Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Anh xe ôm điều tra tiêu cực ở Phú Quốc

Từng làm cán bộ xã nhưng nghỉ việc vì mâu thuẫn với con của lãnh đạo huyện, khi chạy xe ôm anh Thương đã tham gia chống tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.

Sinh năm 1967, anh Nguyễn Văn Thương theo anh trai rời quê huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào Phú Quốc lập nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. Làm việc tại một công du lịch 2 năm, anh chuyển sang công ty nuôi trồng, xuất nhập khẩu thủy sản.

Năm 1993, xã Bãi Thơm được thành lập, vài tháng sau thanh niên xứ Nghệ về đây làm cán bộ phụ trách văn hóa.

Anh Thương kể chuyện mâu thuẫn với con trai cán bộ huyện và bị mất việc. Sau đó, anh chạy xe ôm, bắt đầu hành trình chống tiêu cực đất đai ở Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.
Anh Thương kể chuyện chống tiêu cực đất đai ở Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.

"Hồi đó, Bãi Thơm là vùng rừng thiêng nước độc, không điện, không đường, lương thực thực phẩm rất thiếu thốn. Năm 1995, khi cùng anh em dự hội thao ở huyện, tôi mâu thuẫn với một thiếu niên là con của chủ tịch huyện và cuộc đời mình chuyển sang ngã rẽ khác", anh Thương nhớ lại.

Hôm ấy, anh Thương thấy người bán bánh cam đứng khóc phía sau rạp hát của nhà văn hóa Phú Quốc. Qua tìm hiểu, anh biết được con trai cán bộ có chức quyền tại địa phương này mua 9 cái bánh cam và ăn hết nhưng không trả tiền.

"Lúc đó, thiếu niên nhỏ hơn tôi hơn chục tuổi. Tôi nói với cậu ấy: 'Sao em ăn bánh của người ta mà không trả tiền, người ta bán 10 cái lời có 500 đồng'. Nói dứt câu, cậu này hỏi ngược lại 'mầy là thằng nào' rồi dùng đầu húc vào ngực tôi. Giận quá, tôi nói 'em làm vậy anh nói với ba mầy' thì nó thách tôi muốn làm gì thì làm", anh Thương kể.

Chiều cùng ngày, anh Thương được ông chủ tịch lúc bấy giờ gọi lên phòng làm việc tại UBND huyện Phú Quốc. Trò chuyện được vài câu, vị lãnh đạo trách anh Thương về việc "va chạm" với con trai của mình. 

Một ngày sau, cán bộ văn hóa xã Bãi Thơm nhận quyết định thôi việc vì "năng lực hạn chế". Lúc đó, anh Thương là một trong những người có trình độ văn hóa cao nhất xã, tình nguyện về địa phương đặc biệt khó khăn công tác.

Mất việc, không tiền, không đất nên thanh niên gần 30 tuổi ra đường chạy xe ôm. Những ngày dãi nắng dầm sương, anh Thương nghe người dân huyện đảo ta thán về một số cán bộ lạm quyền, ký duyệt cấp hàng loạt lô đất sai quy định. 

Những ngày đầu mới nghe khách phản ánh, xe ôm nghèo đã bỏ ngoài tai vì "kiến khó thắng kiện củ khoai". Tuy nhiên, một lần, hai lần, ba lần và đến lần thứ 30 thì Thương không "nhịn" được nữa, anh đưa người khách bức xúc chuyện đất đai ở bãi Bà Kèo vào quán cà phê để hỏi cho ra lẽ.

Những ngày sau đó, trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tại Phú Quốc vào giữa năm 2001, anh Thương không được mời nhưng hay tin nên đến dự. Nắm được nhiều sai trái trong việc cấp đất, anh xe ôm ở khu phố 1, thị trấn Dương Đông đã chất vấn nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc là ông Đỗ Tố hàng loạt câu hỏi nhưng không được vị lãnh đạo huyện trả lời thỏa đáng.

Kỷ luật 30 đảng viên liên quan đến tham nhũng

Qua hoạt động kiểm tra của Đảng các cấp trong tỉnh, Quảng Ngãi phát hiện và kỷ luật 30 đảng viên và hai tổ chức đảng vi phạm tham nhũng.

Không hài lòng với cách tránh né của cán bộ huyện, bằng kiến thức có được và tài liệu thu thập nhiều năm, anh Thương quyết định viết đơn gửi về đất liền. 19h một ngày đầu tháng 4/2004, chuông điện thoại của anh Thương vang lên. Từ đầu dây bên kia, ông Hồ Việt Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang ngỏ lời muốn gặp anh xe ôm ở quán cà phê.

Cuộc trò chuyện của hai người kéo dài đến 23h. Ba ngày sau, ông Dũng đến nhà anh Thương và nhờ anh tổng hợp ý kiến của dân bức xúc về đất đai, nhất là những trường hợp liên quan đến ông Đỗ Tố và Lê Minh Dũng (nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc).

Nửa tháng âm thầm ghi chép, anh Thương đưa ông Dũng danh sách cán bộ liên quan đến tố cáo của dân và chi tiết từng thửa đất được cho là có sai phạm. Sau đó, anh tiếp tục đến Phòng Tài nguyên - Môi trường để la cà theo hướng dẫn của người dẫn đầu đoàn kiểm tra tiêu cực.

Anh xe ôm Nguyễn Văn Thương được nhận giấy khen của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang sau khi tham gia chống tiêu cực. Ảnh:Việt Tường.
Anh xe ôm Nguyễn Văn Thương được nhận giấy khen của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang sau khi tham gia chống tiêu cực. Ảnh:Việt Tường.

"Quan sát 3 ngày, tôi thấy anh em ở đây cắt sổ đỏ đã in, cho vào bao rồi đốt. Tôi báo điều bất thường này cho ông Dũng biết thì anh ấy loại ra một trong 3 người đi thẩm tra hồ sơ do tôi cung cấp vì có dấu hiệu mất lòng tin", người đàn ông quê Nghệ An nói.

Những ngày được ông Dũng giao nhiệm vụ "điều tra", anh xe ôm rong ruổi khắp đảo Phú Quốc như một trinh sát công an. Sợ có người theo dõi, anh Thương thường "giương đông kích tây", nói với bạn bè đi xã Cửa Cạn nhưng bất ngờ anh đổi hướng sang Cửa Dương hoặc Hàm Ninh và ngược lại nhằm tránh tai mắt.

Liên tục hợp tác với đoàn làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang do ông Dũng dẫn đầu, nửa năm trôi qua là lúc anh Thương nở được nụ cười khi ông Đỗ Tố mất chức ngày 7/9/2004. Một tuần sau, người môi giới mua bán đất là Ngô Đình Lệ Thủy bị bắt.

Những ngày tiếp đó, công an bắt tạm giam Huỳnh Hoàng Anh (cán bộ địa chính), Trịnh Kiến Hùng, Huỳnh Văn Thanh (cùng là cán bộ địa chính huyện, xã, thị trấn), Huỳnh Văn Tâm (chuyên viên Văn phòng UBND huyện), Lê Minh Be (Chánh văn phòng UBND huyện), Nguyễn Văn Bồi (cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng và thư ký Văn phòng UBND huyện Phú Quốc là Nguyễn Ngọc Lan.

Sáng 11/11/2004, ông Đỗ Tố và Lê Minh Dũng được triệu tập đến Văn phòng Huyện ủy Phú Quốc để nghe các cơ quan chức năng đọc quyết định khai trừ Đảng và các quyết định khởi tố bị can. Ngay sau đó, Công an Kiên Giang bắt tạm giam ông Tố và cấp phó. Cùng ngày, 2 người được đưa ra sân bay, áp giải vào đất liền.

Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang xác nhận, anh Thương từng cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cơ quan chức năng. Người đàn ông 48 tuổi này vẫn còn nguyện vọng làm việc, cống hiến cho Đảng, Nhà nước. Ảnh: Việt Tường.
Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang xác nhận, anh Thương từng cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cơ quan chức năng. Ảnh: Việt Tường.

"Ra đến sân bay, ông Việt Dũng điện thoại nói với tôi rằng, 'công an đã bắt Đỗ Tố rồi, em giữ gìn sức khỏe, có thời gian anh ra thăm' và dặn tôi phải tự biết bảo vệ mình, đừng nên đi sớm về khuya. Hôm đó là ngày thứ 220 tính từ lúc đầu tiên tôi làm việc cùng ông Dũng", anh Thương chia sẻ.

Trò chuyện cùng phóng viên, ông Dũng xác nhận, hơn 10 năm trước đã trưng dụng anh Thương trong các vụ kiểm tra tiêu cực đất đai ở Phú Quốc. Theo ông Dũng, thành tích của anh Thương đáng được ghi nhận và đây là người công dân bản lĩnh.

Tháng 8/2005, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên ông Đỗ Tố 11 năm tù, Lê Minh Dũng 10 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Liên quan vụ án, các bị cáo còn lại mỗi người lĩnh từ 2 đến 6 năm tù.

Theo hồ sơ tố tụng, khi Phú Quốc được Chính phủ cho chủ trương xây dựng thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao, nhiều tổ chức, cá nhân trong nước tìm đến huyện đảo mua đất đã đẩy giá đất tại đây tăng đột biến. 

Lợi dụng tình hình này, ông Tố và Dũng đã cấu kết cùng cán bộ dưới quyền làm thủ tục hợp thức hóa nhiều khu vực đất của Nhà nước rồi cấp cho nhau. Khi vụ việc được phanh phui, hàng chục thửa đất liên quan đến sai phạm đã được thu hồi.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm