, Percy, thầy giáo quốc tịch Anh đã sống ở TP.HCM gần 3 năm, lại cùng nhóm bạn người nước ngoài chạy xe máy khắp các tuyến đường ở quận 10, quận 5, quận 3, quận 1 để phát hàng trăm suất cơm miễn phí cho người vô gia cư, bán vé số, xe ôm…

Những ngày đầu, hình ảnh “chàng shipper ngoại quốc” có phần xa lạ trong mắt nhiều người. Thế nhưng, sau thời gian dài gắn bó với công việc này, Percy dần trở nên thân thuộc với những người thường xuyên được anh giúp đỡ. Thay vì chỉ gật đầu cảm ơn, họ bắt đầu hỏi han, quan tâm nhiều hơn đến thanh niên người nước ngoài.

anh tay phat com mien phi tphcm anh 1

Percy Smith chạy xe máy phát hàng trăm phần ăn miễn phí cho người nghèo ở TP.HCM.

Rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn

Khoảng 6h sáng, Percy có mặt tại căn nhà trọ của anh Nguyễn Quốc Bảo (33 tuổi) ở một con hẻm trên đường Lê Hồng Phong (quận 10). Bảo là người lên ý tưởng và phụ trách phần lớn các hoạt động của nhóm thiện nguyện. Còn Percy và một số người bạn nước ngoài của anh là tình nguyện viên, chủ động liên hệ để giúp đỡ Bảo.

“Tôi biết đến Bảo khi vừa sang Việt Nam. Lúc đó, Bảo có cửa hàng cho thuê xe máy và tôi là khách hàng của anh ấy. Tôi quý mến Bảo khi anh thường tổ chức các hoạt động từ thiện, giúp đỡ cộng đồng. Trong mùa dịch này, tôi có nhiều thời gian rảnh hơn. Khi biết anh ấy tổ chức phát cơm miễn phí, tôi đã đến để hỗ trợ”, Percy nói với Zing.

Trong gian phòng rộng chưa đến 20 m2, Percy và các tình nguyện viên chia đều thức ăn chay đã được Bảo nấu sẵn ra thành 400 phần. Trong đó, 150 phần được một tình nguyện viên ở quận Bình Tân chạy xe lên nhận và đi giao ở các điểm phong tỏa. Số còn lại được Percy tự chạy xe máy đi phát ở trung tâm thành phố.

Cứ mỗi lượt, anh chở được khoảng 50 phần, phát hết lại quay xe về lấy thêm. Giữa mỗi chặng, Percy chỉ nghỉ tầm 5 phút để uống chút nước hay ăn vội ổ bánh mì, xong lại xách xe đi tiếp.

“Ở dọc đường 3/2 và Lê Hồng Phong, tôi thấy vẫn còn nhiều người chờ nhận cơm lắm. Cơm trưa chúng tôi phải phát xong trước 12h”, anh nói.

Sau nhiều tháng làm shipper giao cơm miễn phí, thầy giáo ngoại quốc đã tự tạo cho mình lộ trình di chuyển riêng. Anh nắm rõ những khúc đường nào sẽ tập trung nhiều người bán vé số, xe ôm vào ban trưa và cũng chẳng ngại “chặt hẻm” để rút ngắn quãng đường về nhà.

“Công việc này đem đến cho tôi trải nghiệm rất ý nghĩa. Mùa dịch Covid-19, ai cũng gặp khó khăn. Tôi vui vì giúp đỡ được mọi người nhưng cũng cảm thấy khá buồn khi chứng kiến mọi người phải sống như vậy”, Percy nói.

anh tay phat com mien phi tphcm anh 4

Percy và Quốc Bảo đã quen nhau được gần 3 năm, cùng nhau thực hiện nhiều chương trình từ thiện.

Những tình nguyện viên ngoại quốc

Khi mới phát cơm từ thiện mùa dịch, Quốc Bảo kể chỉ có anh và Percy cùng làm với nhau. Mỗi tuần Percy đến phụ giúp anh từ 3-4 ngày. Những hôm còn lại, Bảo tự đi chợ, nấu nướng, đóng gói thức ăn và chạy xe đi phát.

Vì ít người nên mỗi ngày chỉ có thể phát chưa đến 100 phần ăn. Bản thân Bảo từng nghĩ sẽ chỉ làm trong khả năng nên cũng không có ý định kêu gọi mọi người giúp đỡ.

“Tuy nhiên, Percy nói với mình rằng sẽ tốt hơn và cũng bớt cô đơn hơn nếu có thêm người đến giúp đỡ. Nên anh ấy giúp mình chia sẻ về hoạt động của nhóm lên Facebook và không ngờ lại được rất nhiều người, đặc biệt là những bạn nước ngoài, quan tâm, ủng hộ”, Bảo cho biết.

Nhờ bài chia sẻ, không ít người đã gửi tiền, ủng hộ gạo, rau củ cho nhóm. Số khác muốn trực tiếp góp sức giống như Percy.

Alex (Tây Ban Nha) trở thành một trong những tình nguyện viên thường xuyên của nhóm sau khi đọc được bài viết của Percy. “Trước đó, tôi cũng đã biết đến Bảo. Anh ấy là một người rất tốt, thường xuyên có những hoạt động từ thiện, cộng đồng ý nghĩa”, Alex cho biết.

Còn Cát Phi, sinh viên năm nhất trường Western Sydney Việt Nam, cảm thấy rất thích thú sau buổi đầu tiên tham gia cùng nhóm tình nguyện. “Mọi người ở đây rất thân thiện và vui vẻ. Ngày đầu tiên, mình chỉ mới phụ nhặt rau và phân chia thức ăn. Vài hôm nữa, mình tính giúp mọi người nấu nướng và chạy xe phát thức ăn”.

Bảo cho biết những ngày gần đây, anh nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn. Ban đầu có đôi phần áp lực, song khi làm với quy mô lớn và có thể giúp nhiều người hơn nữa, anh lại cảm thấy vui và có động lực hơn trước.

“Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, tôi cũng khá lo lắng khi đi lại. Tuy nhiên, cả tôi và các tình nguyện viên đều cố gắng giữ an toàn và chấp hành nghiêm quy định 5K. Quan trọng nhất là chúng tôi đang cố gắng lan tỏa sự san sẻ, thông điệp yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong mùa dịch”, Bảo cho biết.

Người thợ ảnh ở Bưu điện TP.HCM cố bám trụ với nghề trong Covid-19

Những thợ chụp ảnh dạo ở TP.HCM như ông Nguyễn Văn Diên (79 tuổi) không còn nhiều, bản thân ông cũng gặp khó khăn khi cố bám trụ với nghề, nhất là trong đại dịch.

Huệ Lâm - Gia Bảo

Bạn có thể quan tâm