Sau gần nửa tháng, phiên xét xử 254 bị cáo trong vụ sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kết thúc phần xét hỏi.
Chiêu trò moi tiền chủ phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm
Tại phần xét hỏi, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như truy tố của VKS.
Qua lời khai của các bị cáo và diễn biến tại phiên tòa, có thể thấy việc nhận hối lộ tại các trung tâm đăng kiểm diễn ra từng ngày. Các nơi đều dùng “chiêu trò” tương tự nhau để ép chủ phương tiện phải chung chi.
Cụ thể, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, đăng kiểm viên phụ trách công đoạn 1 sẽ lên cabin kiểm tra xem chủ xe có bỏ tiền vào các vị trí như cần gạt số, hộc đựng đồ, trong bao thuốc lá... hay không. Nếu có, đăng kiểm viên sẽ bật đèn ra hiệu cho nhau biết để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: PT. |
Trường hợp trên xe không có tiền, đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả lỗi, in phiếu kiểm định lần 1 “Không đạt” và yêu cầu chủ xe phải khắc phục mới cho kiểm định lần 2.
Còn tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, khi xe vào, đăng kiểm viên khi lên cabin kiểm tra nếu thấy có để tiền sẽ bật đèn chiếu sáng trước và đèn cảnh báo nguy hiểm. Nếu trên xe không có tiền hối lộ, đăng kiểm viên chỉ để đèn cảnh báo nguy hiểm.
Vì vậy, muốn quá trình kiểm định đạt, hầu hết chủ phương tiện phải để tiền trên xe, hối lộ cho các đăng kiểm viên.
Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Trọng Vĩnh (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-15D) còn cho bị cáo Vũ Hữu Bình (nhân viên giám sát) đứng ra móc nối với các đối tượng môi giới để nhận hối lộ của chủ phương tiện.
Bị cáo Trần Kỳ Hình. Ảnh: PT. |
Nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng môi giới đưa nhiều xe vào kiểm định, bị cáo Vĩnh đã chỉ đạo nhân viên cho nợ tiền phí, cuối ngày tổng kết lại thu một lần.
Để quản lý, bị cáo Phạm Kim Anh (nhân viên tiếp nhận hồ sơ) đã ghi lại ký hiệu của từng đối tượng môi giới vào góc trái phía dưới của phiếu theo dõi. Theo đó, nếu là phương tiện của Lê Bá Dũng đưa vào thì ký hiệu “D”, của Phạm Minh Hiền ký hiệu chữ “H”, của Đoàn Chiến Thắng ký hiệu chữ “TVP”, của Vũ Hữu Bình nhận trực tiếp thì ký hiệu chữ “B”…
Áp lực chung chi cho 2 cựu cục trưởng
Về việc nhận hối lộ, giám đốc các trung tâm đều có chung lý do là muốn cải thiện đời sống anh em và có tiền chung chi cho 2 cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà.
Bị cáo Ngô Ngọc Sơn (cựu Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-07V) khai rằng thời gian đầu nhậm chức đã cố gắng chấn chỉnh tình hình tiêu cực, cấm các đăng kiểm viên nhận tiền của chủ phương tiện.
Bị cáo Đặng Việt Hà. Ảnh: PT. |
Nhưng sau đó, do áp lực về chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định, doanh thu và lương thưởng nên đến tháng 8/2018, bị cáo Sơn đã cho phép nhân viên nhận tiền bồi dưỡng để bỏ qua các lỗi nhỏ.
Theo điều tra, Trung tâm 50-07V đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện 13 tỷ đồng. Để được lãnh đạo Cục làm ngơ sai phạm, Sơn đã chung chi cho các bị cáo Trần Kỳ Hình 680 triệu đồng và Đặng Việt Hà 357 triệu đồng.
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Long (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-06V) khẳng định từng nghiêm cấm nhân viên nhận hối lộ, bỏ qua lỗi đăng kiểm.
Tuy nhiên trên thực tế, sau khi được bổ nhiệm làm giám đốc, bị cáo Long đã thống nhất với các thành viên trong Ban giám đốc, chỉ đạo đăng kiểm viên nhận 200.000-300.000 đồng/lần kiểm định để bỏ qua lỗi.
Từ tháng 8/2016 đến tháng 5/2022, Trung tâm Đăng kiểm 50-06V đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện hơn 16 tỷ đồng. Riêng bị cáo Long được hưởng lợi gần 1,1 tỷ.
Biết không thể qua mặt được lãnh đạo Cục, Long nhiều lần đưa hối lộ cho bị cáo Trần Kỳ Hình hơn 250 triệu đồng.
Khi Đặng Việt Hà lên thay Trần Kỳ Hình làm Cục trưởng, bị cáo này đã chỉ đạo các trung tâm phải chung chi 8.000-15.000 đồng/lượt phương tiện kiểm định. Vì vậy hàng tháng, mỗi khi được triệu tập ra Hà Nội họp, Long sẽ đi đổi tiền đồng sang USD, bỏ vào phong bì ghi ký hiệu “5006V” rồi đưa cho Hà. Tổng số tiền mà Long hối lộ cho bị cáo Hà là 234 triệu đồng.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.