Mới đây, đội ngũ cấp cứu 115 đã giữ lại thành công mạng sống của nam bệnh nhân, 62 tuổi, đang đạp xe thì ngừng tim, bất tỉnh giữa đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội).
Người dân xung quanh chứng kiến đã nhanh chóng gọi 115 tới cấp cứu cho ông. Khi bác sĩ Hoàng Văn Hải, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cùng điều dưỡng đến nơi, bệnh nhân không có dấu hiệu của tuần hoàn và hô hấp.
Trong tình huống nguy cấp, bác sĩ Hải thực hiện gấp quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn với bóp bóng, ép tim, đồng thời sử dụng một số loại thuốc cấp cứu. May mắn, sau ép tim 30 phút, bệnh nhân có nhịp tim trở lại và giữ được mạng sống trước khi tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).
Bác sĩ Hoàng Văn Hải chia sẻ về trường hợp ngừng tuần hoàn vừa được cứu sống. Ảnh: Quốc Vương. |
Bác sĩ Hải chia sẻ: "Trường hợp này tưởng chừng không còn hy vọng. Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi ông có lại được sự sống".
Không giống xử lý tại bệnh viện với đầy đủ nhân lực và các thiết bị cần thiết, nhiệm vụ của bác sĩ cấp cứu 115 được đặt thêm nhiều áp lực về thời gian cũng như ngoại cảnh, nhất là ở những trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn.
Tỷ lệ thành công chỉ khoảng 10%
Cấp cứu ngừng tuần hoàn là các trường hợp bệnh nhân ngừng tim, không còn thở. Lúc này, các nhân viên y tế buộc phải thực hiện quy trình sơ cứu khẩn cấp nhằm giữ mạng sống người bệnh.
Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết: "Tỷ lệ thành công của các trường hợp cấp cứu ngừng tuần hoàn tương đối thấp. Trung bình, tỷ lệ này trên thế giới chỉ khoảng 10%, một số nơi thậm chí là 2-3%".
Do đó, việc bảo toàn sự sống của bệnh nhân luôn mang lại cho các bác sĩ cấp cứu 115 rất nhiều cảm xúc.
Theo ông Thắng, điều quan trọng nhất của cấp cứu ngừng tuần hoàn là niềm tin. Bác sĩ Thắng cho rằng nhân viên y tế khi cấp cứu luôn phải giữ tâm lý bệnh nhân còn sống và vẫn cứu được. Khi đó, họ sẽ nỗ lực hết mình để giữ lại tính mạng của bệnh nhân.
"Về mặt lý thuyết, khi cấp cứu cho bệnh nhân trong 30 phút mà không hiệu quả, bác sĩ được phép dừng lại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp với hoàn cảnh cụ thể cho thấy bác sĩ ép tim tới 40-60 phút và bệnh nhân đã sống", ông Thắng nói.
Áp lực cấp cứu tại hiện trường
Theo quy trình cấp cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nhân viên y tế sẽ xác định bệnh nhân ngừng tuần hoàn thông qua 3 yếu tố chính là mất ý thức đột ngột, ngừng thở và không thấy mạch đập.
Sau khi xác nhận, các bác sĩ phải nhanh chóng thực hiện song song cấp cứu ngừng tuần hoàn (kiểm tra, ép tim...) và hỗ trợ hô hấp (khai thông đường thở với bóp bóng, oxy...). Tuy nhiên, theo bác sĩ Thắng, nhân viên y tế cấp cứu tại hiện trường sẽ gặp nhiều áp lực, đặc biệt từ ngoại cảnh.
Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Ảnh: Quốc Vương. |
"Gia đình bệnh nhân hoặc những người hiếu kỳ xung quanh gây cản trở khá nhiều đến công tác cấp cứu. Những người thiếu kiến thức y tế có thể đứng xung quanh và chỉ trích bác sĩ tại sao không đưa bệnh nhân đến viện ngay, thậm chí chửi bới, đe dọa", ông Thắng nói.
Tuy nhiên, việc cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện rất quan trọng. Thời điểm đưa bệnh nhân đến viện cần được bác sĩ tại hiện trường đánh giá cụ thể. Nếu giai đoạn này không được thực hiện tốt, bệnh nhân hoàn toàn có thể tử vong trên đường di chuyển.
Các bác sĩ cấp cứu 115 cũng phải luôn sẵn sàng ép tim cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn tại mọi địa hình. Dù trong điều kiện xe cấp cứu chạy nhanh hay bệnh nhân bất tỉnh giữa trời mưa, họ phải đảm bảo ép tim liên tục.
"Chúng tôi cần bỏ mặc mọi chuyện xảy ra xung quanh, tập trung hoàn toàn vào việc giữ mạng sống cho bệnh nhân. Một số trường hợp yêu cầu bác sĩ quỳ gối dưới lòng đường và ép tim liên tục trong thời gian dài. Đôi lúc, chúng tôi phải thay nhau do quá mỏi", ông Thắng chia sẻ.
Việc cấp cứu ngoài hiện trường với điều kiện thời tiết xấu là điều bình thường. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Bên cạnh đó, với một số bệnh nhân đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ em, nhân viên y tế khi cấp cứu cũng cần tuân thủ đúng hướng dẫn và linh hoạt trong tư thế. Họ cần duy trì công việc từ hiện trường tới cơ sở y tế, đến khi bệnh nhân tái lập tuần hoàn tự nhiên.
Đội ngũ cấp cứu 115 cũng phải đối mặt khó khăn từ sự tin tưởng của người dân. Hiện nay, tỷ lệ xe cấp cứu được gọi đến nơi không có bệnh nhân của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội là gần 50%.
Bác sĩ Thắng cho hay: "Nhiều người cho rằng việc gọi xe cấp cứu mất thời gian và quyết định tự gọi xe. Tuy nhiên, mọi người cần gọi ngay cho 115 khi phát hiện bệnh nhân, điều phối viên sẽ hướng dẫn cụ thể để sơ cứu, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc".
Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nhận định chúng ta cần xây dựng giao thức và hướng dẫn cụ thể cho nhân viên điều phối hỗ trợ người dân ngay tại hiện trường. Việc này giúp tiết kiệm thời gian cứu bệnh nhân và tăng niềm tin cho người dân.
Theo ông Thắng, Việt Nam nên học hỏi một số nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Đức... Tại đây, việc cấp cứu ngừng tuần hoàn được đào tạo rộng rãi trong cộng đồng. Đặc biệt, máy sốc tim tự động còn được đặt tại các địa điểm công cộng như nhà ga, đường phố hay tòa nhà công sở.