Thực tế, nhiều sự việc đáng tiếc từng xảy ra với những học sinh vốn chăm ngoan, học giỏi, không có bất cứ biểu hiện tiêu cực nào khiến thầy cô, cha mẹ hoàn toàn bất ngờ, không lường tới được.
Trong đó, áp lực và phản ứng từ học sinh các trường chuyên, lớp chọn lớn đến mức khiến chính thầy cô các trường này phải tỏ ra lo ngại và trông chờ vào những giải pháp can thiệp tích cực, can thiệp sâu về tâm lý học đường.
Người lớn nghĩ gì khi học sinh phải kêu cứu vì thiếu ngủ. |
Nỗi đau không nguôi chỉ vì trót nặng lời với con
Bức thư tuyệt mệnh tại hiện trường là lớp học của nữ sinh 12 tuổi trường THCS Tân Lâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh) để lại ngày 2/1 khiến ai cũng phải thấy đau lòng. Cô bé ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại 2 bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn trong lớp được nữa.
Nguyên nhân của sự việc chỉ có thể bắt nguồn từ việc người cha có nặng lời với em trước giờ đi học sau khi giáo viên phản ánh về kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây. Một lần nữa, lời cảnh tỉnh về áp lực học tập, đòi hỏi điểm cao, thi đỗ từ phụ huynh, nhà trường khiến học sinh không tìm được lối thoát cho mình lại được nhắc đến bằng một bài học cay đắng.
“Tình trạng học sinh bị rối nhiễu tâm lý, có biểu hiện tự kỷ, tăng động ngày càng phổ biến. Có nhiều em chỉ vì một câu nói, lời trêu ghẹo của bạn mà phản ứng mạnh, thậm chí ở trường đã có trường hợp có em trèo lên lan can hành lang lớp học tầng 2 dọa nhảy xuống đất vì tức giận khiến toàn trường hoảng hốt” - cô Nguyễn Vĩnh Hà (một giáo viên quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Học sinh thiếu ngủ và áp lực
Kết thúc học kỳ I năm học 2017-2018, nhiều học sinh chỉ có một mong muốn đơn giản là có một ngày được ngủ thỏa thích. Căng thẳng về khối lượng kiến thức ôn tập, áp lực điểm số khiến chất lượng nghỉ ngơi hàng ngày của nhiều học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Tôi không tạo áp lực cho con về điểm cao hay thấp nhưng bản thân con lại tự tạo áp lực cho mình khi mới vào lớp 6 đã phải thường xuyên làm bài tập đến 12h đêm trong khi 6h sáng đã phải dậy đi học cả ngày ở trường” - một phụ huynh trường THCS Archimedes, Hà Nội chia sẻ.
Tình trạng quá tải và thiếu ngủ chính thức được công khai lên tiếng như một lời kêu cứu của học sinh khi được 2 học sinh trường THPT Gia Định đưa vào đề tài nghiên cứu khoa học và lọt vào vòng chung kết TP.HCM.
Theo khảo sát của đề tài này với hơn 7.000 học sinh THPT trên địa bàn thành phố thì cứ 5 học sinh thì có 4 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ. Có 44,1% học sinh không ngủ trưa, hơn 50% học sinh đi ngủ sau 23h và thức dậy trước 5h30 sáng.
Nhận thấy giấc ngủ của học sinh đang bị “đánh cắp” trầm trọng bởi việc học, thi cử, công nghệ thông minh, nhiều bạn cùng trường ngủ gật, mắt không thể mở ngay tiết đầu tiên trên lớp..., 2 học sinh trường Gia Định đã nghiên cứu về đề tài này.
Có 92,5% học sinh biết rằng nhu cầu giấc ngủ của cơ thể là từ 7-9 giờ đồng hồ mỗi ngày. Tuy nhiên số học sinh đạt được điều này vô cùng ít.
Có 59% học sinh phải thức dậy từ lúc 5h30 đến 6h, 31,3% học sinh thức dậy sớm hơn, trong khoảng thời gian từ 5h đến 5h50. Có 9,1% học sinh thức dậy trước 5h và chỉ có 0,6% học sinh thức dậy sau 6h sáng. Có tới 44,1% không được ngủ trưa.
Hai học sinh đã đề xuất các cơ quan chức năng 3 giải pháp, gồm lùi giờ học tiết đầu tiên, thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp và giảm bớt bài tập về nhà.
Cùng với đó, 2 học sinh này đã dùng hình ảnh để lên tiếng thay cho các bạn học sinh THPT với album “Hãy cho em ngủ” chụp lại các hình ảnh, tư thế buồn ngủ của học sinh trên lớp, gửi đến Sở GD&ĐT TP.HCM những kiến nghị về giải pháp tăng cường sức khỏe và chất lượng học tập.