“Đồng phục học sinh tuy chỉ là việc rất nhỏ trong vô vàn công việc của nhà trường phổ thông, nhưng nếu làm không tốt sẽ gây mất uy tín của trường. Từ việc rất nhỏ mà phụ huynh đã biết trường làm vì đồng tiền, vì lợi nhuận thì những việc lớn hơn họ cũng sẽ nghi ngờ” là tâm sự của một hiệu trưởng trường THCS ở quận 1, TP HCM.
Trên thực tế, có rất nhiều trường xây dựng niềm tin nơi phụ huynh ngay từ việc chọn đồng phục cho học sinh.
“Ở trường chúng tôi, đồng phục chỉ đơn giản là áo sơmi trắng, quần xanh dành cho cả nam và nữ, tất cả đều phải bỏ áo vào quần cho gọn gàng và ngăn nắp. Nhà trường cũng không tổ chức bán đồng phục mà phụ huynh tự đi mua, đi may cho con em theo điều kiện kinh tế gia đình mình. Nếu khấm khá thì phụ huynh có thể chọn loại vải tốt, mắc tiền; nếu khó khăn thì mua loại vải giá vừa phải” - ông Lương Ngọc Duy, hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng, quận 10, TP HCM, cho biết.
“Tôi sợ nhất là phụ huynh không tìm mua được đồng phục cho con ở chợ, quay về trường mua họ sẽ đặt câu hỏi: Tại sao cô bắt mua ở trường? Có cái gì đằng sau việc này? Như vậy sẽ rất mệt!
Bà Trần Thúy An (hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn)
Không buộc phụ huynh phải mua
Tại sao chỉ là áo trắng, quần xanh mà không phải là áo vàng, áo xanh, áo trắng viền vải sọc carô ở cổ, tay, nẹp áo...?
Ông Duy phân tích: “Hồi xưa tôi đi học cũng mặc áo trắng, quần xanh. Mà không chỉ trường tôi học, đa số học sinh ở Sài Gòn thời ấy đều mặc áo trắng, quần xanh chứ không biến tấu ra nhiều kiểu như bây giờ.
Nó đã trở thành trang phục truyền thống của học sinh từ xưa tới nay. Tuy giản dị nhưng rất đẹp, theo quan điểm của riêng tôi thì màu trắng tinh khôi của tuổi học trò không có màu nào thay thế được, phù hợp với môi trường học đường hơn những màu khác”.
Đồng phục học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP HCM không có logo tên trường và không bắt buộc mua tại trường, phụ huynh có thể mua ở ngoài, miễn sao quần xanh áo trắng. |
Một ngôi trường nổi tiếng khác cũng không đặt ra quy định cầu kỳ cho đồng phục. Như Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP HCM): “Cả nam sinh và nữ sinh đều mặc áo trắng, quần xanh. Nhà trường không tổ chức may rồi bán trực tiếp cho phụ huynh, mà tìm nhà cung cấp với mức giá vừa phải. Họ được vào trường giới thiệu sản phẩm đến phụ huynh, nếu thấy phù hợp thì phụ huynh mua, không thì tự mua bên ngoài".
"Ngay cả với một số trường hợp học sinh lớp 10 chưa có điều kiện mua áo trắng trơn như trường quy định mà mặc áo cũ là đồng phục của trường THCS, áo đó có viền xanh, viền sọc... cũng không sao, miễn là đeo phù hiệu, logo của Trường phổ thông Năng khiếu thì được” - ông Hoàng Ngọc Hùng, phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu, thông tin.
Tương tự, ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng không bắt buộc phụ huynh phải mua đồng phục trong trường cho con em.
Bà Thu Vân, phụ huynh học sinh lớp 11, kể: “Nhiều năm nay, Trường Lê Hồng Phong vẫn giữ nguyên mẫu đồng phục cũ. Giá bán đồng phục trong trường khá rẻ, nhưng do con gái tôi không thích đồ may sẵn nên tôi đã đi may cho cháu. Đến khi nhỏ em vào học cũng mặc được đồ của chị luôn, chỉ may thêm hai bộ. Tuy đồng phục chỉ đơn giản áo trắng, quần xanh, áo nữ sinh có chít ben... vậy mà cả hai con tôi đều rất thích và tự hào về đồng phục trường mình”.
Thế nên một hiệu trưởng trường THPT đã đúc kết: “Một bộ đồng phục đẹp phải kết hợp được nhiều yếu tố: đơn giản, sạch sẽ, gọn gàng, thoải mái. Có trường mời cả nhà thiết kế, nhưng khi cho ra mắt đồng phục mới thì giáo viên xuýt xoa khen đẹp, học sinh lại chê bai vì các em không thích màu vàng nhạt. Có trường tìm được mẫu mã lịch sự nhưng học sinh lại bảo vướng víu, khó chịu vì váy lại có thêm hai cái dây đeo trên vai...Tóm lại cứ áo trắng, quần xanh thì không bao giờ bị lỗi mốt cả”.
“Để phụ huynh thuận tiện”
“Tôi cứ nghĩ những trường nổi tiếng thì sẽ nghĩ ra nhiều cách để làm màu làm mè. Nhưng thực tế lại khác: khi làm thủ tục cho con mình nhập học lớp 6 ở Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, tôi rất ngạc nhiên bởi nhà trường không yêu cầu phải mua đồng phục học sinh. Tôi vào văn phòng, xem mẫu đồng phục rồi ra siêu thị tự mua vì kiểu áo, quần rất đơn giản” - bà Thu, phụ huynh trường này, kể.
Bà Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường Trần Văn Ơn, chia sẻ: “Khi chọn mẫu đồng phục, tôi cũng băn khoăn việc chọn mẫu viền vải xanh đen ở cổ áo (cùng màu với vải quần) để có cảm giác sạch hơn nếu phải giặt máy. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nếu viền này nọ thì phụ huynh sẽ khó tìm mua bên ngoài chợ. Cuối cùng, tôi chọn loại áo trắng trơn, phụ huynh nào mua bên ngoài thì gắn thêm logo của trường vào là xong”.
Tương tự ở Trường tiểu học Võ Trường Toản - một trường nổi tiếng ở quận 10, “phụ huynh được thoải mái chọn lựa. Mua đồng phục trong trường cũng được, không thích thì mua ở ngoài cũng dễ tìm vì áo trắng trơn chỗ nào cũng có. Để phụ huynh thuận tiện là hay nhất!” - ông Nguyễn Thế Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Ở Trường Diên Hồng cũng vậy
“Tôi cũng đã bàn với các thành viên trong ban giám hiệu và tất cả đều thống nhất không biến tấu gì trên áo trắng của học sinh, để phụ huynh dễ tìm mua ở ngoài chợ, siêu thị. Trường Diên Hồng thậm chí còn không làm logo vì “thêm logo lại gây thêm phiền hà cho phụ huynh".
"Cách phân biệt duy nhất giữa học sinh Trường Diên Hồng với học sinh trường khác chính là phù hiệu đính trên ngực áo. Ở khu vực này, ngoài một số phụ huynh khấm khá thì cũng có khá nhiều phụ huynh nghèo sinh sống bằng nghề lao động chân tay. Đồng phục phức tạp quá vô tình sẽ tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh. Ở trường tôi, có em mặc bộ đồ 2-3 năm chưa phải mua đồ mới” - ông Lương Ngọc Duy giải thích.
Nhiều bạn đọc đã phản hồi về vấn đề này:
- Dân thì nghèo, tiền trường quá nặng. Xin Bộ GD&ĐT cấm các trường bán đồng phục, chỉ thông báo toàn quốc: học sinh mặc quần, váy xanh áo trắng. Như vậy sẽ rất tiết kiệm. Với gia đình lao động, các cháu có thể mặc lại đồ cũ năm ngoái hay anh chị để lại cho em.
(Vĩnh Hy)
- Cả xã hội ai cũng nhìn thấy sự bất hợp lý này. Bộ GD&ĐT cũng nên quy định đồng phục học sinh chỉ một loại thống nhất để có thể sản xuất nhiều với giá rẻ, vừa tiết kiệm cho xã hội vừa tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh.
(Đình Duy)
- Đi học mặc đồng phục là đúng, nhưng nhà trường đừng “phết phẩy”, phụ huynh còn nghèo lắm, họ chạy ăn từng bữa. Hãy xót thương họ, họ đã cố gắng, chắt bóp từng li từng tí để con cái có thể đến trường.
(Trọng Đạt)
- Hồi xưa, tôi đi học trường chỉ quy định đồng phục là cha mẹ theo đó mà tính, muốn mua đâu cũng được. Chỉ cần mua phù hiệu của trường may vào áo là xong.
(Sang)