Một ngày học của con chị Thanh Hiền bắt đầu từ lúc 7h15, kết thúc vào khoảng 2h sáng hôm sau. Tình trạng này kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay và cũng khó cải thiện khi càng đến gần kỳ thi tuyển sinh lớp 10, áp lực càng lớn.
Con vất vả, phụ huynh lo lắng nhưng họ cố động viên nhau nỗ lực trong năm cuối cấp để đạt mục tiêu vào trường chuyên.
Đặt mục tiêu vào trường chuyên, học sinh cuối cấp học tập rất vất vả. Ảnh minh họa: Báo Khánh Hòa. |
Áp lực học tập
Chị Thanh Hiền chia sẻ hết lớp 8, con phải học tập với cường độ tăng vọt. Năm ngoái, mỗi tuần, con chỉ học thêm 3 buổi. Khoảng 23h, con hoàn thành bài vở rồi đi ngủ.
Năm nay, gia đình lên lộ trình để con ôn thi vào trường chuyên. Từ tháng 6, các lớp luyện thi đã tuyển sinh. Chị cùng con tìm lớp, học thử, chốt theo các lớp Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Kể từ đó, hàng ngày, dù tối qua thức khuya đến đâu, sáng 6h30, con đã dậy để chuẩn bị, ăn uống, ngồi vào bàn, mở máy tính lúc 7h15, chính thức học từ 7h30.
Chương trình học chính ở trường kéo dài đến 11h35, học thêm từ 14h đến 17h. Buổi tối, con ăn uống, tắm rửa, tranh thủ ôn bài trước khi vào ca một luyện thi từ 17h30 đến 19h30 và ca 2 từ 19h30 đến 21h30. Sau 22h, con dành thời gian làm bài tập, tự học đến khoảng 2h sáng.
Gần nửa năm trôi qua, dù đang ở giai đoạn phát triển, con trai chị Thanh Hiền chững lại, không cao thêm, cân nặng cũng sụt giảm, người gầy gò, mắt tăng độ cận, thần kinh căng thẳng.
“Về mặt tâm lý, gia đình chưa phát hiện điều gì nghiêm trọng nhưng thỉnh thoảng, con nổi cáu, khóc giận vô cớ. Con cũng tâm sự gặp khó khăn do thi chuyên, đề khó, kiến thức rộng lớn, phải học nhiều để nạp thêm kiến thức. Tuy nhiên, trình độ nhận thức mỗi bạn khác nhau, người thông minh học ít, bạn bình thường muốn giỏi, phải học nhiều”, chị Hiền cho hay.
Cũng đặt mục tiêu vào trường chuyên, con trai chị Mai Liên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trải qua lịch học căng thẳng không kém. Tự đánh giá thành tích học tập của con tương đối ổn định, con có thời gian chuẩn bị lâu ngày song nữ phụ huynh vẫn lo lắng nhiều khi con nghỉ ngơi quá ít.
Ngoài việc học ở trường, con tự mày mò tìm lớp luyện thi online, học tiếng Anh, Toán qua các phần mềm. Cả ngày, con gần như giam mình trong phòng để học bài.
Mấy tháng nay, con trầm tính hẳn, không muốn trò chuyện với ba mẹ, thường nổi cáu nếu em trai vào phòng mình. Việc thức đến 1-2h sáng làm bài diễn ra thường xuyên. Hôm nào mệt quá, con đi ngủ sớm hơn. Sáng mai, 4h30, con đã bật đèn ngồi vào bàn học.
“Con ngủ rất ít. Vợ chồng tôi lo lắng nhưng không thể bảo con học ít đi. Nhắc nhở con ngủ sớm, con cáu gắt nên đành để vậy, chỉ có thể chăm lo hơn ở bữa ăn để con đủ sức học”, chị Mai Liên tâm sự.
Phụ huynh kỳ vọng con sớm được trở lại trường để giảm bớt áp lực tâm lý khi học online lâu ngày với cường độ lớn. Ảnh minh họa: Nhật Sinh. |
Theo sát con để dừng lại khi cần thiết
Chị Mai Liên từng nỗ lực kéo con ra khỏi màn hình, sách vở, cho con sang nhà ông bà ngoại để có không gian thoải mái, anh em họ chơi cùng. Nhưng lúc đó, con vẫn mang theo máy tính, vùi đầu học bài, chỉ đơn giản đổi địa điểm.
Vào thời điểm dịch bệnh không quá căng thẳng, gia đình lên kế hoạch ra ngoại thành nghỉ ngơi cuối tuần, con từ chối tham gia. Do vậy, gia đình chiều ý, để con sinh hoạt thoải mái, tránh tạo thêm áp lực tâm lý lên học trò cuối cấp.
Tương tự, chị Thanh Hiền tìm thêm các việc khác cho con làm để đỡ căng thẳng như rủ con cùng nấu cơm, chơi thể thao. Những lần như vậy, con đồng ý rời bàn học nhưng thực sự rất khó duy trì khi đến cả việc ăn uống, tắm rửa, con còn phải tranh thủ giờ nghỉ giữa các ca học để thực hiện.
Nữ phụ huynh nói thêm việc con bước vào năm cuối cấp ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng, phải học online vừa có mặt tốt mặt xấu. Ở khía cạnh tích cực, con đỡ phải di chuyển đến các lớp học thêm khác nhau. Ba mẹ dễ dàng chăm lo từng bữa ăn hơn.
Dù vậy, ở tuổi dậy thì, còn lại chịu thiệt thòi khi thiếu hoạt động thể chất, tương tác trực tiếp với bạn bè. Vì vậy, suy xét nhiều mặt, chị Hiền hy vọng tình hình sớm ổn định để con trở lại trường, gặp gỡ thầy cô, bạn cùng tuổi, giảm bớt thời gian ngồi trước máy tính, thoải mái tinh thần hơn.
Còn hiện tại, gia đình vẫn tạo điều kiện để con học tập trong khả năng chịu đựng và ý nguyện của con. Hai mẹ con tự động viên còn một năm phấn đấu vì mục tiêu vào trường chuyên nên cố gắng học tập.
Chị nói thêm khi con đặt mục tiêu vào chuyên Tiếng Anh, hai mẹ con đánh giá điều này vừa sức. Nhưng trong cuộc cạnh tranh đó, nhiều khi, sơ suất xảy ra dẫn đến kết quả không như ý. Vì thế, ngoài những lo lắng con chịu ảnh hưởng về mặt thể chất, tâm lý do học online lâu ngày, cường độ cao, chị còn sợ trong kỳ thi sắp tới, nếu không đạt nguyện vọng, không biết tâm lý con có đủ vững vàng để chấp nhận thất bại không.
Hiểu rõ con chịu nhiều áp lực, chị thường chia sẻ để con hiểu học tập chỉ là một mục tiêu trong nhiều mục tiêu con cần hướng tới để trưởng thành.
“Tôi thường nói với con quan trọng nhất, con đã cố gắng, ngày hôm nay tiến bộ hơn ngày hôm qua. Kết quả như nào, mẹ con mình cũng vui vẻ. Nếu căng thẳng quá, con có thể ngừng mục tiêu thi chuyên, chuyển sang mục tiêu vừa sức, miễn con thấy hài lòng, hạnh phúc”, nữ phụ huynh ở Hoàng Mai tâm sự.