Điều 19 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định, tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trong trường hợp này, tòa án sẽ dùng lẽ phải để thay luật, đó là những tập quán, chuẩn mực văn hóa, đạo đức tốt đẹp, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.
Bảo vệ quyền công dân
Luật sư Nguyễn Phương Nam, Trưởng văn phòng luật sư số 10, Đoàn Luật sư Hà Nội, nói rằng, trên thực tiễn, các quan hệ dân sự rất đa dạng và biến đổi không ngừng.
“Khi chúng ta xây dựng xong luật, thậm chí đã có những quan hệ dân sự mới nảy sinh, được số đông trong dân cư ủng hộ, và hệ thống pháp luật chắc chắn chưa kịp điều chỉnh. Bởi vậy, tòa án cần phải thụ lý hồ sơ đó, xét xử theo nguyện vọng đó của người dân, bởi đó là quyền công dân, được pháp luật bảo vệ”, bà Nam nói.
Điều 19 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định, tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Ảnh minh họa. |
Luật sư Nghiêm Diệu Thúy, Đoàn Luật sư Hà Nội, nói: “Thật khó khăn cho những người dân khi bị tòa án từ chối chỉ vì không có luật áp dụng. Một vụ việc, hoặc vài trường hợp nhỏ lẻ thì có lẽ không thành vấn đề.
Tuy nhiên, nếu nó diễn ra ngày một nhiều, ở nhiều địa phương khác nhau, thử hỏi trật tự xã hội sẽ diễn biến như nào? Người dân liệu có còn niềm tin vào cơ quan công quyền, vào hệ thống pháp luật nữa không?”.
Mạo hiểm
Dù đồng tình với quan điểm trên, song luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, chế định này xung đột với nhiều đạo luật khác, kể cả Hiến pháp. Theo luật sư Đăng, Khoản 2, Điều 103 Hiến pháp 2013 nêu rõ, thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Điều này có nghĩa, ranh giới, giới hạn của việc xét xử chỉ được phép trên cơ sở các chế định trong hệ thống pháp luật hiện hành.
“Nếu chúng ta cổ súy cho việc xét xử theo tập quán, nếu thuận thì không sao, nếu không thuận, các bên tiếp tục tranh cãi căng thẳng, rồi kiện cáo tùm lum, từ đó sẽ phát sinh nhiều phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan xét xử, cũng như niềm tin của nhân dân vào hệ thống công quyền”, ông Đăng lo ngại.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc cho phép xét xử bằng tập quán còn trái với một nguyên lý cơ bản: “Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép và công dân được làm những gì pháp luật không cấm”.
Theo luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc áp dụng tập quán để xét xử khá mạo hiểm. “Trước tiên, phải làm rõ được thế nào là tập quán, căn cứ vào đâu, tiêu chí nào. Nếu tòa không đưa ra được những nội dung phù hợp, rất dễ dẫn đến tình trạng vỡ trận, tạo ra những tình huống không thể lường trước.
Ví dụ, trong hệ thống tập quán của nhân dân, có những tập quán tiến bộ, nhưng đâu đó vẫn còn đó những phong tục cổ hủ, lạc hậu. Rồi văn hóa vùng miền, tập quán vùng miền nữa, ở nhiều nơi rất khác nhau. Vậy ai, lấy gì để đảm bảo tiêu chí đúng đắn khi xét xử”, bà Nga nói.
Phải chuẩn hóa tập quán
“Khi đã thừa nhận tập quán là công cụ, phương tiện cho cơ quan xét xử vận dụng, chúng ta cần chuẩn hóa những tập quán này. Phải có một cơ quan được xem như trọng tài, từ đó liệt kê những tập quán tốt đẹp, điều chỉnh phần lớn các mối quan hệ xã hội mà luật không với tới.
Sau khi đã liệt kê xong, các cơ quan có thẩm quyền (có thể là hệ thống TAND cấp tỉnh, hoặc TAND tối cao) sẽ phải đưa ra các nguyên tắc, thủ tục áp dụng nhằm tránh tùy tiện, lạm quyền. Ngoài ra, các tập quán này cần đảm bảo không trái, không khác với hệ thống pháp luật hiện hành, như vậy mới thuyết phục được người dân trong quá trình xét xử”, luật sư Nguyễn Tiến Trung (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ.