Sau 4 năm yêu nhau và cùng đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, bạn trai Houman Abouei (36 tuổi, quốc tịch Mỹ) của Rosie Nguyen (Nguyễn Hồng Nhung, 28 tuổi, Cần Thơ) cầu hôn cô vào tháng 12/2022.
Trước khi đi đến quyết định gắn bó, hai người có nhiều cuộc nói chuyện về cuộc sống tương lai. Phải tới khi nhận thấy đôi bên đã sẵn sàng cho cột mốc mới, Houman mới ngỏ lời.
Dù vậy, Rosie và Houman vẫn cố gắng tận hưởng “cuộc sống tiền hôn nhân” nên chưa xác định ngày cưới, dự định trong năm 2024.
“Chúng tôi tập trung hiểu nhau hơn, cố gắng hoàn thiện bản thân để khi chính thức bước vào cuộc sống vợ chồng sẽ không bị quá bỡ ngỡ hay vỡ mộng”, Rosie giải thích.
Tương tự, nhiều người trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân thường có tâm trạng háo hức nhưng cũng không khỏi lo lắng. Không chỉ là vấn đề của lễ nghi, tiệc cưới, đây thật sự là trang mới trong cuộc sống mà cả chồng và vợ cần chuẩn bị tinh thần.
Nhiều thứ cần chuẩn bị
Khi về chung một nhà, Rosie và Houman đều đề cao nếp sống, sự thấu hiểu, hòa hợp. Cả hai thống nhất là ai giỏi việc gì thì sẽ làm việc đó.
“Cá nhân tôi không giỏi về cân bằng tài chính, cũng không thích tính toán nên chồng sẽ lo việc đó. Ngoài ra, hai đứa vẫn có tài khoản riêng để dịp lễ hay sinh nhật có thể tự chủ mua quà cáp cho nhau”, cô kể.
Sau khi đính hôn, Rosie và Houman tiếp tục xê dịch khắp nơi cùng nhau vì cho rằng “muốn hiểu nhất bản thân có hợp với nửa kia hay không thì hãy đi du lịch chung”. |
Dù chưa chính thức làm đám cưới, Rosie tự thấy bản thân nên có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo gia đình, bố mẹ hai bên. Cô bắt đầu thấy mình ra dáng một người vợ hơn.
“Tôi thích chăm lo nhà cửa hơn, học nấu nhiều món hơn vì anh thích ăn cơm nhà và thích cảm giác khi đi đâu về, mọi thứ tươm tất và thơm mùi cơm mới. Bản thân anh cũng sẽ mang nhiều trách nhiệm hơn trong việc lo lắng cho cuộc sống, tài chính gia đình”.
Là người cầu toàn, Rosie khá lo lắng khi suy nghĩ về địa điểm tổ chức hôn lễ khi cô và bạn trai đến từ hai đất nước khác nhau.
May mắn là bố mẹ hai bên tâm lý và luôn tôn trọng lựa chọn của các con. Dù khác nhau về ngôn ngữ và văn hóa, hai gia đình rất yêu quý nhau.
“Khi xác định được ngày cử hành hôn lễ, tôi sẽ tạm gác lại hết công việc và học tập trong 6 tháng để chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất”, cô nói.
Rosie và Houman đang tận hưởng mùa đông lạnh giá ở Kazakhstan. Qua những chuyến xê dịch liên tục như vậy, hai người cũng dần xác định nơi họ muốn sống sau này.
Khi có con cái, cặp đôi cũng muốn đưa con đi khắp thế gian để học hỏi và phát triển qua trải nghiệm thực tế.
Kiều Nhung (22 tuổi) và Kim Dong Hyun (quốc tịch Hàn Quốc) kết hôn vào ngày 18/2. Khác với Rosie và Houman, hai người quyết định đi đến hôn nhân chỉ sau 6 tháng quen nhau.
Nhung là phiên dịch viên tại công ty thiết kế nội thất Hàn Quốc, nơi chồng cô làm việc. Ngày nào cũng gặp mặt nhau, Nhung từng nghĩ về đích đến cho cả hai, nhưng không nghĩ chồng lại sốt sắng hơn cô tưởng.
Lời cầu hôn bất ngờ của Dong Hyun vào ngày sinh nhật khiến Nhung xúc động vì sự nghiêm túc, chân thành của anh và gật đầu đồng ý.
Kiều Nhung và Dong Hyun mất khoảng 2 tháng để lo thủ tục đăng ký kết hôn. Ảnh: The Qui. |
“Tôi từng có mối tình kéo dài khá lâu nhưng cuối cùng không đi đến đâu. Bởi vậy, tôi nghĩ yêu bao lâu không quan trọng bằng việc đó có phải người phù hợp với mình hay không. Cưới nhau về rồi cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ cũng là việc tốt, quan trọng là ở cạnh chồng, tôi thấy được là chính mình”.
Trước đó, khi biết Nhung quen người lớn hơn khá nhiều tuổi, mẹ lo lắng nhưng chỉ dặn cô cẩn thận, tìm hiểu kỹ rồi quyết định.
“Chồng tôi lúc đó cũng biết nên rất chăm chỉ về quê ăn cơm và nói chuyện với mẹ dù không được mấy câu. Dần dần, mẹ tôi quý mến anh ở sự hiền lành, đáng tin cậy”, cô kể.
Khi cặp đôi thông báo cưới, gia đình hai bên đều ủng hộ. Thậm chí, chồng cô còn tiết lộ kế hoạch cầu hôn trước với mẹ chồng.
Việc lên concept chụp ảnh cưới, nơi tổ chức hôn lễ, thiệp cưới,... nhanh chóng được bắt tay vào thực hiện.
“Chồng là người nước ngoài nên thủ tục đăng ký kết hôn của chúng tôi khá phức tạp, kéo dài khoảng 2 tháng. Đợt đó, cả hai phải liên tục đi lại từ Hà Nội về quê. Cũng may giấy tờ của chồng tôi thuê luật sư nên không cần về Hàn Quốc”.
Với vợ chồng Nhung, đám cưới ở Việt Nam phức tạp hơn tại Hàn Quốc khi có nhiều nghi lễ cần chuẩn bị. Cô cũng phải giải thích cho anh vì sao có lễ ăn hỏi, người bê tráp,...
Quá trình liên hệ các đơn vị tổ chức lễ cưới, một mình Nhung đảm nhận.
“Vì chồng không giao tiếp được nên chỉ đứng sau hỗ trợ vợ. Thấy chồng muốn giúp mà không được, đôi lúc tôi cũng thấy thương anh”.
Cũng vì không có nhiều kinh nghiệm, ban đầu, mọi thứ được lựa chọn theo ý thích của cô dâu.
“Ban đầu, chúng tôi dự định tổ chức đám cưới ngoài trời, nhưng gần đến ngày, thời tiết khá âm u và có khả năng mưa nên lại chọn phương án an toàn là tổ chức trong hội trường. Đổi địa điểm đồng nghĩa với mất tiền cọc, chúng tôi phải thay đổi toàn bộ concept và tìm đơn vị trang trí khác. May mắn là đến hiện tại, mọi thứ đã được sắp xếp ổn thỏa”.
Một tuần trước ngày trọng đại, Nhung vẫn không tin mình chuẩn bị lên xe hoa. Cô hồi hộp vì sắp thành người có gia đình.
Nhung lo lắng kiểm tra lại danh sách khách mời, những tiết mục sẽ diễn ra trong đám cưới. Trong khi đó, chồng cô cũng không nghĩ đã lấy được vợ nên “tim đập rộn ràng”.
“Thời gian chuẩn bị đám cưới có nhiều thứ không biết nên chúng tôi khá bối rối, nhưng giờ thì mọi thứ đang đi theo đúng như kỳ vọng. Tôi mong cuộc sống của hai đứa sau này cũng vậy”, Nhung chia sẻ.
Áp lực vô hình
Bước qua năm thứ 8 bên nhau, Ngọc Ly (31 tuổi) và Minh Tùng (32 tuổi, Hà Nội) chưa lên kế hoạch kết hôn. Vì vậy, khi được nửa kia cầu hôn vào tháng 9/2022, Ly khá bất ngờ.
Nhưng với Tùng, anh lại có suy nghĩ khác: “Thời điểm đó, dịch bệnh đã được kiểm soát, những kế hoạch cá nhân như phát triển bản thân, đi du lịch,... đã hoàn tất nên tôi cảm thấy đó là thời điểm thích hợp”.
Sau đó, cặp đôi bắt tay vào chuẩn bị cho sự kiện lớn nhất trong đời.
Vì là người cầu toàn, Ly tự tay chuẩn bị từng thứ nhỏ nhặt nhất cho hôn lễ. Cô thừa nhận dù tham dự nhiều đám cưới, hiểu biết về những lễ nghi gần như bằng 0. Cô phải chạy ngược chạy xuôi tìm hiểu trên mạng, hỏi kinh nghiệm người thân, bạn bè.
Lễ ăn hỏi và tiệc cưới được tổ chức cách nhau khoảng 2 tháng.
Trước đám cưới, Minh Tùng háo hức còn Ngọc Ly lại có nhiều lo lắng. Ảnh: The Qui. |
“Chúng tôi không thích mọi thứ quá vội vàng. Khoảng thời gian nghỉ ngơi ở giữa khiến cả hai chậm lại một chút để nhìn lại tất cả, thích ứng với cuộc sống mới”, Ly nói.
Càng gần ngày cưới, Ly đôi lúc cảm thấy khá mông lung, có những áp lực vô hình, không biết đám cưới có diễn ra theo kỳ vọng của mình hay không.
Còn với Tùng, anh lại mong đám cưới đến sớm hơn bao giờ hết.
“Tôi có cảm giác như deadline treo trên đầu, như sắp tham gia cuộc thi mà càng chờ càng sốt ruột, không thể tập trung làm được việc gì khác”, anh giải thích.
Tùng động viên bạn đời nghỉ ngơi, thư giãn, không cần nghĩ quá nhiều bởi cả hai đã cố gắng làm những điều tốt nhất có thể cho đám cưới.
Sau lễ cưới hôm 11/2, Ly vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Mọi thứ đúng như kế hoạch cô đề ra, thậm chí vượt trên cả kỳ vọng. Đó không phải về vật chất mà là những tình cảm không thể đánh đổi được của người thân, bạn bè trong ngày trọng đại.
“Có ánh mắt, nụ cười của những người lâu rồi tôi mới được nhìn thấy. Có những người bỏ thời gian, công sức lặn lội từ xa dự từ lễ ăn hỏi, lễ rước dâu rồi đãi tiệc. Thật sự xúc động”, cô nhớ lại.
Đến giờ, cuộc sống hôn nhân với Ly mới mẻ, nhưng chưa có nhiều khác biệt. Sự thay đổi nhiều nhất với cô là cách gọi “vợ, chồng”. Cô cảm thấy cả hai lắng nghe nhau nhiều hơn, trân trọng nhau nhiều hơn, dịu dàng và thấu hiểu nhau nhiều hơn.
“Trong một năm tới, chúng tôi sẽ làm nốt những điều còn dang dở, dành cho nhau nhiều thời gian hơn, có thể gọi đó là ‘gap year’ của hôn nhân để có tinh thần thoải mái cho việc có em bé sau này”, Ly chia sẻ.
Khi cả hai đều có công việc ổn định, Nguyễn Phượng (24 tuổi), kế toán tại quận Long Biên, Hà Nội, và bạn trai hơn cô 2 tuổi, hiện làm việc ở tổng kho xăng dầu, quyết định đi đến hôn nhân sau 6 năm bên nhau.
Nguyễn Phượng vừa mong chờ, vừa lo lắng khi sắp về chung một nhà với người mình yêu. |
Sau khi hai nhà ấn định ngày cưới vào cuối tháng 4, cặp đôi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, được bác sĩ tư vấn các gói tiêm.
Tiếp đó, họ nhanh chóng đi chụp ảnh cưới, lên concept cho tiệc chính và tìm hiểu, đặt dần dịch vụ.
Xác định sống chung với gia đình chồng, trước mắt, Phượng và vị hôn phu không phải lo chuyện mua nhà riêng như nhiều cặp đôi khác.
Cả hai dự định sau đám cưới cố gắng để ra khoản vốn để làm ăn và có chuyến đi trăng mật.
Càng gần ngày trọng đại, Phượng cảm thấy háo hức khi sắp về chung một nhà với người mình yêu. Nhưng cùng với đó, cô lại có tâm trạng hồi hộp và hoang mang.
“Tôi đang quen sống với bố mẹ, về nhà chồng không biết sẽ thế nào. Tôi cũng hơi sợ làm dâu vì chưa biết lo liệu nhiều thứ. Chồng tôi động viên vợ là lấy chồng gần, chỉ cách 1 km, nên có thể về nhà đẻ bất cứ lúc nào, nhưng tâm lý vẫn lo”, cô chia sẻ.
Biết về các lớp học tiền hôn nhân qua nhiều kênh thông tin, Phượng khá quan tâm và có thể rủ chồng đăng ký nếu phù hợp. Với cô, đây cũng là bước chuẩn bị khá tốt và cần thiết cho những người trẻ còn bỡ ngỡ khi chuẩn bị bước vào cuộc sống vợ chồng như mình.
Về tương lai xa hơn khi có con, nếu tài chính hai vợ chồng ổn định, Phượng cho hay có thể họ sẽ ra ở riêng để có cuộc sống tự lập hơn.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.