Khi những người thuộc nhóm lớn tuổi nhất của thế hệ Millennials (Gen Y) đã bước sang tuổi 26, Gen Z cũng bắt đầu bước vào tuổi kết hôn, tình trạng hẹn hò và lập gia đình của giới trẻ ngày càng được chú ý.
Theo The Paper, người trẻ Gen Z thường có những mối quan hệ chớp nhoáng, bộc lộ tình cảm nhanh chóng, có vẻ đơn giản nhưng lại rất phức tạp trong nội tâm.
Áp lực phải thoát khỏi tình trạng độc thân được xem là cái khó của giới trẻ Trung Quốc ngày nay. Họ bị bố mẹ giục cưới, áp lực từ xã hội khi đến tuổi kết hôn nhưng chưa tìm được một nửa của mình.
Áp lực kết hôn đè nặng nhiều người trẻ Trung Quốc. Ảnh: VCG. |
Áp lực thoát độc thân
Xiao Gu (24 tuổi) nói rằng cô thường trực mong muốn có một tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng lao vào mối quan hệ thân mật dù hai bên chưa biết nhiều về nhau. Cô cũng thường xuyên thất tình.
"Yêu đương thì dễ nhưng để gặp đúng người rất khó", cô gái 24 tuổi nói.
Xiao Chen, người chưa từng có một mối quan hệ yêu đương nào trước đây, cho rằng thà độc thân còn hơn yêu sai người. Cô gái trẻ cũng thỉnh thoảng rơi vào trạng thái cô đơn khi không có một người yêu bên cạnh.
Theo kết quả khảo sát của Aurora vào năm 2021, 61,9% người sinh sau năm 1995 đang độc thân và 40,7% trong số họ chưa từng yêu. Trong nhóm sinh sau năm 2000, có 79,2% người đang độc thân và 61% chưa từng có kinh nghiệm yêu đương.
Những sự kiện hẹn hò tập thể thu hút hàng trăm người tham gia. Ảnh: VCG. |
Năm 26 tuổi, Li Muzi lần đầu trải qua cảm giác bị bố mẹ giục kết hôn. Cô độc thân suốt 3 năm và làm cho một công ty công nghệ lớn. Ban đầu, bố mẹ cô để con gái tự do lựa chọn, nhưng khi Li ngày càng nhiều tuổi và độc thân quá lâu, phụ huynh bắt đầu tạo áp lực.
Li cho biết cô không chỉ có một nỗi lo duy nhất về việc kết hôn. "Một ngày, tôi chợt nhận ra rằng nếu muốn có con trước tuổi 40 thì quả thực phải tính đến chuyện cưới xin trước năm 30 tuổi. Dù không nhất thiết có con ngay sau khi cưới, nhưng mọi người luôn muốn giữ một phương án an toàn".
Cô gái 26 tuổi cho rằng giới trẻ ngày nay không cực đoan về chuyện hẹn hò như mọi người vẫn nghĩ.
Khi mới ra trường, Li kịch liệt phản đối những cuộc hẹn hò mù quáng. Giờ cô đã quen với việc trao đổi WeChat cùng những đối tượng do bố mẹ chọn, thỉnh thoảng hẹn gặp mặt ở ngoài để tìm hiểu và nói chuyện cùng nhau.
"Hai bên sẽ hẹn nhau đi ăn uống, trò chuyện, nếu không hứng thú với nhau thì sẽ không tiến xa hơn. Đây cũng là lý do tôi không cự tuyệt những cuộc hẹn hò mù quáng".
Thuyết "đồng hồ xã hội"
Trong lý thuyết "đồng hồ xã hội", có những mốc chung nơi mọi người mong đợi đạt đến giai đoạn phát triển khác nhau trong từng độ tuổi. Ví dụ như một người sẽ vào đại học năm 18 tuổi, yêu đương năm 22 tuổi và lập gia đình năm 30 tuổi.
Giới trẻ áp lực khi bị đặt vào các quy chuẩn xã hội trong chuyện hẹn hò, kết hôn. |
Nếu một người sống theo từng mốc trên "đồng hồ", họ dễ dàng được xã hội chấp thuận. Ngược lại, họ thường sẽ phải chịu nhiều áp lực và định kiến từ người xung quanh.
Sự tồn tại của những người độc thân vào độ tuổi kết hôn đã bị xem là "bất bình thường" và họ bị những người xung quanh điều chỉnh một cách vô thức nhằm đưa họ vào đúng guồng quay.
Những người độc thân cũng phải chịu nhiều áp lực chỉ vì họ không tìm được bạn đời, thậm chí những lời chỉ trích vượt ra ngoài phạm vi "sự độc thân", khiến nỗi "lo lắng độc thân" bị sinh ra.
Li Muzi sống độc thân vì cô chưa muốn yêu, vẫn chưa thoát được khỏi cảm xúc trong mối quan hệ kết thúc gần đây nhất. Ở tuổi 26, cô cần dồn nhiều tâm sức khi đang trên đà phát triển sự nghiệp.
Dù là vì phần thưởng hay nhu cầu được công nhận thành tựu, cô đều dành phần lớn thời gian cho công việc.
Nhiều người ở độ tuổi kết hôn chưa từng hẹn hò ai. Ảnh: VCG. |
Số liệu mới nhất từ Cục thống kê Trung Quốc cho thấy nhân viên trong các công ty trong nước sẽ làm việc trung bình 48,6 giờ/tuần, tức khoảng 9,72 giờ/ngày tính theo tuần làm việc 5 ngày.
Dưới cường độ làm việc như vậy, nhu cầu tình cảm của con người tự nhiên bị suy giảm. Trong quỹ thời gian hạn hẹp, họ mong muốn có những phần thưởng tích cực hơn cho cảm xúc của mình. Những niềm vui trên mạng dễ đạt được nhanh hơn so với việc duy trì mối quan hệ thân mật.
So với những năm trước, giờ Li Muzi hiếm khi đến những nơi giao lưu ngoài công việc. Trong môi trường đó, cơ hội gặp gỡ người cùng tuổi giảm dần và những đối tác hay đồng nghiệp không phù hợp để yêu đương.
Quan niệm yêu đương đa dạng
Theo khảo sát, giới trẻ ngày nay khó yêu nhưng dễ chia tay hơn.
Quan niệm về "yêu" của họ cũng có xu hướng trở nên đa dạng. Khảo sát về quan niệm tình yêu mới cho thấy có 3 kiểu mối quan hệ mới mà giới trẻ mong muốn nhất: hẹn hò cuối tuần, hẹn hò ngắn ngày và mối quan hệ mở.
Với sự độc lập cá nhân ngày càng lớn, nhìn chung các mối quan hệ lãng mạn khiến người trẻ dễ thấy bị tổn thương.
Li Muzi cho biết cô vẫn luôn hướng về tình yêu, trong tưởng tượng về cuộc sống tương lai của cô luôn có hình ảnh của một gia đình. Đối với cô, người yêu là người đồng hành và hỗ trợ tinh thần. Về mặt vật chất, cô tin bản thân có thể độc lập và tự lo cho mình.
Quan niệm tình yêu thời hiện đại ngày càng đa dạng. Ảnh: Getty. |
Trong hôn nhân và tình yêu, Li tin tình cảm của con người luôn thay đổi, hai người đang trong một mối quan hệ có thể chỉ có cảm xúc với nhau trong một giai đoạn. Trong quá trình phát triển bản thân, đôi bên có thể dần có mục tiêu hoặc nhận ra quan điểm đã không còn giống nhau như trước.
Shen Yifei, giáo sư tại Đại học Phúc Đán, đã đưa ra khái niệm "sự pha trộn giữa kịch bản tình yêu cũ và mới".
Cô cho rằng trong kịch bản cũ của tình yêu, hôn nhân và tình yêu là phụ thuộc vào lợi ích gia đình, nhưng lợi ích là sự ổn định và không có trách nhiệm với lựa chọn cá nhân.
Trong kịch bản mới về tình yêu thời đại hiện nay, mong muốn, lựa chọn và hạnh phúc cá nhân được đặt lên trên mọi thứ khác, nhưng nhược điểm là tốn nhiều thời gian và sức lực hơn, không được đảm bảo như trước.
Về quan điểm tình yêu, nó được phản ánh trong tâm lý tân tiến và mâu thuẫn của con người: họ muốn có được quyền tự chủ của tình yêu, nhưng họ cũng thèm muốn sự nỗ lực và ổn định của tình yêu kiểu cũ.
"Bởi vì đằng sau chúng ta có hai hệ thống logic hoàn toàn trái ngược nhau, nếu bạn theo tiêu chuẩn kép, tự mâu thuẫn với chính mình thì sẽ khó tìm được người phù hợp", Shen phân tích.
Một số người nghĩ rằng một mối quan hệ mập mờ sẽ phải phát triển thành một mối quan hệ yêu đương, và tình yêu là mối quan hệ vì mục đích hôn nhân.
Có người lại quan niệm sự mập mờ có thể kết thúc bất cứ lúc nào, chưa dấn thân vào một mối quan hệ thì không cần có trách nhiệm với nhau, và cái kết của tình yêu cũng có thể không nhất thiết phải là hôn nhân.