* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Thể loại: Khoa học viễn tưởng
Đạo diễn: James Cameron
Diễn viên: Sam Worthington, Zoe Saldana, Sigourney Weaver
Đánh giá: 9/10
Tiếp nối thương hiệu khoa học viễn tưởng kinh điển, James Cameron đặt cược kỳ vọng vào dự án điện ảnh với kinh phí khổng lồ mới nhất. Tái xuất màn ảnh rộng sau 13 năm dài ấp ủ, Avatar: The Way of Water khơi gợi lại nhiều xúc cảm mãnh liệt đến khó tin.
Câu chuyện dung dị qua lăng kính viễn tưởng
Bộ phim lựa chọn bối cảnh chính ở hành tinh Pandora quen thuộc, nơi diễn ra trận chiến khốc liệt ở phần trước. Jake Sully (Sam Worthington) mở đầu hậu truyện bằng những lời tâm sự trần thuật. Anh nay đã lập gia đình với công chúa của bộ tộc Navi, Neytiri (Zoe Saldana). Cặp đôi sinh sống hạnh phúc cùng ba đứa con kháu khỉnh và cô bé Kiri (Sigourney Weaver), con gái của người bạn quá cố Augustine.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, người Trái đất sau thảm cục bại trận lại một lần nữa bùng lên dã tâm trả thù. Với trang thiết bị tối tân hơn, những “người trời” này trở lại Pandora với ý niệm thôn tính và biến nó trở thành thuộc địa. Đứng trước mối hiểm họa khôn lường, Jake Sully cùng gia đình phải chấp nhận dứt áo tha hương. Họ cùng nhau vượt biển, tới miền đất xa xôi nơi thủy tộc Metkayina an cư để tìm chỗ trú ngụ.
Cũng giống như phần phim tiền nhiệm, Avatar 2 ít đột phá về mặt cốt truyện. Nội dung phim chủ yếu xoay quanh cuộc chiến khốc liệt giữa người hùng Jake Sully và “người trời” - những bộ mặt đại diện cho tư tưởng xâm lăng của chủ nghĩa đế quốc.
Với chuyện phim có phần đơn giản, James Cameron quyết định “nhúng nước” kịch bản để tránh sự nhàm chán. Không chỉ dắt khán giả tới khám phá đại dương kỳ vĩ, vị đạo diễn tài ba còn tạo thêm nhiều nút thắt sâu lắng xoay quanh câu chuyện về tình cảm gia đình.
Bản thân ông từng nhận định “gu thẩm mỹ” của mình rất giản dị và đại chúng. Vậy nên câu chuyện ông kể chỉ “lạ”, không phức tạp. Cái lạ này xuất phát từ khẩu vị sáng tạo trên chất liệu cơ bản, mang hơi thở đặc trưng rất “ngông”, rất “Cameron”.
Avatar 2 xoay quanh câu chuyện về gia đình Jake Sully. |
Chiều sâu trong kịch bản Avatar 2 được bộc lộ qua chiều sâu tính cách nhân vật và cách thức biên kịch nêm nếm mâu thuẫn giữa các mối quan hệ. Không chỉ dụng tâm ứng phó với kẻ thù không đội trời chung Quaritch (Stephen Lang), Jake Sully còn phải chật vật trong mớ rắc rối với những đứa con trong tuổi dậy thì. Một mặt, anh phải học cách trở thành thủ lĩnh kiên cường trước hy sinh, mất mát. Mặt khác, vị cựu lính thủy đánh bộ giống như bao người đàn ông khác, vẫn là một người cha đầy bối rối trong việc kết nối tình cảm gia đình.
Chính vì vậy, Avatar 2 tạo nên cảm giác gần gũi với khán giả. Chủ đề khoa học viễn tưởng trong lăng kính của James Cameron vẫn sinh động chói lóa, nhưng được thổi một làn hơi dung dị hơn, bằng những tình tiết đời thực hơn. Xuyên suốt ba hồi phim, những mắt xích vấn đề được dàn xếp và giải quyết khá ổn thỏa. Ngay cả màn tái sinh của phản diện hay sự xuất hiện của những nhân vật mới cũng được lý giải qua từng lớp sự kiện được bóc tách cẩn thận, không đãi đằng thái quá.
Bữa tiệc giải trí mãn nhãn
Mang hơi hướm đề cao yếu tố giải trí, cả hai phần Avatar đều chiêu đãi khán giả bằng chất lượng hình ảnh thuộc hàng thượng thừa. Nếu Avatar (2009) được coi là tượng đài kinh điển làm rung chuyển ảnh đàn nhân loại, thì phần hai ra mắt sau 13 năm đã lặp lại thành công đó.
Phần hình ảnh của phim được chi chút và mài giũa tỉ mẩn. Đặc biệt với định dạng Imax hay 3D, bộ phim đúng nghĩa đã thành công “nâng tầm” trải nghiệm thị giác của thượng đế. Đồ họa kỹ xảo sống động và chân thực tới mức, nền văn minh giả tưởng Pandora hiện hữu chân thực trước mắt người xem, mang đầy tính khơi gợi khám phá.
Địa hạt Pandora cũng được mở rộng, từ khu rừng nguyên sinh kỳ vĩ nay đã vươn tới nơi đại dương bao la. Thế giới động vật một lần nữa được khắc họa hết sức độc đáo, mới lạ. Bên cạnh những cái tên chất chứa đầy kỷ niệm như Titanotheres đầu búa, báo Thanator, sói Viper, hay rồng bay núi Banshee..., Avatar 2 mở ra cả một kỳ quan mới dưới đại dương với muôn hình vạn trạng. Đó là cá mập Akula, rồng biển Ilu, cá voi Tulkun và vô vàn sinh vật khác.
James Cameron giới thiệu nhiều nhân vật và nền văn minh khổng lồ khác. |
Bên cạnh bức tranh Pandora lộng lẫy, từng phân cảnh hành động của The Way of Water cũng được dàn dựng với quy mô khổng lồ, vượt xa cả phần phim tiền nhiệm. Các pha chiến đấu đầy sức nặng với tính chân thực và cường độ cao, khiến người xem khó lòng nào xao nhãng. Bổ trợ cho điều đó là những góc máy biến hóa xuất thần của đạo diễn hình ảnh Russell Carpenter. Càng lặng người chìm đắm trong không gian cảnh quan mê ảo bao nhiêu, khán giả càng phải căng thẳng và nín thở theo dõi trận đấu khốc liệt bấy nhiêu.
Không ngoa khi nói rằng, The Way of Water mang tới bữa tiệc đồ họa hình ảnh thịnh soạn bậc nhất trong lịch sử. Bộ phim của James Cameron không nghi ngờ gì sẽ là ứng cử viên sáng giá cho hạng mục Best Picture của lễ trao giải Oscar năm nay. Ngoài ra, yếu tố soundtrack của phim cũng rất xuất sắc, không thua kém mấy so với bom tấn Black Panther 2 ra mắt trước đó của nhà Marvel.
Thách thức nào cho “Avatar: The Way of Water”
Là ván bài tài chính mạo hiểm của đạo diễn, Avatar 2 hội tụ đủ yếu tố có thể giúp Cameron thành công về mặt thương mại. Thế nhưng, dự án khổng lồ này chưa phải một bộ phim hoàn hảo. Bóc tách những lớp lang công nghệ phủ đầu, tác phẩm vẫn để lộ sơ hở trong quá trình khám phá chiều sâu của câu chuyện giả tưởng.
Điểm đáng tiếc đầu tiên là việc đánh mất nét hấp dẫn hoàn hảo của thế lực phản diện. Avatar (2009) đem tới nhân vật Đại tá Miles Quaritch, một trong những mảnh ghép tạo nên sức hút kỳ lạ cho bộ phim. Dẫu chưa xuất sắc như Hannibal Lecter trong The Silence of the Lambs hay Darth Vader của The Empire Strikes Back, Quaritch vẫn thành công xây dựng thương hiệu là một phản diện có thể gây áp lực mạnh mẽ lên tâm lý khán giả từ đầu chí cuối.
Thế nhưng ở phần phim này, dù trở lại với nhận dạng được mô tả “lớn hơn, xanh hơn và mạnh hơn”, hắn rốt cuộc lại tỏ ra lạc lõng, nhàm chán hơn. Vơi bớt trí thông minh cùng sự xảo quyệt hiếm thấy, màn thể hiện của Quaritch chưa thực sự thuyết phục dù không phải thiếu đất diễn. Chưa kể, sự rút lui bất ngờ của bộ tộc Metkayina ở trận chiến cuối cùng cũng chưa được dàn xếp thỏa đáng. Dẫu biết đó là ý đồ của Cameron khi muốn xoáy sâu vào cuộc nội chiến giữa gia đình Sully và kẻ phản diện, việc đạo diễn “quên” lý giải có thể khiến nhiều khán giả cảm thấy hoang mang.
Avatar 2 là bom tấn giải trí mãn nhãn nhưng chưa hoàn hảo. |
Cuối cùng, thời lượng phim 192 phút chắc chắn là rào cản ngăn “phù thủy phòng vé” chạm tay vào cột mốc hoàn vốn. Là bậc thầy của thể loại khoa học viễn tưởng, Cameron tự tin tới mức bướng bỉnh để bảo vệ điều này. Đó có thể coi như một “chữ ký” riêng biệt của đạo diễn, khi cả Avatar (2009) hay Titanic (1997), những bom tấn dẫn đầu lịch sử phòng vé, đều có phong cách dài như vậy.
Tuy nhiên, điều đó trở thành chướng ngại lớn với ông khi một bộ phận không nhỏ thượng đế do dự mỗi lần xuống tiền mua vé. Chưa tính, doanh thu từ kênh khán giả tái kiến cũng bấp bênh đáng kể. Muốn sinh lời, danh tiếng của James và Avatar cần vượt qua nhiều thách thức, một trong số đó là rào cản thời lượng phim.
Đúng như vị đạo diễn từng nhận định, bộ phim này là “canh bạc” rủi ro nhất lịch sử điện ảnh. Dẫu vậy, vẫn phải dành một lời khen cho bộ óc quái kiệt biết cách “làm dày” một câu chuyện mỏng bằng những sáng tạo đúng cách và một ngôn ngữ làm phim mang đậm thương hiệu cá nhân.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.