Trong quá trình mang thai, người mẹ có thể mắc một số bệnh một cách tự nhiên, khó kiểm soát. Nếu không kiểm soát bệnh tốt, chúng sẽ gây ra nhiều biến chứng, tác động tiêu cực tới cả mẹ và con.
Viêm nhiễm phụ khoa
Theo thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, Bệnh viện Phụ sản, Hà Nội, khoảng 20% phụ nữ đang mang thai gặp phải các vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa. Nguyên nhân là sự tăng đột biến các hormone trong thai kỳ khiến cho vùng kín của phụ nữ nhạy cảm hơn nên dễ bị mắc bệnh nhiễm trùng.
“Sản phụ bị viêm nhiễm nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra tình trạng viêm ngược dòng từ âm đạo lên tử cung. Gây ra tình trạng vỡ ối non, đẻ non hoặc sảy thai”, bác sĩ Cường nói.
Theo các chuyên gia sản khoa, viêm nhiễm khi mang bầu còn có thể khiến con sinh ra kém khỏe mạnh. Một số vi khuẩn có thể xuyên qua màng ối cư trú trong đường hô hấp của thai nhi. Khi bé ra đời các loại vi khuẩn này sẽ có cơ hội gây bệnh viêm phổi sơ sinh, rất nguy hiểm.
Sản phụ có thể phòng tránh được nguy cơ viêm nhiễm khi mang bầu bằng cách tự mua que thử pH. Nếu thấy dấu hiệu mất cân bằng pH, bà bầu nên đi khám phụ khoa để biết được mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trong quá trình mang thai, chị em nên đi khám phụ khoa 3 tháng một lần.
Khi gặp tiểu đường thai kỳ, thai phụ phải được theo dõi đặc biệt. Ảnh: iStock. |
Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường trong giai đoạn mang thai xảy ra khi lượng glucose trong máu tăng cao cao do người mẹ không thể tiết đủ insulin (phụ nữ mang thai cần insulin nhiều gấp hai đến ba lần người không mang thai).
Khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ, sau khi sinh, đứa trẻ có thể phải đối mặt nguy cơ cao mắc các bệnh nghiêm trọng như vai bị trật khớp (vì bé quá to nên không vừa đường sinh), lượng glucose cực thấp, bệnh vàng da kéo dài, đặc biệt là hội chứng suy hô hấp.
Tiểu đường thai kỳ chỉ tạm thời và thường biến mất sau khi mang thai. Tuy nhiên, phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ tăng nguy cơ 50-60% mắc tiểu đường tuýp 2 sau này.
Thạc sĩ Cường cho biết tiểu đường thai kỳ thường bắt đầu vào 3 tháng cuối. Bác sĩ thường kiểm tra bệnh trong tuần thứ 24-28. Phụ thuộc vào kết quả kiểm tra, thai phụ cần thay đổi chế độ ăn uống hoặc phải dùng thuốc.
Tiền sản giật
Theo các chuyên gia, tiền sản giật xảy ra khi phụ nữ bị huyết áp cao và xuất hiện đạm trong nước tiểu. Chứng bệnh này còn được gọi là nhiễm độc thai nghén hoặc cao huyết áp do thai kỳ, xảy ra trong khoảng tuần thai 20, đôi khi sớm hơn. Khoảng 5-8% phụ nữ mang thai mắc chứng này.
Tiền sản giật có thể nguy hiểm tới tính mạng của mẹ và bé nếu không được chữa trị. Các biến chứng như chảy máu (các vấn đề về máu), tổn thương nhau thai, và gây hại cho gan. Thai nhi cũng có thể gặp biến chứng nếu sinh quá non.
Triệu chứng thường gặp của tiền sản giật gồm đau đầu dai dẳng, tay và mặt sưng phồng bất thường, tăng cân đột ngột hay khả năng nhìn thay đổi.
Nếu bị nhẹ, thai phụ được khuyến cáo điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống. Ở mức độ nặng, bênh sẽ xuất hiện các biến chứng như suy thai, đau bụng, động kinh, giảm chức năng thận, hoặc xuất hiện dịch trong phổi.
Khi đó, thai phụ phải tới bệnh viện để theo dõi qua máy. Bệnh nhân có thể được tiêm tĩnh mạch để hạ huyết áp, hoặc steroid để giúp phổi thai nhi phát triển nhanh hơn.
Sinh con có thể là lựa chọn an toàn nhất nếu tiền sản giật gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, ngay cả khi em bé chưa đủ tháng. Do đó, khi mang thai, chị em nên tới bác sĩ nếu thấy bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng đau bụng trong thai kỳ.