Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Anna Wintour: 'Yêu nữ tóc bob' và đế chế thời trang Vogue

Ngự trị ngai vàng thời trang hơn 30 năm, Anna Wintour vẫn là cái tên quyền lực bậc nhất làng thời trang. Một phụ nữ quyền lực, tham vọng đưa đế chế Vogue lên đỉnh cao.

G

iữ vị trí Tổng biên tập tạp chí thời trang hàng đầu thế giới Vogue Mỹ, mỗi lời nói, quyết định của bà đều trở thành xu hướng. Chính vì vậy, người mẫu nào lọt màu mắt xanh của Anna Wintour, lẽ hiển nhiên tương lai của họ đã rộng mở và có cơ hội thăng tiến trong nghề.

Nói đến Anna Wintour, mọi người đều thể hiện sự ngưỡng mộ và khao khát. Nhưng ít ai biết được rằng, trước khi trở thành một Tổng biên tập quyền lực, người đàn bà này từng gặp nhiều khó khăn và thất bại.

Bỏ học để theo đuổi đam mê

S

inh ra trong một gia đình có truyền thống làm báo, từ nhỏ, Anna Wintour đã quen những khái niệm liên quan đến tạp chí. Bố cô, ông Charles Wintour là Tổng biên tập tờ báo London Evening Standard nổi tiếng lúc bấy giờ. Chính vì vậy, những công việc như dàn trang, thiết kế tờ báo đã ăn sâu trong tiềm thức của cô bé tóc vàng. 

ba dam thep Anna Wintour anh 1
Mái tóc bob thương hiệu Anna đã theo bà từ năm 15 tuổi đến giờ.

Nhiều người nghĩ rằng với lợi thế này, Anna hoàn toàn có thể "dựa hơi" cha, tiếp quản vị trí Tổng biên tập mà ông đang giữ. Nhưng không, cô bé Anna Wintour bộc lộ khả năng tự lập từ rất sớm. Cô không hài lòng với việc dựa dẫm một ai đó để thành công trong nghề. Đó là suy nghĩ của một cô bé mà sau này là một "bà hoàng" lừng lẫy của giới thời trang.

Năm 1970, lúc ấy Anna 21 tuổi. Bà quyết định bỏ học, khởi đầu sự nghiệp làm tạp chí với công việc trợ lý biên tập cho tờ Harpers & Queen. Làm việc ở đây không được bao lâu, bà bị trục xuất khi thực hiện bộ ảnh thời trang tái hiện bức tranh của Renior và Manet mà ở đó bởi những người mẫu mặc go-go boots.

"Chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc biết tất cả về thời trang hoặc chẳng biết gì cả".

- Anna Wintour -

Chặng đường chinh phục ngôi vị cao của "Yêu nữ" lắm chông gai, bà liên tục làm việc cho nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau. Trong vòng 10 năm (1970-1980), Anna liên tục thay đổi công việc. Từ làm biên tập viên cho tờ Harper's Bazaar New York đến tờ Viva và sau đó là tờ Savvy. 

Tuy nhiên, "bà đầm thép" đã không gặp thời khi liên tục nhìn những tờ tạp chí mình làm việc chịu cảnh lên xuống thất thường. Tưởng chừng, mình đã chọn con đường sai lầm nhưng bà không nản chí, tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu hướng đi mới, cứu rỗi số phận của những tạp chí thời trang.

Đưa Vogue thành tạp chí hàng đầu thế giới

B

ước ngoặt để đưa một bà cô khó tính đi từ nhiều tờ tạp chí khác nhau đến "bà đầm thép quyền lực nhất làng thời trang" là vào năm 1985. Bà trở thành biên tập viên thời trang cho tờ Vogue Anh thay thế cho Beatris Miller, một nhân vật lão làng của giới tạp chí. Trong thời gian này, bà nghiên cứu một số xu hướng và cố gắng đưa vào hiện thực nhưng không thành công. 

Năm 1987, Anna mua lại tờ House & Garden, may mắn cũng không mỉm cười với "bà đầm", dù mọi thứ bà đã chuẩn bị kỹ càng. Kết quả, tờ tạp chí bị đình bản sau 10 tháng phát hành trong vất vả.

Như thấy được tiềm năng của bà đầm thép, năm 1988, đội ngũ Giám đốc mời Anna về giữ vị trí Tổng biên tập cho Vogue Mỹ. Lúc này, tờ Vogue đứng trước nguy cơ chìm vào quên lãng trước sự vươn lên của Elle. Bà đầm thép đã vực dậy Vogue Mỹ một cách ngoạn mục.

ba dam thep Anna Wintour anh 2
Trang bìa Vogue đầu tiên do Anna Wintour đảm nhiệm.

Bà đã xây dựng đế chế Vogue một cách rất... Anna, không theo quy củ, chuẩn mực nào mà các tạp chí đương thời theo đuổi. Đỉnh điểm, vào tháng 11/1988, bà có quyết định táo bạo và giúp trang bìa số tạp chí này trở thành kinh điển của làng tạp chí. Người mẫu mới nổi Michaela Bercu mặc áo đính đá của Christan Lacroix giá 10.000 USD phối với quần jean giá... 50 USD.

Cú hích này ngay lập tức trở đưa tên tuổi Christan lên tầm cao mới. Số báo này đạt mức kỷ lục bán ra. Báo chí đánh giá: "Thời của Anna đã đến. Cô ấy đã tìm thấy đế chế của riêng mình". Thật vậy, Vogue dần lấy lại vị trí thượng tôn mà cho đến nay chưa một tờ tạp chí nào vượt qua được.

Tháng 9/1989, Anna Wintour "mạo hiểm" để người mẫu da màu Naomi Campbell lên trang bìa ấn phẩm quan trọng nhất của tờ Vogue. Đây là quyết định táo bạo nhất của bà đầm thép, bởi sự kỳ thị chủng tộc ở giai đoạn này trong làng mẫu rất gay gắt. Không ngờ, ấn phẩm này thành công ngoài mong đợi, mang lại doanh thu khổng lồ cho Vogue.

Thừa thắng xông lên, Anna tiếp tục thể hiện cái tôi phóng khoáng khi đưa người mẫu trẻ Claudia Schiffer để mặt mộc, gợi tình để lên trang bìa tháng 10/1989. Đây cũng là số báo để đời trong sự nghiệp người mẫu Đức Claudia.

Anna đã khéo phát hiện người tài, mà không bao lâu sau này cả Naomi Campbell và Claudia Schiffer đều trở thành những người mẫu thành công nhất thế giới, nằm trong "Big Six" huyền thoại của giới thời trang. Nhắc đến việc này, giới tạp chí đều thán phục khả năng nhìn người và phân tích tâm lý độc giả.

ba dam thep Anna Wintour anh 3
"Bà đầm thép" luôn ngồi vị trí đầu trong tất cả các show thời trang.

Trong khoảng thời gian từ 1989 đến 2007, bà đã nghiên cứu và phát triển nhiều ấn phẩm khác nhau như Teen Vogue, Vogue Living và cả Men's Vogue. Các tờ như Elle, Harper's Bazzar, Cosmopolitian đều không phải là đối thủ của Vogue Mỹ.

Đến nay, đã 25 năm trôi qua, dù Vogue cũng chịu chung số phận bị đe doạ bởi sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số, nhưng đó không là điều đáng lo ngại. Tạp chí của bà vẫn sống khoẻ, thậm chí sống tốt. Phiên bản online của Vogue Mỹ trở thành điểm truy cập hàng đầu của tín đồ thời trang khắp thế giới.

"Bà đầm" tham vọng và sâu sắc

Q

uyền lực trong giới thời trang, không dừng lại ở đó, bà sử dụng ưu thế này để tham gia chính trường. Bà đại diện cho tuýp người phụ nữ gai góc và đầy tham vọng.

Năm 2008, bà đầm đưa hình ảnh nữ chính trị gia Hillary Clinton lên trang bìa, đây là hành động "ủng hộ ngầm" đối với cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.

ba dam thep Anna Wintour anh 4
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trên trang bìa Vogue Mỹ do Anna Wintour thực hiện.

Những bài viết trên tờ Vogue ít nhiều đều có liên quan đến chính trị, mà đặc biệt bà tập trung nghiêng về chính quyền ông Barack Obama. Sự ảnh hưởng rộng khắp của tờ Vogue và "quyền lực ngầm" của Anna đã hỗ trợ ông Obama rất nhiều. Thậm chí, tờ Guardian gọi bà là "Thị trưởng không chính thức của New York" để ám chỉ quyền lực của bà đầm.

Quyền lực là thế, ngoài những mảng gai góc, làm mưa làm gió giới thượng lưu bà còn biết đến là người phụ nữ sâu sắc, luôn đấu tranh hết mình cho nữ quyền.

Nỗi đau từ vụ khủng bố ở toà Tháp đôi Mỹ ngày 11/9 khiến bà đầm ủng hộ hơn 50 triệu USD để ủng hộ nạn nhân sau tai nạn. Năm 2012, bà cùng minh tinh Scarlett Johansson gây quỹ từ thiện cho chính quyền ông Obama. Bà ủng hộ ông vì lý do ông là người đấu tranh cho nữ quyền và chống lại nạn phân biệt chủng tộc nặng nề tồn tại lâu đời trên nước Mỹ. Ngoài ra, mỗi năm, bà đứng ra tổ chức buổi quyên góp từ thiện cho Viện Bảo tàng Metropolitan, New York và nhiều hoạt động từ thiện khác.

"Yêu nữ mặc đồ Prada" - chân dung chân thực về bà đầm Anna Wintour

N

ăm 2003, tác giả Lauren Weisberger ra đời tiểu thuyết The Devil Wears Prada (tạm dịch: Yêu nữ mặc đồ Prada) gây sốt toàn nước Mỹ. Cuốn tiểu thuyết trở thành sách bán chạy nhất trong suốt 6 tháng liền ở New York. Tác giả Lauren thừa nhận đã dùng khoảng thời gian làm trợ lý cho Anna Wintour để viết nên quyển tiểu thuyết này.

Yêu nữ mặc đồ Prada thành công vượt ngoài nước Mỹ, được dịch sang 37 ngôn ngữ khác nhau. Họ muốn biết cuộc sống quyền lực, sang chảnh của bà đầm thép và quy trình sản xuất, hoạt động làm việc của tạp chí thời trang là thế nào.

Năm 2006, tiểu thuyết được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cùng tên, dưới sự đảm nhiệm của nữ diễn viên kỳ cựu Meryl Streep. Bà vào vai một tổng biên tập quyền lực, quyết định số mạng của các bộ sưu tập trị giá hàng trăm nghìn đô chỉ bằng cái "bĩu môi", tính tình khó chịu và đối xử quá quắt với trợ lý của mình.

ba dam thep Anna Wintour anh 5
Anna Wintour và Tổng biên tập Miranda Priestly (Meryl Streep đảm nhiệm) có nhiều nét tương đồng trong tính cách.

Ban đầu, Anna Wintour tỏ ra hoài nghi trước bom tấn thời trang này, bà không chắc đạo diễn và các diễn viên phim có thể làm tốt những gì mà bà đang có. Ngày công chiếu bộ phim tại New York, "yêu nữ tóc bob" diện trang phục Prada đến dự trong sự ngỡ ngàng và đầy thú vị của các khách mời.

Trong một cuộc phỏng vấn, Anna cho rằng bộ phim này thật sự thú vị và bà rất trận trọng sự "dứt khoát", diễn xuất tự nhiên của Meryl Streep trong vai Tổng biên tập quyền lực. Sự thừa nhận ngầm này khiến làng thời trang sôi sục, xem bằng được bộ phim được lòng bà đầm thép.

Bộ phim mở ra nhiều góc khuất trong cuộc đời của Anna Wintour. Đó là một người phụ nữ quyền lực, nhiều khi rất quá quắt nhưng đó là cách làm nghề nghiêm túc, cầu toàn.

Dưới sự điều hành của Anna Wintour quyền lực, đế chế Vogue vẫn thịnh trị và dẫn đầu trong ngành thời trang. Bà đầm thép là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực và vươn lên, một huyền thoại của giới tạp chí dẫn đầu nền thời trang đương đại.

Trọng Huy

Bạn có thể quan tâm