Người phụ nữ họ Park, ngoài 60 tuổi, thường cảm thấy bối rối khi tham dự đám cưới con cái của bạn bè ở Hàn Quốc. Đặc biệt, bà ngạc nhiên trước trang phục của khách mời tham dự. Phần lớn bạn bè của cô dâu chú rể đều mặc đồ màu đen.
"Ngày xưa có câu nói 'đi đám tang thì mang theo tiền, đi đám cưới thì mặc đẹp như tiên'. Những sự kiện như hôn lễ luôn gắn liền với không khí vui vẻ, tiệc tùng. Nhưng có vẻ hình ảnh đó ngày nay đã thay đổi", Park nói.
Khách mời không được nổi bật
Theo The Chosun Daily, trang phục của khách dự đám cưới ở xứ kim chi đã có sự thay đổi đáng kể theo thời gian. Hiện, màu đen thường chiếm phần lớn. Những màu sắc sặc sỡ có thể bị nhận xét tiêu cực; các kiểu trang phục hào nhoáng như váy sequin hoặc ren cũng bị nhiều người phản đối. Từ lâu, quy tắc bất thành văn "trang phục màu đen, kiểu dáng đơn giản" là lựa chọn an toàn nhất.
Các ngôi sao nổi tiếng đều mặc trang phục tối màu, giản dị khi tham dự đám cưới mới đây ở Seoul. |
Lý do cho điều này là bởi các vị khách muốn sự chú ý được dồn hết vào cô dâu.
Đám cưới, được xem là một trong những cột mốc quan trọng nhất cuộc đời, nên việc để cô dâu nổi bật nhất là điều không phải bàn cãi. Các vị khách mời mặc trang phục tông màu trầm sẽ tạo thành phông nền để chiếc váy cưới trắng của nhân vật chính nổi nhất, khi lên hình cũng đẹp hơn.
Văn hóa này hiện lên rõ nét tại một đám cưới đình đám ở Seoul tổ chức hồi đầu tháng 11, có sự tham dự của nhiều người nổi tiếng như ca sĩ Jennie (BlackPink), diễn viên Song Hye-kyo, Byun Woo-seok và Kim Go-eun. Tất cả diện trang phục đen giản dị, khiến nhiều người hâm mộ quốc tế bối rối khi xem ảnh.
"Có ai đã qua đời à?", một số người thắc mắc, gọi cảnh này là "cuộc họp văn phòng được ngụy trang thành đám cưới".
Ngược lại, đám cưới ở phương Tây thường có thiên hướng trang phục rực rỡ hơn. Dù đôi lúc cũng có tranh cãi về việc khách mặc đồ trắng hay váy quá nổi bật, song áp lực phải mặc đồ màu trầm, trung tính không tồn tại.
Khách dự đám cưới ở phương Tây thường mặc đồ sặc sỡ hơn. |
"Tôi từng mặc một chiếc váy xanh nhạt đến dự đám cưới của đồng nghiệp người Hàn Quốc và nhận được nhiều ánh nhìn không tán thành, giống như mọi người đang nghĩ: 'Cô ấy nghĩ mình là ai vậy?'", Jennifer, giáo viên người Mỹ dạy tiếng Anh tại Hàn Quốc, kể lại trải nghiệm của mình.
Trong khi đó, một phụ nữ Hàn Quốc thừa nhận cũng cảm thấy xấu hổ không kém khi mặc đồ đen đến dự đám cưới của người Nhật Bản, trong khi hầu hết khách mặc đồ màu tươi sáng.
Hanbok cũng "không"
Từng có thời gian, nhiều khách dự tiệc cưới ở Hàn Quốc cũng diện những bộ trang phục táo bạo, nhiều màu sắc, thậm chí đứng phía trước khi chụp ảnh để tăng thêm không khí vui vẻ cho buổi lễ.
Tuy nhiên khi đám cưới ngày càng trở nên xa hoa, và những cột mốc như hẹn hò, kết hôn, sinh con ngày càng hiếm, các cặp đôi cũng cảm thấy áp lực phải tổ chức ngày trọng đại sao cho rình rang. Theo đó, càng là đám cưới tổ chức ở khách sạn hạng sang, trang trí lộng lẫy, khách càng lo lắng về việc có thể "làm lu mờ" cô dâu.
Cùng với đó, định nghĩa về một vị khách không được chào đón không phải là người đến muộn hay mừng ít tiền mà là người có nguy cơ làm lu mờ cô dâu. Dù cảm nhận về cái đẹp là chủ quan, song nhiều người cẩn trọng luôn chọn mặc đồ đen để an toàn, tránh bị quy là "có ý đồ không tốt".
Người nổi tiếng cũng dễ thành tâm điểm tranh cãi nếu lỡ mặc đồ nổi bật đi đám cưới. |
Cuộc tranh luận về trang phục dự đám cưới cũng luôn sôi nổi trên mạng xã hội Hàn Quốc. Những vị khách mặc đồ sáng màu hay lộng lẫy đứng gần cô dâu thường bị chế giễu. Những bình luận như "Họ đang nghĩ gì vậy?" và "Họ nghĩ đây là đám cưới của họ sao?" rất phổ biến.
Ngay cả những người nổi tiếng cũng không thoát khỏi sự soi mói. Những bức ảnh chụp các ngôi sao mặc váy màu tím hoặc vàng rực rỡ đến dự đám cưới trong quá khứ bị đào lại và bình luận chỉ trích gay gắt, gọi họ là "những vị khách tồi tệ huyền thoại".
Những bài đăng với tiêu đề như "Chiếc váy này có quá lố nếu mặc đi đám cưới không?" hay "Tôi mặc một chiếc áo khoác màu be, tôi có nên xin lỗi không?" cũng xuất hiện không ít.
Ngay cả hanbok - trang phục truyền thống của Hàn Quốc - cũng đã biến mất phần lớn khỏi các đám cưới, trừ mẹ của cô dâu và chú rể. Không như trước đây, trang phục này hiện nay bị xem là quá cầu kỳ. Một cô dâu từng cáo buộc chị chồng tương lai cố gắng "phá hỏng đám cưới" của cô bằng cách mặc hanbok với áo trắng và váy đỏ, gây nên mối bất hòa trong gia đình.
Tuy nhiên, cũng có những cô dâu không tán thành văn hóa "làm nền" này của khách tham dự.
Cô dâu họ Lee, ngoài 30 tuổi, than thở: "Tôi đã nài nỉ bạn bè hãy cứ mặc đẹp khi đến đám cưới của tôi. Nhưng cuối cùng, mọi người đều mặc đồ đen. Tôi nghĩ họ chỉ sợ bị chỉ trích".
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.