![]() |
Tri Thức - Znews trích dịch bài viết của Christine Emba trên The New York Times, bàn luận về những tác động của phim khiêu dâm đến tư tưởng con người và xã hội. Bà Emba là tác giả cuốn sách "Rethinking Sex: A Provocation" (tạm dịch: Suy ngẫm lại về tình dục: Một sự khiêu khích).
Cuối năm ngoái, Lily Phillips (Anh), nhà sáng tạo nội dung người lớn trên OnlyFans, đã thành công gây chú ý khi là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu có tựa đề "Tôi đã quan hệ với 100 người đàn ông trong một ngày".
Bộ phim ghi lại hành trình của Phillips khi lên kế hoạch và thực hiện "thử thách" này. Với đôi mắt đẫm lệ, cô nói với nhà làm phim Josh Pieters: "Đây không phải việc dành cho những cô gái yếu đuối. Tôi không chắc mình có dám khuyên ai làm điều này không".
Bộ phim bị coi là quá phản cảm, thậm chí gây khó chịu với một số người. Nhưng trong bối cảnh xã hội Mỹ ngày nay, nơi đã quen thuộc với việc phụ nữ bị vật thể hóa, hành động của Phillips dường như không quá bất ngờ. Sự cực đoan dường như là cách duy nhất để sao nữ khiêu dâm này có thể nổi bật.
Khi phụ nữ coi cơ thể là hàng hóa
Nội dung khiêu dâm hiện diện khắp nơi trên Internet. Theo một báo cáo năm 2023 từ Đại học Brigham Young (Mỹ), khoảng 12% trang web có chứa nội dung khiêu dâm.
Các trang web cung cấp nội dung khiêu dâm cũng không quan tâm đến vấn đề đạo đức. Trong một bài viết gần đây, nhà báo Nick Kristof phanh phui cách trang web 18+ Pornhub và các trang liên quan kiếm lợi nhuận từ những video chứa nội dung bạo lực trẻ em.
![]() |
Lily Phillips bật khóc trong bộ phim tài liệu khiêu dâm. Ảnh: YouTube. |
Gen Z (những người sinh năm 1997-2012), thế hệ đầu tiên lớn lên trong thời đại nội dung khiêu dâm không giới hạn và luôn sẵn có, đang chịu những hậu quả rõ rệt. Các hành vi xuất hiện trong phim khiêu dâm - như bóp cổ, tát, hoặc nhổ nước bọt - đã trở thành chuẩn mực, ngay cả trong những lần tiếp xúc tình dục đầu tiên. Nó khiến nhiều cô gái trẻ mất niềm tin vào bạn tình nam.
Trong tương lai, nội dung khiêu dâm sẽ còn gây nghiện hơn khi thực tế ảo (VR) khiến trải nghiệm trở nên sống động và trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép tùy chỉnh nội dung.
Trong cuốn sách Girl on Girl: How Pop Culture Turned a Generation of Women Against Themselves, tác giả Sophie Gilbert đã phân tích sâu về cách văn hóa đại chúng trong thập niên 1990 và 2000 định hình nhận thức của một thế hệ phụ nữ, khiến họ tin rằng cơ thể và sự gợi dục là giá trị cốt lõi của mình.
Một thế hệ phụ nữ bị thuyết phục rằng cơ thể là hàng hóa, rằng quyền lực tình dục là thứ quyền lực duy nhất đáng có. Sự dối trá này khiến tham vọng của phụ nữ bị thu hẹp và mở đường cho sự bóc lột.
Theo lời Gilbert, sự gia tăng của nội dung khiêu dâm dễ tiếp cận đã định hình một phần lớn văn hóa đại chúng của chúng ta, biến phụ nữ thành những đối tượng để kiềm chế, tồn sùng hoặc hành hạ.
Cái giá của "không phán xét"
Dù mô tả chi tiết tác động tiêu cực của nội dung khiêu dâm đến văn hóa, Gilbert tỏ ra ngần ngại khi thừa nhận một điều có vẻ hiển nhiên: nội dung khiêu dâm không tốt cho chúng ta.
Bà viện dẫn một nghiên cứu năm 2019 cho thấy 38% phụ nữ Anh dưới 40 tuổi từng trải qua các hành vi không mong muốn như bị tát, bóp cổ hoặc nhổ nước bọt trong quan hệ tình dục. Dữ liệu này nằm trong một chương sách vẽ nên mối liên hệ đáng lo ngại giữa sự phổ biến của nội dung khiêu dâm bạo lực từ cuối thập niên 1990 và những hình ảnh nhục nhã tình dục từ nhà tù Abu Ghraib năm 2004.
Tuy nhiên, ngay sau khi đưa ra những bằng chứng về tác hại, Gilbert viết: "Tôi không muốn phán xét sở thích cá nhân và tôi không phản đối nội dung khiêu dâm".
![]() |
Nhiều người không phê phán phim khiêu dâm bởi điều đó bị xem là đi ngược lại nguyên tắc "không phán xét". Ảnh minh họa: Cottonbro studio/Pexels. |
Sự né tránh của Gilbert không phải là cá biệt. Dù có nhiều bằng chứng cho thấy nội dung khiêu dâm có tác động tiêu cực đến xã hội hiện đại, nhiều người từ chối công khai chỉ trích nó, đặc biệt trong các nhóm tiến bộ.
Việc phê phán nội dung khiêu dâm bị xem là đi ngược lại nguyên tắc "không phán xét". Nhiều người sợ bị coi là bảo thủ, nhàm chán hoặc lỗi thời.
Nhưng việc không phán xét đôi khi đánh đổi bằng sự thiếu sáng suốt. Xã hội đang cho phép ngành công nghiệp khiêu dâm tiếp tục định hình ham muốn của chúng ta theo những cách thử nghiệm, vì lợi nhuận, mà không quan tâm đến lợi ích của chúng ta.
Chúng ta muốn chứng tỏ mình hiện đại, bỏ qua các tranh luận về ranh giới và định kiến, nhưng lại không nhận ra rằng điều này đang làm mọi thứ tồi tệ hơn.
Trường hợp của Lily Phillips cho thấy sự bình thường hóa của những hành vi khiêu dâm cực đoan đã khiến những hành động gây sốc trở thành bình thường. Không khó để tưởng tượng một tương lai nơi những yêu cầu và cám dỗ vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta hôm nay.
Hiện nay, những người công khai chỉ trích sự phổ biến của nội dung khiêu dâm thường thuộc nhóm bảo thủ hoặc tôn giáo, và vì thế dễ bị gạt bỏ.
Tuy nhiên, những vết nứt trong "bức tường im lặng" đang xuất hiện.
Sự hồi sinh gần đây của nhà nữ quyền chống nội dung khiêu dâm Andrea Dworkin, với việc 3 tác phẩm nổi tiếng của bà được tái bản, là một dấu hiệu. Tương tự, diễn viên hài Theo Von thường chia sẻ về quyết định từ bỏ nội dung khiêu dâm trên các podcast của mình.
Gen Z dường như cũng cởi mở hơn trong việc chỉ trích nội dung khiêu dâm so với thế hệ trước.
"Tôi muốn hiểu tại sao một thế hệ phụ nữ trẻ lại tin rằng tình dục là tiền tệ để trao đổi, rằng sự tình dục hóa nghĩa là được trao quyền?", Gilbert viết.
Thực ra, chúng ta đều biết câu trả lời. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần can đảm, hoặc đủ thẳng thắn để thừa nhận điều đó.
Kể từ khi ra đời vào khoảng năm 1873, chủ nghĩa nữ quyền đã góp phần định hình hệ thống luật pháp, văn hóa và xã hội trên toàn thế giới. Cuốn sách Nữ quyền - Khái lược những tư tưởng lớn mang đến cái nhìn tổng quan sinh động về một trong những phong trào xã hội quan trọng và có ảnh hưởng, nhưng cũng gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử nhân loại.