Levon Myers tham dự 6 đám cưới vào năm ngoái. Năm nay, con số nhiều gấp đôi. Điều đó có nghĩa anh sẽ phải tiêu tốn thêm hàng nghìn USD, theo USA Today.
Với 2,6 triệu đám cưới dự kiến ở Mỹ vào năm 2022, theo trang web đám cưới The Knot, những người như Myers và vị hôn thê của anh đã nhận được rất nhiều lời mời.
Họ không thể tham dự tất cả nhưng với những người thân thiết cũng không dễ dàng từ chối. Dự kiến tham gia 8-9 đám cưới diễn ra trong thời gian tới, cả hai sẽ mất 84 giờ chạy ôtô.
Chỉ riêng tiền xăng xe đã tốn hơn 5.000 USD. Ngoài ra, cả hai còn phải đau đầu tính toán quà mừng, tiền quần áo, khách sạn, chi phí cho những bữa tiệc độc thân...
Nhiều người cảm thấy áp lực khi liên tục nhận được thiệp cưới trong năm nay. Ảnh: Brides. |
2022 được cho là năm bùng nổ đám cưới và cũng là thời điểm lạm phát ở mức cao nhất trong vòng hàng chục năm qua tại nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Hàn Quốc.
Khi giá cả mọi thứ đều tăng cao, chi phí hôn nhân ngày càng đắt đỏ, không chỉ cô dâu chú rể, ngay cả khách được mời cưới cũng cảm thấy áp lực.
Tại Mỹ, mỗi người đang chi khoảng 3.000 USD khi tới một tiệc cưới, trong khi ở Hàn Quốc, việc mừng cưới 100.000 won (77 USD) từng được coi là bình thường nay có thể bị chỉ trích là bủn xỉn.
Nợ nần vì ăn cưới
Theo nghiên cứu của The Wedding Report, ước tính có khoảng 2,6 triệu đám cưới diễn ra ở Mỹ trong năm nay, nhiều nhất kể từ năm 1984. Nguyên nhân là các cặp vợ chồng hoãn kết hôn vì Covid-19.
Trung bình mỗi người Mỹ sẽ tham dự 4 đám cưới và chi khoảng 3.000 USD cho mỗi sự kiện, theo khảo sát của công ty tài chính Affirm.
Hơn 70% khách mời tham gia khảo sát của Credit Karma cho biết lạm phát gây ảnh hưởng đến khả năng tham dự đám cưới của họ, khiến một số người phải nợ nần, sử dụng tiền tiết kiệm hoặc từ chối lời mời.
Ashley Feinstein Gerstley, đối tác tài chính của Affirm, giải thích: "Do có quá nhiều đám cưới bị dời lại trong vài năm qua, các chuyên gia đã dự đoán 'Wedding Boom' sẽ xuất hiện. Sự gia tăng số lượng đám cưới cùng với lạm phát, giá xăng, vé máy bay và tiền khách sạn đắt đỏ đang làm cho chi phí để tham dự một đám cưới vào năm 2022 cao nhất trong lịch sử".
2022 được xem là năm bùng nổ đám cưới và cũng là thời điểm lạm phát ở mức cao nhất trong vòng hàng chục năm qua tại nhiều quốc gia. Ảnh: Kessler. |
Phân tích của công ty kiểm tra điểm tín dụng Experian cho thấy hơn 30% người Anh đã từ chối ít nhất một lời mời cưới vì chi phí sinh hoạt tăng cao trong thời gian gần đây.
Kết quả khảo sát được thực hiện với 1.000 người Anh trưởng thành chỉ ra rằng chi phí dự đám cưới trung bình ở Anh là gần 700 USD.
Để tiết kiệm tiền bạc, nhiều người cho biết họ chỉ tham dự các đám cưới không phải di chuyển xa, ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng hoặc mặc trang phục giống nhau với cả nhóm bạn.
James Jones, người đứng đầu bộ phận khách hàng tại Experian, nhận xét: "Mọi người đều mong muốn góp mặt trong ngày vui của bạn bè, người thân, nhưng chi phí ngày càng đắt đỏ có thể cản trở điều đó. Bão giá buộc nhiều người được mời tham dự tiệc cưới phải suy nghĩ cẩn thận và đôi khi sáng tạo để có thể quản lý tài chính".
Gửi tiền mừng nhưng không dự tiệc
Lạm phát cũng ảnh hưởng đến số tiền mừng cưới. Khoản tiền đáng ra có thể chấp nhận được cách đây vài năm thì giờ đây bị coi là bủn xỉn.
Trong các đám cưới của người Hàn, khách mời thường bỏ tiền mừng vào phong bì. Số tiền này dùng để trả chi phí bữa tiệc đồng thời là món quà cho đôi vợ chồng mới cưới.
Tiền mừng thay đổi tùy thuộc vào địa vị xã hội và mối quan hệ giữa khách mời với cô dâu, chú rể. Đối với một người bạn thân hoặc đồng nghiệp, người Hàn có thể tặng hơn 300.000 won (233 USD).
Ngay cả những người không thể đến dự đám cưới cũng sẽ chuyển tiền mừng vào tài khoản ngân hàng của cặp đôi hoặc nhờ bạn bè thay họ bỏ phong bì.
Tuy nhiên, hậu Covid-19, một số người đang ở trong tình trạng kiệt quệ tài chính, với mức tiết kiệm thấp và chi phí sinh hoạt tăng rất cao trong thời kỳ lạm phát.
"Khi nhận được lời mời đám cưới, tôi không nghĩ 'Ồ, thật tuyệt' mà là 'Tôi lại sắp hết tiền'. Thật đáng buồn khi tôi không thể chào đón tin mừng của mọi người vì tình hình tài chính hạn hẹp", Kim, người vừa nhận công việc đầu tiên, nói.
Ở Hàn Quốc, tiền mừng cưới thể hiện địa vị xã hội, mối quan hệ thân sơ giữa khách mời và cô dâu, chú rể. Ảnh: iStock. |
Còn Jang cho biết thu nhập của anh đã giảm rất nhiều nhưng giá cả, bao gồm cả tiền mừng cưới không ngừng tăng.
"Tôi phải đi ít nhất 100.000 won cho mỗi đám cưới. Vài tháng qua chẳng có gì khác ngoài việc chật vật trả tiền mừng. Tôi thậm chí đã phải vay tiền từ bố mẹ để đi đám cưới", Jang cho hay.
Mọi người đều hiểu rằng đám cưới đang ngày càng đắt đỏ khi giá hoa và thức ăn không ngừng tăng. Đa số lo lắng rằng ngay cả khi họ mừng 100.000 won, bản thân vẫn có thể bị chỉ trích là keo kiệt.
Nhiều khách mời thậm chí từ chối tham dự tiệc chiêu đãi ăn uống để cắt giảm số tiền mừng cưới.
"Tôi cảm thấy mình phải đi ít nhất 100.000 won nếu dự tiệc. Còn nếu không đến, tôi sẽ chuyển khoản 50.000 won trong trường hợp cô dâu, chú rể là người thân quen", Choi nói.
Không chỉ khách mời, ngay cả các cặp đôi cũng cảm thấy căng thẳng.
"Tôi e rằng việc mời cưới có thể giống như mình đang đòi tiền", Park, người sẽ kết hôn vào tháng tới, nói. "Nhưng đồng thời, tôi không thể từ chối tiền vì tiệc cưới có giá 70.000-80.000 won cho mỗi khách".
Seong, người đã kết hôn gần đây, cho biết: "Kết hôn đi kèm với nhiều căng thẳng hơn là hạnh phúc. Nhiều người thậm chí mất bạn chỉ vì tiền mừng".