Aung Thu, sinh năm 1996 tại thành phố Pyinmana, nằm ở phía bắc Yangon, thủ đô cũ của Myanmar.
Trong thế giới bóng đá hiện đại, việc một tài năng trẻ sớm được dự giải đấu cấp cao là chuyện không còn quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, năm 2009, Aung Thu khi ấy mới ở tuổi 13 đã xuất hiện ở giải đấu U19 địa phương và ghi đến 3 bàn vẫn khiến không ít người dân quê nhà phải trầm trồ xôn xao. Tài năng bóng đá xuất chúng của họ được phát hiện theo cách như vậy.
Vận động viên hay nhất Myanmar 4 năm liên tiếp
Tài không đợi tuổi, các tuyển trạch viên nước nhà ngay lập tức tuyển chọn Aung Thu theo học tại Học viện bóng đá Myanmar. Sở hữu chiều cao không quá lý tưởng 1,68 m, điều mà người ta phải ngưỡng mộ ở tiền đạo này là kỹ thuật cá nhân xuất sắc cùng nhãn quan chiến thuật vô cùng sắc bén.
Tài năng thiên bẩm là một phần, sự khổ luyện của anh trong hai năm ở học viện bóng đá đã giúp ngôi sao sinh năm 1996 hoàn thiện từ kỹ năng độc lập tác chiến, phối hợp với đồng đội cho đến dứt điểm đa dạng.
Aung Thu là niềm tự hào của bóng đá Myanmar. Ảnh: AFF Cup. |
Năm 2013, Aung Thu không cần nhiều thời gian để xuất hiện trong đội hình đá chính của CLB Yadanarbon thi đấu tại Myanmar Nation League (giải vô địch quốc gia của xứ sở đền chùa).
Giới chuyên môn thậm chí còn nhận định tài năng của Aung Thu khác biệt hơn hẳn so với phần còn lại của giải quốc nội. Anh mới chỉ một lần vô địch của CLB vào năm 2016, nhưng có tới 3 lần liên tiếp đoạt danh hiệu "Cầu thủ hay nhất giải đấu" từ năm 2015 đến 2017.
Nhưng đáng chú ý hơn, khi anh thi đấu trong nước, nền thể thao Myanmar chỉ còn biết đến một cái tên duy nhất trong bữa tiệc tôn vinh "Vận động viên thể thao của năm": đó là Aung Thu.
Những chiếc áo đấu của anh luôn đứng top "best-seller" ở mọi cửa hàng bán áo đấu. Khuôn mặt và nụ cười của anh xuất hiện nhan nhản trong những pa-nô, áp phích quảng cáo ngoài đường phố. Chính bản thân Aung Thu nhận ra rằng, đã đến lúc mình phải bước ra khỏi biên giới quê nhà, nơi không còn gì phấn đấu, để tài năng của anh có cơ hội được vươn ra biển lớn.
Hành trình chứng minh năng lực tại Thái Lan
Aung Thu vẫn thuộc biên chế Yadanarbon, nhưng bắt đầu tìm kiếm cơ hội khẳng định bản thân tại Thai League 1 khi khoác áo Police Tero theo bản hợp đồng cho mượn từ năm 2018.
Thái Lan vốn nổi tiếng có nền bóng đá phát triển nhất khu vực, nơi có những CLB lọt vào tới top 50 châu Á. Đến với một đội bóng tầm trung như Police Tero là một quyết định sáng suốt, giúp Aung Thu có nhiều cơ hội ra sân để đối đầu với những cầu thủ tinh hoa nhất Đông Nam Á và cả các ngoại binh châu Âu, châu Phi chất lượng.
Aung Thu bản lĩnh rời khỏi giải đấu tôn vinh anh là số một để thử sức ở Thái Lan. Ảnh: Police Tero. |
Tại Thai League 1, Aung Thu vẫn "sống sót" và tự khẳng định được tên tuổi bằng thực lực tài năng. Mùa giải vừa qua, anh ghi được 11 bàn thắng trong 28 trận ra sân, tạo ra vô số cơ hội cho đồng đội lập công, thậm chí từng được vinh danh là "Cầu thủ hay nhất tháng" ở giải đấu số một khu vực.
Dẫu không thể giúp Police Tero trụ hạng thành công, cái tên Aung Thu đã khắc sâu vào trí nhớ CĐV Thái Lan và tiếp tục trở thành niềm tự hào của người dân Myanmar. Ở quê nhà, họ vẫn dõi theo ngôi sao của "White Angels", người được gọi lên tuyển khi mới 19 tuổi và là niềm cảm hứng bất tận cho bóng đá nước nhà.
Ngôi sao sáng nhất của đội tuyển quốc gia
Tháng 10 vừa qua, Aung Thu gãy tay ở Thái Lan và buộc phải bỏ lỡ đợt tập huấn cùng đội tuyển Myanmar. Các CĐV xứ sở đền chùa dĩ nhiên lo lắng sốt vó trước chấn thương nghiêm trọng mà ngôi sao sáng nhất của họ gặp phải. Sau chính trị, bóng đá là điều mà người dân nước này quan tâm nhất và tuyển quốc gia là đội bóng mà họ một mực tin yêu, ủng hộ tuyệt đối.
Đứng trước tình cảm đó, Aung Thu không còn cách nào khác ngoài cố gắng bình phục chấn thương thật nhanh. Trong trận ra quân với Campuchia, HLV Antoine Hey đáng lẽ đã cất Aung Thu lên băng ghế dự bị để cho anh có thêm thời gian dưỡng thương cũng như "ém quân" chờ đối đầu với Việt Nam và Malaysia.
Tuy nhiên, đứng trước tình cảnh bị đối thủ dẫn trước, chiến lược gia người Đức buộc phải tung con át chủ bài vào sân. Và kể từ đó, Aung Thu khiến cho lối chơi hàng công trở nên thanh thoát và sắc bén hơn hẳn.
Aung Thu (số 10) đang cùng Myanmar giữ vị trí số một bảng A. Ảnh: AFF Cup. |
Dù không thể có bàn thắng đầu tiên tại AFF Cup 2018 khi sút hỏng penalty, Aung Thu vẫn cùng các đồng đội giành được 3 điểm đầu tay, mở ra những kỳ vọng tại giải đấu cách đây hai năm họ đã lọt vào đến bán kết.
Ở trận đấu gặp Lào, số 10 cuối cùng cũng không thể bỏ lỡ cơ hội ghi bàn được nữa. Từ đường chuyền của đồng đội, Aung Thu chỉ cần khống chế một chạm, chỉnh lại tư thế và tung ra cú dứt điểm khiến thủ môn đối phương bất lực cản phá. Sự tự tin, bình tĩnh và chính xác đó là kết quả của tài năng, kỹ thuật nội lực và những kinh nghiệm sương gió sau một năm thử thách ở Thái Lan.
Bước đến trận đấu thứ 3 tại AFF Cup, các đối thủ của bảng A đã phần nào nhận diện được lối chơi của Myanmar và lên kế hoạch ngăn chặn ngòi nổ Aung Thu.
Trên Transfermarkt, giá trị chuyển nhượng của anh lên tới 315.000 bảng, con số không hề nhỏ dành cho một cầu thủ Đông Nam Á. Tại AFF Cup năm nay, toàn bộ đội hình của tuyển Việt Nam chỉ được định giá xấp xỉ ... 225.000 bảng.
Sẽ là quá sớm để khẳng định ngôi sao số 10 có thể làm được những gì trước hàng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam hay Malaysia, nhưng như Công Phượng đã chia sẻ trong buổi họp báo trước trận đấu: "Chắc chắn chúng tôi sẽ bằng mọi cách để khắc chế Aung Thu". Đây vẫn sẽ là nhân vật mà hàng thủ nào cũng cần phải "chăm sóc" kỹ lưỡng.