Một câu chuyện của người Do Thái về tỷ phú Ted Arison vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Ông bước vào thương trường từ hai bàn tay trắng, trải qua không ít lần quay về điểm xuất phát để đến cuối cùng trở thành ông chủ của Carnival Cruises - hãng kinh doanh du thuyền lớn nhất thế giới.
Ted Arison là một trong những con người may mắn được thụ hưởng nền giáo dục Do Thái ngay từ khi còn nhỏ. Nền giáo dục mà trong đó "vượt khó sau mỗi lần thất bại" là một bài học đầu đời không thể thiếu.
Cha mẹ người Do Thái luôn quan tâm đến việc dạy con ngay từ khi còn rất nhỏ. Ảnh: myjewishlearning.com . |
Bài học 1: Thất bại chỉ là lý do để thêm cố gắng
“Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng”. Những đứa trẻ luôn được dạy rằng phải trung thực nhìn thẳng vào vấn đề, dũng cảm học tập từ những sai lầm trong quá khứ. Vì suy cho cùng, không có ai sống một cuộc đời chỉ toàn thành công.
Nhà sáng chế vĩ đại Thomas Edison đã thử nghiệm hàng ngàn lần trước khi sáng chế ra bóng đèn điện. Harland David Sander nhận hơn 1.000 lời từ chối hợp tác trước khi đưa được thương hiệu gà rán KFC đến với mọi quốc gia trên thế giới. Họ không thất bại, chỉ là họ đã tìm ra 1.000 cách không hiệu quả trước khi tìm được một con đường dẫn đến thành công.
Bài học 2: Sách tạo ra trí tuệ, trí tuệ tạo ra nền văn minh
Nếu một đứa trẻ Do Thái được hỏi: “Con sẽ đem theo vật gì ra ngoài nếu nhà không may bị cháy?”, lập tức đứa trẻ đó sẽ trả lời: “Những cuốn sách!”.
Trong các gia đình Do Thái luôn có một tủ sách. Họ duy trì thói quen đọc sách và học tập không ngừng từ đời này sang đời khác. Để giúp đứa trẻ làm quen với sách vở, cha mẹ thường sử dụng mẹo là nhỏ vài giọt mật ong hoặc nước hoa vào cuốn sách để hấp dẫn và kích thích trí tò mò của chúng.
Cũng nhờ vậy mà học sinh, sinh viên Do Thái tự học rất tốt. Họ luôn tự đọc tài liệu, tự tìm hiểu vấn đề và làm việc với tinh thần độc lập cao độ.
Bài học 3: Học tập từ tinh thần kinh doanh
Cha mẹ Do Thái thường dạy con kiếm tiền sớm. Đó không chỉ là cách rèn luyện kỹ năng sống, mà còn giúp con hiểu giá trị của đồng tiền để tiêu dùng chúng tiết kiệm và hiệu quả.
Khi còn nhỏ những đứa trẻ thường được bố mẹ cho làm công việc nhà, đổi lại chúng được sở hữu một tài khoản ngân hàng và học cách đầu tư sinh lời từ chính những con số nhỏ bé đó.
Tinh thần kinh doanh giúp làm giàu cho bản thân, sau đó là làm giàu cho đất nước. Thành tựu về kinh tế mà họ đạt được khiến toàn thế giới kinh ngạc.
Những bài học này được trích từ “Bí mật người Do Thái dạy con làm giàu” - tác giả Phạm Thị Kim Hoa.
Cuốn sách là trải nghiệm của một cô gái Việt làm dâu trong gia đình Do Thái. Ảnh: PV. |
Cuốn sách bao gồm 11 chương sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát trong cách giáo dục con thành tài của người Do Thái. Đó là những bí quyết như “thai giáo” từ khi còn nằm trong bụng mẹ, dạy chữ và dạy toán cho con từ lúc 3 tuổi, dạy con vượt qua khó khăn sau mỗi lần thất bại, bài học biến đồng tiền thành nô lệ, học hỏi không ngừng…
Đặc biệt cuốn sách được viết bằng trải nghiệm của một cô gái Việt làm dâu trong gia đình Do Thái. Viết sách chính là cách mà cô chọn để chia sẻ với cộng đồng cha mẹ Việt, giống như người Do Thái vẫn thường làm trong cộng đồng của mình.