Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ðặt hàng đồ án tốt nghiệp

Ngày càng nhiều đồ án tốt nghiệp của sinh viên xuất phát từ những dự án doanh nghiệp đặt hàng hoặc từ ý tưởng của người sử dụng.

Nguyễn Trương Minh Long là trưởng nhóm 13, sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nghiên cứu về đề tài “Phân loại xoài dựa, khối lượng và khuyết tật - xử lý dữ liệu trên điện toán đám mây”.

do an tot nghiep anh 1

Sinh viên ÐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong một giờ thực hành. Ảnh: Tiền Phong.

Minh Long chia sẻ công trình mà nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật xử lý ảnh và phương pháp định lượng khối lượng đo đạc về kích thước cũng như phát hiện khuyết tật trên xoài, ứng dụng lưu trữ và phân tích dữ liệu trên điện toán đám mây. Chiếc máy sẽ tạo cơ sở dữ liệu để phân tích chất lượng của xoài theo từng năm và từng nhà vườn để giúp người nông dân đưa ra các giải pháp chăm sóc cây trồng một cách hợp lý, mang lại năng suất cao cho người nông dân.

Bên cạnh đó, chiếc máy này giúp tự động hóa các các quy trình phân loại xoài phức tạp tiết kiệm thời gian và năng suất cao hơn.

Với ý tưởng hỗ trợ người nông dân trong gieo hạt và thu hoạch rau, nhóm sinh viên ngành Cơ điện tử Khoa Cơ khí chế tạo máy cũng của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM gồm Trần Duy Long, Trần Quang Duy Nguyên và Bùi Thanh Phong đã chế tạo ra “Máy trồng và thu hoạch rau ứng dụng robot delta”.

“Ðã hết thời các trường ÐH đào tạo theo vốn tự có. Hiện nay, các trường đều phải linh hoạt đào tạo theo nhu cầu xã hội, mà cụ thể ở đây là theo yêu cầu của các doanh nghiệp, nhà sử dụng lao động”

PGS Lý Tuấn Trường

Chia sẻ về việc hình thành ý tưởng đề tài, đại diện nhóm cho biết: Nhu cầu tiêu thụ các loại rau như xà lách, cải… tại Việt Nam rất lớn tuy nhiên lại đòi hỏi quá trình sản xuất nhanh với số lượng nhiều. Điều này gây khó khăn cho nhà nông khi vừa phải trồng và thu hoạch khối lượng khổng lồ trong thời gian ngắn trên diện tích canh tác lớn.

Từ đó, nhóm hình thành ý tưởng ứng dụng robot delta vào một chiếc máy có thể hỗ trợ gieo cây mầm và thu hoạch nông sản. Sáng chế này tiết kiệm thời gian đào lỗ dưới đất và gieo cây mầm xuống.

Chiếc máy có bộ phận khoan lỗ để bỏ cây vào, sau đó robot delta sẽ gắp cây mầm từ chậu ươm và bỏ vào trong lỗ. Chiếc máy này hoàn toàn tự động, người dùng chỉ cần bỏ khay có các chậu cây đã ươm mầm vào máy.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đồ án các sinh viên thực hiện đợt này phản ánh được chất lượng đào tạo của khoa. Gần 50% là các dự án xuất phát từ đơn đặt hàng của doanh nghiệp, hoặc từ những ý tưởng của người sử dụng.

Các đề tài cho thấy việc đào tạo của nhà trường đã tiến gần với các yêu cầu của xã hội; bám sát yêu cầu thực tiễn, thể hiện tính sáng tạo của sinh viên, chuyển những kiến thức đã học thành những sản phẩm có giá trị thực tế cao.

Ông Thịnh thông tin thêm nhiều đề tài đã có giá trị chuyển giao lớn như máy lấy mắt thơm (dứa, khóm) cho doanh nghiệp ép nước trái cây, máy lau lá chuối khổ lớn tự động, các hệ thống khuôn mẫu… Trong số này, khá nhiều đề tài đã kêu gọi được một số quỹ đầu tư để phát triển từ ý tưởng thành thực tế.

Với sinh viên Đại học FPT, đồ án tốt nghiệp không chỉ để “đóng quyển”, “lưu thư viện” mà còn là bàn đạp để các bạn có thể bắt đầu sự nghiệp. 200 triệu đồng là tổng số vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau dành cho dự án Izee Media Streaming - giải pháp xem video online tích hợp nhiều tính năng trong một của 5 sinh viên Đại học FPT. Điều thú vị là dự án này vốn là một đồ án tốt nghiệp.

Cụ thể, Izee Media Streaming sẽ cung cấp những tính năng để người dùng có thể xem video trên mọi thiết bị. Đồng thời, sản phẩm cũng áp dụng công nghệ Cloud Storage để đảm bảo video luôn được tải bằng tốc độ nhanh nhất với hệ thống máy chủ ở cả 3 miền trong các trung tâm dữ liệu Việt Nam.

Không đình đám như Izee, đồ án tốt nghiệp mang tên “Phần mềm chấm thi tự động” của nhóm sinh viên Đại học FPT gồm Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Dương Minh, Hoàng Trung Đức và Phạm Minh Hiếu cũng đã nhận được khen thưởng từ Đại học FPT nhờ tính hữu dụng và có thể sử dụng luôn trong công việc của trường.

Cụ thể, đồ án của nhóm đã giúp trường tăng hiệu quả và năng suất trong việc chấm bài thi bằng một phần mềm chấm thi tự động với tốc độ 5 giây/bài. Sau khi chấm thi xong, kết quả sẽ được xuất ra file excel.

Các lỗi sai trên bài thi cũng được ghi chi tiết trên file. Dựa trên file này, phòng Khảo thí ĐH FPT có thể nhanh chóng thông báo kết quả đến từng sinh viên.

PGS.TS Lý Tuấn Trường, Viện trưởng Viện Công nghiệp gỗ, trường ĐH Lâm nghiệp, cho biết sinh viên thường làm đồ án tốt nghiệp chung với các doanh nghiệp có hợp tác với viện. Hầu hết đồ án của sinh viên ngành Thiết kế nội thất là làm cho doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp cũng rất hồ hởi đón nhận việc này. Hàng năm, các doanh nghiệp đều gọi điện cho viện để nhờ viện giới thiệu cho sinh viên đến thực tập hoặc đến làm việc luôn sau khi tốt nghiệp". PGS Lý Tuấn Trường cho hay.

Giáo viên tiểu học kể lại 2 tháng chống chọi dịch bệnh Covid-19

Hai tháng qua là khoảng thời gian khó khăn với gia đình cô giáo Xiao Ya ở Vũ Hán, Trung Quốc. Cô từng thấy cay đắng, bất công nhưng rồi nhận ra mình may mắn.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/%C3%B0at-hang-do-an-tot-nghiep-1632613.tpo?fbclid=IwAR3e8fsF9wHDyNAWsJyG3h9vn0No15JAc8JFlHDmaJNAu7UMTWpIKwYpVDY

Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm