Phim định dạng 3D đã xuất hiện cách đây nhiều thập kỷ, khởi đầu với House of Wax (1953) của đạo diễn người Mỹ gốc Hungary, André de Toth. Nhận thức được tiềm năng cũng như lợi nhuận khổng lồ có thể mang lại, các nhà làm phim Hollywood đã quyết định đầu tư lớn hơn vào loại hình công nghệ này. Tiêu biểu, năm 2009, đạo diễn lừng danh James Cameron đã quyết định thực hiện dự án Avatar sau khoảng thời gian ấp ủ gần 11 năm trời.
Avatar tạo nên những bức tranh kỳ vĩ, choáng ngợp bằng công nghệ làm phim tân tiến. |
Sự phai nhạt của dòng phim 3D
Khác với những bộ phim hoạt hình 3D trước đó chỉ dựng hoàn toàn bằng máy tính, James Cameron đã sử dụng một loại máy quay phim kỹ thuật số tiên tiến với hai ống kính song song, có thể định vị được những tiêu điểm khác nhau, thích hợp với từng địa hình quay và hiển thị hình ảnh trực tiếp trên máy tính để chỉnh sửa một cách tùy ý. Nhờ phương pháp sáng tạo, Avatar đã trở thành bom tấn đình đám có doanh thu cao nhất mọi thời đại, mở ra một trang sử mới cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Với thành công vang dội này, công nghệ 3D được kỳ vọng là "con gà đẻ trứng vàng". Tuy nhiên, trái ngược với dự kiến ban đầu, kỷ nguyên của Avatar kết thúc kéo theo sự phai nhạt của dòng phim này. Nhiều dấu hiệu hụt hơi cả về chất lượng lẫn nội dung xuất hiện trong hàng loạt dự án gây thất vọng, chán nản như Clash Of The Titans, The Chronicles Of Narnia: The Voyage Of The Dawn Treader hay Gulliver’s Travel …
Khán giả và giới phê bình đều chỉ trích kịch liệt chất lượng hiệu ứng của các bộ phim này vì hình ảnh tối mờ, thiếu chiều sâu. Tình hình doanh thu phòng vé kể từ giai đoạn thập niên 2010 càng trở nên tồi tệ hơn và việc sử dụng 3D như một chiêu trò câu khách của các nhà sản xuất dần thất bại, bởi khán giả, những “thượng đế của rạp chiếu bóng” đủ thông minh để nhận ra điều đó.
Avatar 2 mang theo kỳ vọng của Cameron đưa thời hoàng kim của phim 3D trở lại màn ảnh rộng. |
James Cameron vẫn kiên định
Trong một cuộc phỏng vấn với SlashFilm trước khi Avatar 1 tái phát hành trên màn ảnh rộng, Cameron vẫn kiên định cho rằng, công nghệ này vẫn chưa đi vào ngõ cụt. Điều quan trọng trong thời điểm hiện tại là chấp nhận những ảnh hưởng và tương tác đa chiều giữa thị trường và công nghệ. Phim 3D cũng sẽ thịnh vượng trở lại nếu nó được thực hiện bằng cả trái tim và bộ óc, nhằm hướng tới một câu chuyện ý nghĩa và kín kẽ gửi vào đó những dụng ý nghệ thuật.
"Đối với hầu hết mọi người, 3D dường như sắp lụi tàn, nhưng với tôi, đó thực sự chưa phải là kết thúc. Đơn giản là nó đã được chấp nhận, là một lựa chọn của khán giả mỗi khi đến rạp để xem một bộ phim bom tấn ... Điều đó tựa như màu sắc vậy. Khi phim màu lần đầu tiên ra mắt, nó đã trở thành một cú hích lớn. Mọi người đổ xô đi xem phim vì chúng có màu sắc. Avatar cũng tương tự như thế, mọi người ồ ạt kéo nhau đến rạp vì nó mở ra kỷ nguyên mới cho một thể loại phim trước đó chưa từng xuất hiện”, ông chia sẻ.
Dù bướng bỉnh và cố chấp tới cực đoan, Cameron vẫn là một khối óc nhạy cảm với thị trường, và hơn hết, là một đạo diễn với tài năng không thể phủ nhận. Bất chấp những tranh cãi nổ ra xung quanh cốt truyện, Avatar lần đầu tiên ra mắt đã trở thành một biểu tượng của lịch sử điện ảnh. Bộ phim hiện vẫn giữ vị trí quán quân trong danh sách bom tấn có doanh thu phòng vé cao kỷ lục, là một trong những bức tranh khoa học viễn tưởng lộng lẫy nhất từng đổ bộ trên màn ảnh rộng.
Tác phẩm kế tiếp của ông, The Way of Water, chắc chắn sẽ sử dụng công nghệ 3D cải tiến theo những phương pháp mới, và vị đạo diễn lừng danh một lần nữa gieo hy vọng rằng, khán giả sẽ cho định dạng này thêm một cơ hội.
Avatar: The Way of Water có sự tham gia của Sam Worthington cùng với Dương Tử Quỳnh, Zoe Saldana, Kate Winslet, Sigourney Weaver, Stephen Lang và Giovanni Ribisi ... Lấy bối cảnh 10 năm sau những sự kiện ở phần một, bộ phim kể câu chuyện về gia đình mới của Jake Sully (Sam Worthington) cùng những rắc rối và bi kịch họ phải chịu đựng khi loài người trở lại xâm lược hành tinh Pandora một lần nữa.