Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áo xanh ở công xưởng lớn nhất TP HCM

Từ tháng 7/2015 đến nay, ngày cũng như đêm, đội thanh niên xung phong xung kích luôn có mặt tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (100% vốn Đài Loan, đóng tại quận Bình Tân, TP HCM)

Đội thanh niên xung phong (TNXP) xung kích này có tên gọi Đội trật tự giao thông số 5.

Công ty PouYuen Việt Nam được xem là “công xưởng lớn nhất TP HCM” với lượng công nhân có lúc lên đến 90.000 người.

Đội TNXP ở Công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) điều tiết giao thông ở khu vực xe đưa rước công nhân. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Nói như Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích TNXP Nguyễn Hữu Quý thì đây là đội quân “tinh nhuệ” được tuyển lựa từ những anh em đội viên dạn dày kinh nghiệm, bản lĩnh, nhiệt huyết nhất về đây thực thi một nhiệm vụ mới mẻ chưa có tiền lệ.

Đội cơ động 24/24

Hơn 15h, từng nhóm nữ công nhân có thai được nghỉ sớm đã bắt đầu ra về. Sắp đến giờ tan ca. Các đội viên TNXP gọi nhau bằng bộ đàm, phân công vào vị trí. Các anh chia nhau đứng dàn hàng ngang trước bốn cổng, những tốp khác thì cầm gậy điều tiết giao thông tiến về phía khu vực bãi xe. Ở đó, khoảng 500 xe loại 50 chỗ ngồi đã bắt đầu nổ máy chuẩn bị đón công nhân rời bến.

Đúng 16h, các cổng ra vào đã ngập bóng công nhân. Dòng người ồ ạt tuôn ra. Cái nóng phả vào hừng hực. Cát, bụi cuộn lên mù mù. Nhờ sự điều tiết, phân luồng hợp lý của đội TNXP, chỉ sau ít phút đã có chuyến xe đầu tiên xuất bến.

Hối hả tiến ra xe khi trên mặt vẫn còn đeo chiếc khẩu trang, chị Nguyễn Thị Thu Thắm, công nhân khu may, đã làm việc ở công ty sáu năm, nói: “Bây giờ nhờ có mấy anh áo xanh này mà mỗi khi tan ca hết cảnh “kẹt người” dồn cục ở cổng. Hồi trước hễ tụi tui quẹt được thẻ ra về, chen lấn lọt được qua cổng, ra tới bãi xe thì xe đã chạy mất, phải chờ chuyến sau”.

Chị Võ Thị Bích Phương, công nhân khu K5, nói thêm: “Trước đây không có chuyện bãi xe thông thoáng, rộng rãi vậy đâu. Ngoài này người ta bày bán đồ ngập đường hết trơn. Mình đi không khéo là đụng bể đồ của họ. Rồi cự cãi, chèo kéo ì xèo. Muốn lên được xe cũng mướt mồ hôi hột”.

Đầu năm 2015, thực hiện chủ trương của TP, lực lượng TNXP TP đã thành lập một đội quân cơ động, phối hợp cùng lực lượng bảo vệ của công ty để thực thi nhiệm vụ giữ gìn trật tự, điều tiết giao thông, bảo vệ an ninh, an toàn cho khu vực có đông công nhân nhất TP này.

Anh Nguyễn Kim Nam, Đội trưởng Đội trật tự giao thông số 5, tâm sự: “Hồi mới nhận nhiệm vụ, thâm niên 15 năm từng trải dưới màu áo TNXP như tôi đây mà còn thấy áp lực ghê gớm. Để giữ trật tự, mình vừa phải chạm trán với lực lượng bán hàng rong hùng hậu, vừa đụng độ với những nhóm giang hồ chuyên cho vay nặng lãi, đâm thuê chém mướn, các đối tượng chuyên đi kích động công nhân và nhiều khi còn gặp xích mích, hiểu lầm với anh chị em công nhân, chưa kể áp lực giám sát từ phía chủ doanh nghiệp nước ngoài”.

Về công ty đầu tháng 7 thì đến giữa tháng 8/2015, anh em trong đội đã bị lực lượng bán hàng rong tấn công. “Hôm đó, tôi đang ở khu vực cổng thì có mấy chị công nhân vào báo: 'Anh em TNXP bị người ta đánh kìa'. Chúng tôi phải liên hệ với chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ” - anh Nam kể.

Còn những xích mích nhỏ chẳng hạn như bị réo tên chửi bới, bị... xịt nước tương, nước mắm vô quần áo, bị... phun nước miếng vô mặt hay bị tấn công bằng dao xắt thịt, kéo cắt bánh mì... là chuyện không phải hiếm. Những lần như vậy, anh em trong đội nhắc nhau phải luôn giữ bình tĩnh, phải thật kiềm chế vì suy cho cùng bà con bán hàng rong cũng là người nghèo khó vì miếng cơm manh áo.

“Chúng tôi thường lựa lời thuyết phục, mềm mỏng, kiểu như trong bãi xe đông ra vô liên tục như vầy cô bác vào bán sẽ không an toàn, rồi lỡ công nhân có bị ngộ độc thực phẩm thì còn bị truy cứu trách nhiệm... Các thứ như nón cối, áo giáp, roi điện, gậy... cả đội được trang bị chỉ dùng để tự vệ khi bị tấn công thôi” - đội viên Trần Đình Thắng chia sẻ.

Ở đâu khó có TNXP

64 anh em trong đội được chia thành ba ca, làm việc xuyên suốt 24/24 giờ. Những ngày mưa, anh em mặc áo mưa làm nhiệm vụ. Giờ cơm, anh em phân công người chạy ra ngoài mua cơm hộp rồi thay phiên nhau người này ăn thì người kia gác bởi các đối tượng lạ mặt sẵn sàng xâm nhập công ty bất cứ lúc nào.

“Làm ở đây, tụi tôi ý thức rằng mình không đơn thuần chỉ là bảo vệ cho công ty, giúp đỡ công nhân mà còn là giữ gìn trật tự cho khu vực, bình yên cho thành phố” - đội viên Phan Long Hồ, 23 tuổi, nói.

Công việc áp lực lại đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiềm chế - một điều khó với những người trẻ tuổi - nên thời gian đầu có hai trường hợp xin rời đội, tuy nhiên sau khi được đội trưởng động viên đã đồng lòng bám trụ tới bây giờ. Hiện đội viên trẻ nhất của đội mới tròn 20 tuổi.

Mới hôm rồi, một thành viên của đội lỡ ngủ gục trong ca trực, bị công ty phát hiện lập biên bản. Anh Nam đội trưởng giải thích: “Hôm đó, em này bị cảm sốt mà vẫn ráng đi làm. Em uống thuốc cảm rồi ngủ quên. Trường hợp này đơn vị vẫn phải xử lý kỷ luật dù rất thông cảm. Làm việc với công ty nước ngoài mà, cái gì cũng phải đâu ra đó”.

Lẫn trong mớ đồ đạc cá nhân xếp gọn tại nơi làm việc của đội viên Trần Đình Thắng, chúng tôi nhìn thấy mấy quyển sách giáo khoa. Đồng đội kể nhiều hôm, dưới cái nắng chói chang ở hiện trường, tranh thủ giờ rảnh Thắng lại giở sách ra học. Anh đang theo học bổ túc văn hóa.

Đội trật tự giao thông số 5 có hơn mười anh em đang vừa học vừa làm. Người học bổ túc văn hóa, người học cao đẳng, đại học. Có người còn theo học cả hai trường đại học. Hàng ngày, sau giờ làm việc, các anh lại vượt 20 km từ quận Bình Tân xuống huyện Hóc Môn đi học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nhị Xuân tới gần 22h mới về nhà.

Dân mạng kêu gọi giúp đỡ cụ bà dùng chỉ khâu gót chân

Nhìn hình ảnh cụ bà ở Sơn La khâu gót chân bằng chỉ, cư dân mạng xúc động, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ người dân vùng cao để họ có mùa đông ấm áp và cái Tết đủ đầy.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20160114/ao-xanh-o-cong-xuong-lon-nhat-tphcm/1037854.html

Theo Mai Hương/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm