ASEAN và các đối tác Đông Bắc Á đang mong muốn mở rộng Sáng kiến Chiang Mai. Ảnh: Reuters. |
Cuộc gặp sẽ diễn ra vào tháng 5 tại Incheon, Hàn Quốc, Nikkei Asia đưa tin hôm 29/4.
Sáng kiến Chiang Mai được các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á thiết lập năm 2000 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Qua sáng kiến, các nước thành viên có thể tiếp cận với nguồn USD hoặc các đồng ngoại tệ khác để tránh vỡ nợ.
Theo quy định hiện nay, quỹ chung trị giá 240 tỷ USD chỉ có thể được sử dụng nếu một nước lâm vào khủng hoảng. Theo đề xuất mới, nguồn tiền này còn có thể được dùng nếu nguồn dự trữ ngoại tệ của các quốc gia tạm thời sụt giảm khi các chính phủ buộc phải chi tiền để đối phó với thiên tai hay các tình huống khẩn cấp.
Trên thực tế, khi các quốc gia đều tăng dự trữ ngoại hối sau cuộc khủng hoảng năm 1997, nguồn quỹ của Sáng kiến Chiang Mai chưa bao giờ được sử dụng. Thay vào đó, số tiền này đóng vai trò “bảo hiểm” nhiều hơn.
Cuộc đàm phán được tổ chức giữa lúc châu Á phải đối mặt với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng y tế. Nguồn dự trữ ngoại hối của một số nước đang phát triển đã sụt giảm do đại dịch Covid-19 khi xuất khẩu và du lịch đều bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, châu Á cũng đối mặt với hàng loạt thiên tai trong những năm gần đây, gây tác động tới các nền kinh tế. Ví dụ, trận lũ lụt tại Pakistan năm 2022 gây ra thiệt hại tới 40 tỷ USD, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.