Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ảo mộng sung sướng khi thoát 'chiếc còng vàng'

Không còn "chiếc còng vàng", những người lao động bị sa thải đã tìm được hướng đi mới. Nhưng cuộc sống của họ cũng khá vất vả do mất đi thu nhập béo bở trước đây.

Nhiều người không quay lại lĩnh vực công nghệ vì sợ lại bị đuổi.

Sau khi bị đuổi khỏi vai trò quản lý tuyển dụng trong một công ty phần mềm ở San Francisco (Mỹ) vào tháng 3/2023, Bree Silveira đã tìm được công việc bán thời gian tại phía Bắc California.

Trên thực tế, vị trí mới cho phép cô tiết kiệm kha khá tiền gửi trẻ đắt đỏ vì có thể dành cả tuần cho con. Không chỉ Silveira, hàng chục nghìn vụ sa thải đã thu hẹp Thung lũng Silicon xuống một phần nhỏ so với quy mô trước đây.

Điều đó cũng khiến những nhân sự như Silveira phải xoay xở với một cuộc sống khác không còn liên quan tới công việc cũ.

Chật vật kiếm việc

Theo VICE, từ ngành công nghiệp ổn định với mức lương cao ngất ngưởng, “cái nôi của công nghệ” trở thành một thế giới đầy bất ổn, đặc biệt đối với những nhân viên không có chuyên môn kỹ thuật như nhà tuyển dụng.

Những người ở lại luôn mang nỗi lo về các đợt cắt giảm vẫn chưa kết thúc và liệu họ sẽ là người tiếp theo hay không. Trong khi nhóm đã nghỉ việc phải cạnh tranh với nhau để giành được việc làm. Họ cũng cảm thấy bị bỏ lại phía sau bởi sự nghiệp mà mình đã đặt nhiều tâm huyết.

Để vượt qua cơn bão, một số nhân sự đã nhận công việc tạm thời tại các công ty bán lẻ.

Khalid Salim (sống tại Orlando) đã bị sa thải khỏi vị trí kỹ sư đảm bảo chất lượng ở nền tảng đặt phòng khách sạn Hotel Engine nửa năm trước.

“Có một chút khó khăn. Các ông chủ luôn ám ảnh về bạn”, anh bày tỏ.

Nhằm cải thiện cơ hội của mình, Salim dành nhiều thời gian để làm lại sơ yếu lý lịch, thư xin việc, cải tiến trang LinkedIn và cố gắng học các kỹ năng bổ sung để thu hút doanh nghiệp.

Dù nuôi hy vọng sẽ sớm kiếm được việc làm, Salim vẫn khá hoang mang về tương lai phía trước.

Sau khi được mẹ gợi ý chuyển hướng sang một thứ gì đó mới mẻ như quản lý nguồn nhân lực, anh đang thử cân nhắc ý tưởng này.

cong tay vang anh 1

Sau khi bị sa thải, không ít nhân sự ngành công nghệ loay hoay với các định hướng khác nhau. Ảnh: Fortune.

Còn với Silveira, cô cho biết chính “bão sa thải” khiến cô phải tự hỏi bản thân liệu có muốn tiếp tục gia nhập một ngành thường xuyên cắt giảm hàng loạt hay không. Công việc mới đã cho cô cơ hội tìm kiếm những đam mê khác sau gần hai thập kỷ gắn bó với các quy trình tuyển dụng.

Bà mẹ một con hy vọng đây sẽ là một phép thử để làm tiền đề cho ước mơ mở công ty sau này.

Hiện tại, Silveira đang thích nghi khá tốt với việc tương tác với khách hàng mỗi ngày.

“Nó thực sự mang lại cho tôi rất nhiều năng lượng, niềm vui khi được bận rộn và kiếm tiền để giúp đỡ gia đình. Tôi thích làm việc, bất kể đó là vị trí gì”, Silveira nói.

Cơ hội mới

Không lâu sau khi Paige Webster bị Meta sa thải vào tháng 3/2023, cô quyết định không quay trở lại lĩnh vực công nghệ, ít nhất là trong một thời gian.

Sau gần 10 năm cống hiến cho công ty, Webster muốn đảm nhận vai trò nào đó không phải mang công việc về nhà và thay vào đó có thể “ưu tiên cho việc nghỉ ngơi, cộng đồng và sự sáng tạo”.

Hiện Webster đang là nhân viên tại một nhà máy rượu địa phương với mức lương 20 USD/giờ.

Trước khi gắn bó với Meta, cô từng làm những vị trí tương tự. Webster cũng cân nhắc việc quay trở lại ngành thực phẩm và đồ uống trước khi bị sa thải, nhưng chi phí sinh hoạt cao ở Bay Area khiến cô khó từ bỏ “chiếc còng vàng” mà mình có được ở “gã khổng lồ công nghệ”.

Trên LinkedIn, nhiều người lao động khác cũng chia sẻ về vấn đề “rải CV” khắp nơi nhưng không nhận được một lời đề nghị nào.

Để góp phần xoa dịu tình hình, cô đã viết một bài đăng về công việc của mình, bao gồm cả chuyện lương thấp và nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, cũng như niềm vui khi chuyển đổi lĩnh vực.

“Hiện tại, giới công nghệ giống như một nơi độc hại và đầy biến động”, Webster nhận xét.

Lớn lên ở Seattle, Alexa Dickinson luôn cho rằng những người muốn thành công đều cố gắng làm việc tại một công ty kỹ thuật lớn.

Cha cô đã dành cả sự nghiệp của mình trong ngành công nghiệp này để chứng minh cho con gái điều đó. Vài ngày sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2017, Dickinson bắt đầu làm việc trong bộ phận tiếp thị tại T-Mobile.

"Tôi chỉ nghĩ:'Ồ, đây chính là cách hiệu quả với những người muốn thành công'. Đó không hẳn là đam mê nhưng là những gì tôi đã thấy”, cô nói.

cong tay vang anh 2

Nhiều người làm tạm công việc bán thời gian, trong khi số khác theo đuổi đam mê đã bỏ dở từ lâu. Ảnh: Insider.

Trong vòng 5 năm tiếp theo, Dickinson tiếp tục thăng tiến vượt bậc cho đến tháng 10/2022, khi cô bị sa thải.

Trải nghiệm trên khiến cô cảm thấy mình là một con số chứ không phải con người. Cựu nhân viên T-Mobile phát hiện ra cô không thực sự hào hứng với vai trò này và điều đó đã kìm hãm sự sáng tạo của cô trong công việc.

Trước khi nằm trong danh sách cắt giảm, Dickinson đã nhiều lần tự hỏi mình liệu có nên theo đuổi đam mê hay không, nhưng ý tưởng đó chỉ dừng lại ở suy nghĩ vì tình hình tài chính bấp bênh.

Hiện Dickinson đang làm bán thời gian ở một công ty khởi nghiệp thời trang đồng thời là nhân viên phục vụ tại phòng thử rượu. Công việc kép đáp ứng nhu cầu sáng tạo của Dickinson và giúp cô tìm kiếm đam mê của mình.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Quy định quay lại văn phòng bào mòn túi tiền của nhân viên

Chính sách quay lại văn phòng khiến không ít nhân viên phải thiết lập lại kế hoạch tài chính và bỏ ngân sách nhiều hơn cho các khoản đi lại, ăn uống, giao lưu với đồng nghiệp.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm