Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Áo 6 múi' cháy hàng ở Trung Quốc

Muốn có thân hình cường tráng nhưng lười vận động, ngại ăn kiêng, nhiều thanh niên Trung Quốc đổ xô mua bộ đồ silicone để đáp ứng nhu cầu chụp ảnh "sống ảo".

Nhiều cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Taobao và AliExpress đồng loạt thông báo hết hàng "trang phục 6 múi", những bộ đồ làm bằng silicone mô phỏng thân hình lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn, China Post đưa tin hôm 20/4.

Những "bộ đồ 6 múi" đã xuất hiện trên thị trường từ năm 2019. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sản phẩm này được cho "bán đắt như tôm tươi" khi tỷ lệ người thừa cân, béo phì tăng mạnh ở quốc gia tỷ dân.

trang phuc 6 mui anh 1

Những "bộ đồ 6 múi" được rao bán trên các trang web mua sắm Trung Quốc. Ảnh: China Post.

"Tăng cân thời Covid-19 nhưng ngại đến phòng tập hay duy trì chế độ ăn kiêng, hãy thử sản phẩm của chúng tôi", một cửa hàng trên Taobao giới thiệu về sản phẩm. Tương tự, những mẩu quảng cáo khác cũng đều đánh vào tâm lý lười vận động nhưng muốn giảm cân nhanh của khách hàng.

Giá của một bộ "trang phục 6 múi" thường dao động 120-610 USD, tùy thuộc vào kích thước và cấu tạo. Những bộ được thiết kế càng chi tiết với từng múi cơ, đường gân, màu da, xương quai xanh được thể hiện như thật, có giá bán càng cao.

Nhiều khách hàng tỏ ra khá hài lòng về sản phẩm và nói rằng "giấc mơ đã thành hiện thực" mà không cần phải tập gym hay ăn kiêng.

Tuy nhiên, số khác cho rằng những bộ đồ làm từ silicone dù thật đến đâu vẫn chỉ là đồ giả. "Cảm giác nó quá dày và bí", "Dù sao đây vẫn chỉ là một hình thức gian lận", "Những bộ đồ này có thể phục vụ việc sống ảo nhưng không giải quyết được các vấn đề về cơ thể, sức khỏe của bạn"... là những bình luận phổ biến trên mạng.

Trong những thập niên gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thói quen ăn uống của người dân Trung Quốc cũng đã thay đổi với sự gia tăng của thức ăn nhanh, nhiều calorie, theo AFP.

Kết quả, hơn 50% người trưởng thành bị thừa cân, béo phì, theo số liệu thống kê công bố năm 2020 của Ủy ban Y tế quốc gia nước này. Thừa cân được khuyến cáo là một trong những yếu tố chính gây nên các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư.

Khủng hoảng béo phì ở Mexico

Thói quen ăn uống không lành mạnh và sự tràn lan các loại thực phẩm chế biến sẵn khiến nhiều người Mexico rơi vào tình trạng thừa cân.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm