Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Assassin’s Creed’ mới chỉ thỏa mãn các fan của trò chơi gốc

Trung thành với nguyên tác và sở hữu nhiều cải biên sáng giá, nhưng ‘Assassin’s Creed’ chưa thể thoát khỏi lời nguyền đeo bám các phim chuyển thể từ trò chơi bởi phần kịch bản non.

Trailer bộ phim 'Sát thủ bóng đêm' "Assassin's Creed" được hãng Fox thực hiện dựa trên nguyên tác trò chơi đình đám cùng tên, với hai ngôi sao Michael Fassbender và Marion Cotillard.

Câu chuyện của Assassin’s Creed xoay quanh cuộc đối đầu định mệnh đã tồn tại suốt hàng trăm năm giữa hai kẻ thù truyền kiếp: Hội Hiệp sĩ Thánh chiến và Hội Sát thủ.

Là tổ chức bí ẩn tập hợp những cá nhân ưu tú sở hữu quyền lực và địa vị cao trong xã hội, Hội Hiệp sĩ Thánh chiến mong muốn tạo ra thế giới lý tưởng không còn xung đột, bạo lực. Họ chủ trương thực hiện lý tưởng bằng sự cai trị tuyệt đối, sẵn sàng loại trừ bất cứ ai mang tư tưởng bất đồng, phản kháng.

Xuyên suốt lịch sử tồn tại, Hội Hiệp sĩ Thánh chiến không ngừng tìm kiếm Quả táo Vườn Địa Đàng - thánh vật huyền thoại tương truyền là thứ chứa đựng hạt giống bất tuân của loài người. Họ tin rằng khi sở hữu trái cấm, bản thân có thể sử dụng quyền năng của nó để thao túng và thống trị toàn nhân loại.

Trái ngược với Hội Hiệp sĩ Thánh chiến, Hội Sát thủ hoạt động với mục tiêu duy trì sự cân bằng của thế giới và tự do ý chí của loài người trước mưu đồ độc tài chuyên chế của Hội Hiệp sĩ. Chấp nhận ẩn mình trong bóng tối để hành động và phụng sự ánh sáng, Hội Sát thủ trở thành kẻ thù truyền kiếp, quyết không đội trời chung của Hội Hiệp sĩ.

review phim Assassin's Creed anh 1
Assassin's Creed là tác phẩm điện ảnh được thực hiện dựa trên loạt trò chơi cùng tên nổi tiếng của Ubisoft. Ảnh: Fox.

 

Ở thế giới hiện đại, Callum Lynch (Michael Fassbender) là một tử tù đang chờ đợi đến thời khắc bị hành quyết. Sau khi bị xử tử bằng hình thức tiêm thuốc độc, anh bất ngờ tỉnh lại và thấy mình đang có mặt tại cơ sở nghiên cứu của Abstergo Industries ở Tây Ban Nha.

Abstergo thực chất là một tổ chức thuộc Hội Hiệp sĩ Thánh chiến thời hiện đại, có nhiệm vụ truy tìm Quả táo Vườn Địa Đàng thông qua việc truy hồi ký ức các sát thủ trong lịch sử từ hậu duệ của họ.

Tiến sĩ Sophia Rikkin (Marion Cotillard), trưởng nhóm nghiên cứu tại Abstergo, tiết lộ với Callum Lynch rằng anh vốn là con cháu nhiều đời của Aguilar de Nerha - một sát thủ sinh sống và hoạt động tại Tây Ban Nha vào thế kỷ XV.

Sophia tin rằng Aguilar là người cuối cùng từng nắm giữ Quả táo, cũng như biết được vị trí mà trái cấm được cất giấu. Thông qua cỗ máy đặc biệt có tên Animus, Callum có thể tái hiện ký ức của tổ tiên được lưu trữ trong mã gien di truyền của bản thân, qua đó khám phá bí mật về dòng dõi sát thủ.

Trung thành với nguyên mẫu trò chơi

Assassin's Creed là loạt game nổi tiếng của hãng Ubisoft. Kể từ phiên bản đầu tiên ra mắt năm 2009, thương hiệu đến nay đã có hàng chục phần khác nhau, ra mắt trên nhiều hệ máy, với số lượng bán ra đạt gần 100 triệu bản và có lượng người hâm mộ đông đảo trên khắp toàn cầu.

Assassin's Creed hấp dẫn người chơi không chỉ bởi lối chơi hành động - phiêu lưu phi tuyến tính trong thế giới mở độc đáo, mà còn bởi cốt truyện đầy cuốn hút trải dài qua nhiều thời kỳ lịch sử tại nhiều bối cảnh khác nhau.

Xoay quanh cuộc chiến không hồi kết giữa Hội Hiệp sĩ Thánh chiến và Hội Sát thủ, nội dung các phần Assassin's Creed là sự kết hợp nhuần nhuyễn và hợp lý giữa sáng tạo, hư cấu dựa trên huyền thoại, truyền thuyết, với những yếu tố khoa học, lịch sử, tôn giáo có thật.

review phim Assassin's Creed anh 2
Bộ phim Assassin's Creed rất trung thành với nguyên tác trò chơi, đặc biệt là tựa game đầu tiên ra mắt năm 2009. Ảnh: Fox.

 

Có thể thấy phiên bản điện ảnh của Assassin's Creed rất trung thành với nguyên mẫu trò chơi, đặc biệt là phần game đầu tiên ra mắt năm 2009. Cốt truyện chính cùng hệ thống nhân vật và sự kiện hầu như được giữ nguyên.

Điều đó giúp tạo ra sự nhất quán giữa thế giới của bộ phim với loạt trò chơi gốc, dù nó khiến cho sự phân bổ thời lượng giữa hai bối cảnh quá khứ - hiện tại trong game và phim có sự thay đổi và đảo ngược cho nhau.

Ở cả trò chơi lẫn trên màn ảnh, các sự kiện và nhân vật chính thực tế chỉ tồn tại trong bối cảnh hiện đại. Còn bối cảnh quá khứ vốn là ký ức của nhân vật được tái hiện thông qua Animus.

Tuy nhiên, với trò chơi, bằng ưu thế không bị hạn chế thời lượng nên bối cảnh quá khứ được ưu tiên và khai thác tối đa, trở thành phần nội dung chính. Còn trên phim, để đảm bảo giới thiệu đầy đủ các sự kiện, nhân vật trong khoảng thời gian giới hạn, ê-kíp sản xuất buộc phải ưu tiên bối cảnh chính diễn ra ở thời hiện đại, hạn chế bối cảnh phụ của quá khứ.

Người hâm mộ loạt Assassin’s Creed chắc chắn sẽ cảm thấy thích thú khi chứng kiến nhiều chi tiết đặc trưng của loạt game được đạo diễn Justin Kurzel đưa lên màn ảnh. Việc các Sát thủ phải chặt bỏ ngón tay áp út để có thể sử dụng lưỡi dao ẩn, hay nghi lễ vuốt mắt nạn nhân sau mỗi lần ra tay hành thích… đều xuất hiện.

Nhiều cải biên tích cực và đáng giá

Không chỉ trung thành với nguyên mẫu trò chơi, bộ phim Assassin's Creed còn đem đến nhiều cải biên đáng giá. Nhà sản xuất mạnh dạn xây dựng một tuyến nhân vật chính hoàn toàn mới, tương đồng về hoàn cảnh, chứ không sử dụng nhân vật sẵn có từ game một cách máy móc.

Xây dựng câu chuyện của một nhân vật hoàn toàn mới giúp nhà sản xuất có thể tự do sáng tạo hơn, vượt ra ngoài những gì có sẵn trong trò chơi. Điều đó giúp bộ phim tránh khỏi những so sánh không cần thiết. Trong trường hợp, tác phẩm điện ảnh chuyển thể thất bại, nó cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến loạt trò chơi gốc sau này.

review phim Assassin's Creed anh 3
Cỗ máy Animus "tiến hóa" trên màn ảnh và rất có thể sẽ được đưa vào game trong tương lai gần. Ảnh: Fox.

 

Một cải tiến đáng giá nữa đến từ cỗ máy Animus. Nếu như trong trò chơi, đây chỉ là thiết bị đơn điệu, có hình dạng như chiếc ghế, thì trên phim, nó “tiến hóa” thành hệ thống mô phỏng hành động phức tạp, hoành tráng và đầy sáng tạo.

Nhờ đó, hiệu ứng truy hồi ký ức mà Animus đem đến cho khán giả ấn tượng và chân thực hơn rất nhiều so với những gì từng được thể hiện trong trò chơi. Chi tiết cải tiến đáng giá đến nỗi chính hãng Ubisoft cũng dành lời khen ngợi và cho biết sẽ xem xét đưa ý tưởng từ bộ phim vào các phần game tiếp theo.

Hiệu ứng hình ảnh và hành động ấn tượng

Assassin's Creed đem đến cho khán giả phần hiệu ứng hình ảnh khá ấn tượng và độc đáo. Mỗi bối cảnh quá khứ - hiện tại được thể hiện với phong cách riêng biệt, mang đặc trưng riêng.

Ở thời hiện đại, bộ phim chủ yếu sử dụng tông màu lạnh, với những khoảng không gian hẹp, vừa tạo vẻ hiện đại, vừa thể hiện nét bí ẩn, với những âm mưu, toan tính ẩn sau hành động mỗi nhân vật.

Còn với quá khứ, bộ phim đem đến đất nước Tây Ban Nha ở thế kỷ XV với tông màu nóng của những vùng hoang mạc đầy nắng gió, hay những thành trì ngập chìm trong chiến tranh, xung đột, chết chóc.

Nhiều đại cảnh được thực hiện bằng những cú máy flycam từ trên cao đổ xuống, giúp khán giả có cái nhìn bao quát hơn về quốc gia châu Âu thời Trung cổ, nơi có Giáo hội bị Hội Hiệp sĩ giật dây vào thao túng.

Những người chơi game chắc chắn sẽ không cảm thấy thất vọng bởi phần hành động trong phim. Chúng khá trung thành với lối chơi của loạt game gốc.

Đó là những pha truy đuổi, leo trèo qua nhiều dạng địa hình, công trình kiến trúc khác nhau, những cảnh kết liễu nhanh gọn, lạnh lùng đậm chất Hội Sát thủ, hay các màn giao chiến tay đôi không cầu kỳ, hoa mĩ, mà vô cùng thực tế và hiệu quả.

Các cảnh hành động trong phim có thời lượng khá lớn và được thực hiện tốt. Tiếc rằng, cú nhảy “Leap of faith” đặc trưng của trò chơi thì chưa đủ gây ấn tượng, dù nhà sản xuất đã dày công ghi hình nó bằng diễn viên đóng thế thực thụ chứ không lạm dụng kỹ xảo vi tính.

Khuyết điểm chết người từ kịch bản nghèo nàn

Dù sở hữu nhiều ưu điểm sáng giá, Assassin's Creed vẫn chưa thể thoát khỏi lời nguyền dai dẳng đeo bám các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ trò chơi.

Bộ phim được thực hiện dựa trên phần kịch bản nghèo nàn, còn nhiều lỗ hổng. Hiệp sĩ Thánh chiến và Hội Sát thủ tuy liên tục được nhắc đến, nhưng lý tưởng của mỗi phe và bản chất mối xung đột truyền kiếp lại chưa được miêu tả rõ ràng.

Vai trò của Quả táo Vườn Địa Đàng, mục tiêu kiếm tìm của cả hai bên, mới chỉ được nhắc đến mơ hồ, yếu ớt. Hậu quả là những ai chưa từng trải nghiệm loạt trò chơi gốc sẽ khó lòng hiểu hết về cuộc chiến, vì sao các bên muốn chiếm trái cấm đến thế, hay thậm chí vì lẽ gì mà Hội Hiệp sĩ Thánh chiến lại trở thành những kẻ phản diện, còn Hội Sát thủ lại biến thành người hùng.

review phim Assassin's Creed anh 4
Kịch bản nghèo nàn đã khiến Assassin's Creed chưa thể chấm dứt lời nguyền dành cho các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ trò chơi.

Hội Sát thủ với truyền thống cha truyền con nối và mối liên kết đặc biệt giữa các thế hệ thông qua huyết thống là ý tưởng chính, tạo nên nét đặc sắc cho thương hiệu. Nhưng trong phim, nó mới chỉ được đề cập khá sơ sài, không thể hiện rõ sự gắn kết về mặt tư tưởng giữa các bậc tiền nhân và hậu duệ.

Các nhân vật trong phim bị thiếu chiều sâu. Xuyên suốt tác phẩm, khán giả hầu như không thấy được sự thay đổi cụ thể nào bên trong Callum Lynch, không cảm nhận được những tổn thương trong anh bởi những bi kịch phải trải qua thuở nhỏ.

Tuy bộ phim đã cố gắng khai thác tâm lý của nhân vật thông qua câu chuyện giữa anh và người cha thất lạc từ lâu, nhưng nó lại diễn ra quá chóng vánh và nhàm chán.

Không chỉ Callum Lynch, những nhân vật khác như tiến sĩ Sophia Rikkin hay vị giám đốc đầy tham vọng Alan Rikkin (Jeremy Irons) cũng gặp tình trạng tương tự. Mục tiêu của họ đều khá mơ hồ, gây ra cách hành xử đầy máy móc mà không hề có động lực cụ thể.

Tất cả những khuyết điểm ấy khiến Assassin's Creed trở thành tác phẩm điện ảnh mới chỉ đạt mức trên trung bình, phần nào thỏa mãn người hâm mộ loạt trò chơi gốc. Có lẽ Holywood nên cân nhắc kỹ hơn nếu muốn tiếp tục chuyển thể game lên màn ảnh rộng và tạo ra một tác phẩm thực sự chất lượng.

Assassin’s Creed (Sát thủ bóng đêm) khởi chiếu trên toàn quốc từ 30/12.

Zing.vn đánh giá: 3/5

Khánh Hưng

Bạn có thể quan tâm